“Xử lý nợ mà để tài sản mất hết thì nguy”

27/05/2013 03:15 GMT+7

Đó là ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh (ảnh) khi trao đổi với PV Thanh Niên bên lề kỳ họp QH về những thách thức mà Công ty quản lý tài sản quốc gia sẽ phải đối mặt khi làm trung gian các ngân hàng và doanh nghiệp giải quyết nợ xấu.

“Xử lý nợ mà để tài sản mất hết thì nguy”
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Ảnh: Ngọc Thắng

Trước đó, ngày 18.5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 53 cho phép Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) ra đời và hoạt động từ ngày 9.7.2013.

Chính phủ cũng cho phép VAMC được ban hành loại trái phiếu (TP) đặc biệt, bằng đúng giá trị món nợ xấu để các ngân hàng (NH) mua lại và dùng tái cấp vốn với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) VN tăng cường vốn khả dụng.

Chính phủ khẳng định không dùng ngân sách để mua nợ xấu, mà sẽ phát hành loại TP đặc biệt. Vậy tài sản nào sẽ đảm bảo giá trị, mức độ an toàn cho các TP này, thưa ông?

Loại TP đặc biệt này theo nghị định được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, mệnh giá có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu. Khi phát hành, TP này được đảm bảo bằng chính tài sản thế chấp (TSTC) cho các món nợ hiện hành tại các NH.

Đặc biệt, nó gắn với TSTC chủ yếu là bất động sản (BĐS) hiện nay trong hệ thống NH, cho nên biện pháp này sẽ đảm bảo được sự an toàn cho các tổ chức tín dụng.

TSTC đa phần là BĐS, như vậy liệu VAMC có xử lý được không khi thị trường BĐS vẫn đóng băng như hiện nay?

Tất nhiên, hiện có một cái khó là phần lớn TSTC bằng BĐS, nếu bán ra bây giờ thì giá rẻ, nhưng nếu thị trường ấm lên có khi nó lại khác. Hiện nay, Chính phủ vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đứng ra xử lý nợ, còn trên danh nghĩa VAMC chỉ nắm giữ các khoản nợ đó thôi, không phải người trực tiếp xử lý.

Một số trường hợp có đứng ra thì vẫn phải qua các công ty thẩm định giá, đấu giá và NH phải có trách nhiệm thì mới quản lý được, chứ để tài sản mất hết thì nguy.

Ông có thể nói rõ hơn việc VAMC không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, chủ yếu phát hành TP đặc biệt. Vậy NHNN sẽ phát hành như thế nào và TP này NH dùng để làm gì?

TP này được đảm bảo bằng chính món nợ (khoản cho vay) tại các NH mà phần lớn bằng BĐS như tôi đã nói ở trên. Tất nhiên nó an toàn và không có vấn đề gì cả. Mục đích chính là để NH dùng tái cấp vốn tại NHNN tăng thanh khoản. Đồng thời, khi các khoản nợ xấu được mua lại bằng TP, coi như nợ này được chuyển sang một bên, doanh nghiệp sẽ được vay những khoản vay mới để hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển các dự án mới. Cho nên, Chính phủ chỉ đạo bây giờ dự án nào có hiệu quả thì phải cho vay, chứ nếu giả dụ giờ doanh nghiệp vẫn gắn với nợ cũ, bị xếp nhóm nợ xấu thì không đủ tiêu chí, không vay được.

Giá BĐS giờ đang rẻ, nếu lấy làm tài sản đảm bảo cho TP đặc biệt liệu có rủi ro không?

Ở đây, tôi không bình luận những anh (ngân hàng - PV) làm bậy, những NH của mình tự cho mình vay, còn hầu hết tài sản thế chấp tại các NH đều phải có giá trị. Bởi khi yêu cầu thế chấp, NH cũng tính giá trị tài sản đó dưới giá trị thực, bước đầu tiên này đã là một mức an toàn rồi.

Thứ hai, khi cho vay, các NH cũng không phải cho vay toàn bộ giá trị của BĐS đó, nên cũng không ngại gì về việc mất ổn định, hay mất an toàn cả.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy mô vốn điều lệ của VAMC 500 tỉ đồng quá ít so với tổng nợ xấu hiện nay và các NH phải chấp nhận chịu lỗ, mang TSTC ra phát mại, xử lý nợ xấu?

Trước mắt, với quy mô 500 tỉ đồng theo tôi là không có vấn đề gì và có lẽ cũng đủ, tất nhiên quá trình triển khai và thực hiện, NHNN tiếp tục xem xét. Tuy nhiên, như nghị định đã quy định, việc xử lý của chúng ta vẫn chủ yếu thông qua phát hành TP đặc biệt.

Đối với các tổ chức tín dụng, hiện nay, Chính phủ vẫn yêu cầu phải phát mại tài sản, làm việc đó một cách bình thường theo luật tín dụng. Việc gì làm được vẫn phải làm chứ không phải đóng băng lại hết, bán được vẫn phải bán để dứt điểm xử lý nợ.

“Xử lý nợ mà để tài sản mất hết thì nguy”

Ngân hàng phải trực tiếp có trách nhiệm xử lý nợ xấu - Ảnh: Ngọc Thắng

VAMC chỉ dọn dẹp được một phần

Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng thực chất hoạt động của VAMC chính là việc công ty này đứng ra làm trung gian, ghi lại nợ xấu của tất cả NH bằng một loại TP. Nhờ đó, khoản nợ xấu trong bảng cân đối tài sản của NH được loại ra ngoài, được dọn dẹp, NH lại có thể cho doanh nghiệp vay mới.

Một điểm đáng chú ý, TP đặc biệt này, không chỉ được bảo đảm bằng TSTC (hiện nay 70% dư nợ của NH có TSTC - PV), còn được đảm bảo bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các NH. Cụ thể, trong vòng 5 năm, mỗi năm NH phải trích lập 20% tổng giá trị món nợ xấu đó để dự phòng.

Ông Ngoạn cho biết, theo quy định VAMC có thể tổ chức bán đấu giá TSTC, mặt khác vẫn đồng thời ủy quyền cho tổ chức tín dụng để xử lý, nhưng vẫn chủ yếu là bán tài sản. Trong trường hợp, nếu không bán được, 5 năm sau NH sẽ phải mua lại. “Nếu tổ chức tín dụng cũng không xử lý, không bán được, sau 5 năm phải dùng nguồn chính từ trích lập dự phòng rủi ro, mỗi năm 20% cho đủ 100% giá trị để xử lý. Hiểu nôm na VAMC ra đời sẽ giãn nợ cho các doanh nghiệp tại các NH tối đa 5 năm, trong thời gian nợ xấu trong bảng cân đối tài sản của NH được dọn dẹp sạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ điều kiện được tiếp tục vay vốn. Còn quy mô 500 tỉ đồng theo tôi cũng nhỏ thôi vì chủ yếu dùng TP đặc biệt để xử lý, các NH dùng TP này để tái cấp vốn, chứ cũng không có chuyện NHNN in thêm tiền để xử lý. Tuy nhiên, rõ ràng để xử lý nợ cần nhiều giải pháp đồng bộ khác, còn VAMC ra đời cũng chỉ dọn dẹp được một phần mà thôi”, ông Ngoạn đánh giá.

Anh Vũ 

 >> Nhanh chóng xử lý “cục máu đông” nợ xấu
>> Xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... còn chậm
>> Gia hạn nợ xấu, không nên đánh đồng
>> Chính phủ “trả lại” đề án xử lý nợ xấu
>> Đã xử lý được 39.000 tỉ đồng nợ xấu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.