Ngón nghề tài hoa - Kỳ 2: Thiên nhiên vẽ nên tranh

29/05/2013 03:25 GMT+7

Chiếc túi ni lông được vo lại, lăn màu, in lên thành cánh đồng xanh mướt. Đó là cách họa sĩ Lê Huy Tiếp (ảnh) đã thổi hồn cho Xanh - tác phẩm tranh in độc bản.

Ngón nghề tài hoa - Kỳ 2: Thiên nhiên vẽ nên tranh 1 

Tranh in độc bản còn khá mới với công chúng. Ngay cả giới làm nghề trong nước cũng chỉ thực sự chú ý đến loại hình này từ mười năm trở lại đây, trong khi thế giới đã phát triển từ khá lâu. Có nhiều kỹ thuật làm tranh in độc bản. Đặt giấy vẽ lên trên tấm kính có phủ màu, dùng bút vẽ lên, màu từ tấm kính sẽ hằn theo nét bút lên giấy vẽ, tạo nên bức tranh theo ý muốn của họa sĩ. Một kỹ thuật khác phức tạp hơn trong tranh của Lê Huy Tiếp là dùng ru lô lăn màu lên những vật dụng (có thể là cây cỏ, côn trùng, hay những đồ vật trong cuộc sống…), sau đó ép xuống, để hình ảnh các vật dụng cùng màu sắc (vừa được phủ lên) in trên giấy vẽ.

Xem tranh in độc bản của Lê Huy Tiếp thấy thú vị như được thưởng ngoạn những bức tranh do thiên nhiên vẽ nên. Ông thích dùng những vật liệu của cuộc sống tự nhiên như cây cỏ, côn trùng... Bức Bướm đêm được vẽ bằng những lá khoai nước bị sâu đục phải lội xuống ao mới lấy được, những cánh bướm sau một hồi đuổi bắt mải miết. Buổi sáng tươi đẹp là hình ảnh của những cành dương xỉ, bươm bướm, chuồn chuồn… Tranh in khiến người ta nghĩ đến những hình khối “bị ép” cứng nhắc, nhưng trong tranh của Lê Huy Tiếp, những lá khoai, cành dương xỉ như vẫn run rẩy, những cánh bướm, chuồn chuồn như vẫn rập rờn. Tranh của ông trong tĩnh vẫn có động.

Ngón nghề tài hoa - Kỳ 2: Thiên nhiên vẽ nên tranh
Tác phẩm Dưới đáy của họa sĩ Lê Huy Tiếp - Ảnh: họa sĩ cung cấp

Trong bức Dưới đáy, Lê Huy Tiếp nhặt cả xương cá, chiếc kéo, CD bị hỏng, chiếc ghim, lông gà, chìa khóa…đặt trong khung cảnh đại dương tan tác. Ông sử dụng những con mực khô và những đồng tiền giấy trong Mực và  tiền. Trong bức Chuồn chuồn và cá, một bộ xương cá ngắc ngoải trong tấm lưới được in bằng chiếc giẻ rửa bát. Các đồ vật, ngay cả những thứ bị bỏ đi, trong cuộc sống đều có thể tạo ra tranh in độc bản. Thậm chí, người họa sĩ có thể ngẫu hứng sáng tạo với những đồ vật vô tình bắt gặp. Một lần, họa sĩ Lê Huy Tiếp nhặt được vài chiếc lông gà, ông liên tưởng tới bộ cánh của Icarus (nhân vật trong thần thoại Hy Lạp) bị tan chảy khi đến gần mặt trời, bức tranh về Icarus đã ra đời sau đó.

 

Trong tranh của Lê Huy Tiếp, những lá khoai, cành dương xỉ như vẫn run rẩy, những cánh bướm, chuồn chuồn như vẫn rập rờn

Người ta e ngại những đồ vật có thể là giới hạn của tranh in độc bản, nhưng trái lại người nghệ sĩ được hoàn toàn tự do khi đến với nhiều chủ đề, thể loại. Bằng chứng là những tác phẩm của Lê Huy Tiếp không có bất kỳ giới hạn nào. Ông có thể sáng tác về chủ đề thiên nhiên, xã hội, môi trường, cuộc sống. Ông tự do đi vào những chủ đề trừu tượng, hiện thực, hay hiện thực pha siêu thực lãng mạn với tranh in độc bản. Tranh in độc bản còn có thể kết hợp với nhiều loại hình hội họa khác.

Sắp đặt đồ vật, lăn màu, ép lên trên bề mặt tác phẩm. Cách làm tranh in độc bản có thể khiến người ta nghĩ đây là loại hình nghệ thuật không quá phức tạp. Nhưng thực tế sắp đặt, lăn màu là nghệ thuật đòi hỏi sự công phu. Họa sĩ Lê Huy Tiếp lăn màu lên một con mực với kỹ thuật cao, để màu in ra đúng chất mực khô. Tạo hình con mực đầu tiên hoàn thiện, màu in đã khô, một con mực khác vừa lăn màu được đặt khít vào bên cạnh. Phải chờ để màu khô, các con mực tiếp theo mới được đặt xuống. In mực khô như vậy, đến chuồn chuồn cũng không khác gì, tỉ mỉ từng con một. Một màu được in ra cũng đều phải để khô. Tranh của Lê Huy Tiếp thường có màu sắc sống động, đa dạng. Có bức ông in tới 15-20 màu, với nhiều lớp.   

Tìm lại giá trị cho tranh in độc bản

Những kỹ thuật trong tranh in độc bản đã được ứng dụng tại Việt Nam từ lâu, nhưng mới chỉ ở mức đơn giản: in trên mica, kính với một hoặc hai màu. Họa sĩ Lê Huy Tiếp được coi là người đầu tiên đưa tranh in độc bản về Việt Nam theo đúng nghĩa một loại hình hội họa.

Lê Huy Tiếp là một tên tuổi lớn của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Con đường hội họa của ông thực tế gắn liền với chất liệu sơn dầu nhiều hơn cả. Năm 1976, trong triển lãm mỹ thuật đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, Lê Huy Tiếp đã là cái tên được chú ý đến với bức Cô gái và con chó trắng. Dù bị gỡ xuống sau khi được trưng bày ba ngày, nhưng tác phẩm đánh dấu thời kỳ phát triển mới với những tiếng nói đa dạng của nền mỹ thuật Việt Nam. Đồng thời giới phê bình đã nhận ra một bút pháp mang cá tính riêng và nổi bật. Bức tranh cũng mở đầu cho phong cách hiện thực pha siêu thực lãng mạn mà Lê Huy Tiếp vẫn trung thành tới tận bây giờ.

Tranh in độc bản được thế giới ưa chuộng, nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn, tinh tế của người họa sĩ. Người làm tranh in độc bản tại Việt hiện giờ chẳng có mấy ai và không phải ai cũng dám theo đuổi đến cùng con đường này.  

 Minh Ngọc 

>> Ngón nghề tài hoa - Kỳ 1: Túy họa giang hồ
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự - Kỳ 4: “Đại gia” hội họa
>> Hội họa - kênh đầu tư hấp dẫn
>> Hội họa Việt Nam mất uy tín vì nạn tranh giả
>> Triển lãm tranh quý của hội họa VN
>> Hội họa 3D ở Hà Nội 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.