Nỗi lo thuốc trừ sâu

31/05/2013 02:47 GMT+7

Hôm nay 31.5, các đại biểu Quốc hội sẽ “mổ xẻ” dự thảo luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, bao gồm các quy định về phòng chống dịch hại và tài nguyên thực vật, kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật.

Hôm nay 31.5, các đại biểu Quốc hội sẽ “mổ xẻ” dự thảo luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, bao gồm các quy định về phòng chống dịch hại và tài nguyên thực vật, kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật.

Đây cũng đang là những vấn đề “nóng” được dư luận rất quan tâm, đặc biệt là việc quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Mỗi năm nông dân cả nước dùng hàng chục ngàn tấn hóa chất để phun cho cây cối, rau màu nhưng có tới 26,85% số hộ nông dân vi phạm quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như dùng thuốc ngoài danh mục, không đúng quy trình kỹ thuật, vượt quá nồng độ và liều lượng. Nhiều nơi, người dân lạm dụng thuốc trừ sâu đến mức không dám ăn rau mình trồng, thậm chí phải trồng riêng những luống rau cho gia đình sử dụng. Tỷ lệ mẫu rau có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép đang “đứng” ở mức cao, chiếm 8%. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã lấy 1.697 mẫu rau an toàn tại các cơ sở sản xuất, sơ chế và kinh doanh trên địa bàn phân tích, kiểm tra và phát hiện 74 mẫu (4,4%) chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép!

 Các mối nguy nêu trên đều đã được nhận diện từ lâu, nhưng loay hoay mãi, chúng ta vẫn chưa xử lý triệt để được, người tiêu dùng vẫn canh cánh nỗi lo. Đây đó, người nông dân vẫn phải bỏ tiền mua thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi, thuốc giả hoặc kém chất lượng, bỏ công sức ra phun cho rau màu để rồi “tiền mất tật mang”. Đây đó, người ta vẫn có thể dễ dàng mua và sử dụng thuốc bảo quản nông sản, thuốc “ép” trái cây chín sớm và cho quả đẹp.

 Nguyên nhân được xác định là các quy định hiện hành còn kẽ hở, cản trở quá trình thực thi trên thực tế và sự vào cuộc của cơ quan hữu trách chưa thực sự quyết liệt. Đơn cử như kinh phí thu hồi và tiêu hủy các loại thuốc bảo vệ thực vật giả, không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục, lâu nay chưa quy định rõ lấy từ nguồn nào, gây ra tâm lý “ngại” xử lý ở nơi này, nơi khác… Dự thảo luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã phần nào bịt được các kẽ hở nêu trên; Các quy định cụ thể về loại bỏ thuốc độc hại ra khỏi danh mục sẽ là cái gậy để cơ quan hữu trách thẳng tay với các loại thuốc có hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Thuốc bảo vệ thực vật giả, độc hại cũng sẽ còn ít “đất” để “sống” hơn khi người sử dụng thuốc có quyền yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh bồi thường thiệt hại do thuốc gây ra.

Tuy nhiên, kết quả thì lại trông chờ vào việc thực thi của cơ quan chức năng. Một khi chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý những đơn vị, cá nhân không thi hành hoặc tiêu cực trong thực thi công vụ thì chắc chắn sẽ không có sự thay đổi đột biến, nỗi lo của người tiêu dùng vẫn không thể vơi đi.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.