Ngón nghề tài hoa - Kỳ 1: Túy họa giang hồ

28/05/2013 03:25 GMT+7

Có một gã đàn ông mới ngoài tứ tuần đã bị đột quỵ. Không chết, nhưng từ đó bị chứng “mắc... vẽ” và đi lang thang. Đi đâu vẽ đấy, vừa hát vừa vẽ nên bằng hữu gọi gã là “Túy họa giang hồ”.

Đó là họa sĩ Trần Đạt, sinh 1953 tại Nam Định nhưng mới 1 tuổi đã theo gia đình vào sống ở Sài Gòn. Anh kể ngay từ nhỏ đã có năng khiếu hội họa. Hồi ấy nhà anh ở trong trại Võ Tánh, ở đó có một bãi sân trống trải cát bằng phẳng - đó chính là cái khung vải bao la để cậu bé Trần Đạt thỏa sức lấy que rạch lên cát những tác phẩm của mình. Năng khiếu hội họa cứ thế phát triển theo tự nhiên, chẳng qua một trường lớp nào. Thuở trung học, ngồi trong lớp, trò Đạt thường vẽ lén chân dung các thầy cô giáo rồi khoe với bạn học, ai cũng trầm trồ, thích thú. Ngoài khả năng hội họa, Đạt còn viết chữ theo lối phăng-ta-di (fantasi) rất bay bướm cho nên bạn bè đặt cho biệt danh “Thầy Đồ”…

Trần Đạt trước chân dung của đạo diễn Lê Cung Bắc, GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Vũ Hoàng
Trần Đạt trước chân dung của đạo diễn Lê Cung Bắc, GS-TS Trần Văn Khê và
nhạc sĩ Vũ Hoàng - Ảnh: H.Đ.N
 

Tuy nhiên khi trưởng thành thì anh không theo nghề vẽ cũng chẳng hành nghề dạy học. Sau 1975, vì mưu sinh nên anh trở lại những nghề có “dính dáng” đến mỹ thuật như vẽ pa nô quảng cáo, vẽ truyền thần… Những khi rảnh rỗi anh lại hí hoáy ký họa chân dung những người chung quanh. Anh vẽ rất nhanh, cố gắng nắm bắt và làm bật lên cái “thần” của nhân vật. Anh nói:“Cũng như rèn luyện kungfu vậy mà !”…

Năm 1997, mới 44 tuổi mà Trần Đạt đã bị một cú tai biến mạch máu não. Tuy không mất mạng nhưng bị liệt nửa người. Sau một thời gian dài chữa trị mới tương đối đi lại được. Bác sĩ khuyên anh “Cứ vui mà... sống chung với lũ, nhất là đừng lo nghĩ chuyện kinh doanh, mưu sinh...”. Từ đó, Trần Đạt… phiêu bạt giang hồ, hành trang chỉ có cây bút vẽ. Trước là dưỡng bệnh sau là dịp để thỏa mãn niềm đam mê hội họa. Đi tới đâu, ký họa tới đó…

Vừa hát, vừa vẽ

Trần Đạt kể: “Khoảng năm 2000, tôi có làm MC cho quán  hát với nhau Bè Bạn trên đường Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Chiêu câu khách của quán là nhờ tôi vẽ ký họa chân dung cho  khách (không công), tôi đã vẽ  rất nhiều người, trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Sáng, họa sĩ Uyên Huy, kiến trúc sư Nguyễn Thanh Sơn… Anh biết không, ở đó là môi trường “luyện tay nghề” cực tốt. Mình vẽ mà “người mẫu” không hề hay biết nên họ cứ vô tư nói cười và... động đậy liên tục. Vẽ người mẫu trong trạng thái “động” đã rất khó mà lại còn phải vẽ trong ánh đèn màu chớp tắt liên hồi lại còn khó gấp bội. Nhưng cũng nhờ đó mà đã hình thành trong tôi thói quen nhận dạng nhân vật qua phương pháp “nhân tướng học” để vẽ nhanh và chuẩn xác. “Anh em song sinh” của thể loại ký họa là vẽ hí họa (chân dung tếu), tôi thường vẽ chân dung nhân vật có thêm chút cường điệu, “đính kèm” theo là những “phụ kiện” liên quan đến nghề nghiệp, tính cách của nhân vật ấy… Rồi trong những bàn nhậu, “để thay đổi không khí” tôi bày ra trò vừa hát vừa vẽ để... tăng độ khó, tự thử thách mình. Thời gian làm MC đã tạo cho tôi những kỹ năng sân khấu, cộng với chất giọng khá tốt và khả năng ký họa giỏi. Tôi kết hợp những điều này để tạo ra một kỹ năng đặc biệt: vừa hát, vừa vẽ bằng chì than (hoàn tất bức ký họa chân dung trong vòng từ 3 - 5 phút). Một chút chất men từ bàn nhậu cũng đủ làm cho tôi vừa hát vừa vẽ một cách xuất thần, phiêu linh... Có lẽ vì thế mà bạn bè gọi tôi là “Túy họa giang hồ”. Tôi đã từng vẽ chân dung nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bằng bút pháp sơn dầu (khổ tranh 1,6 x 1,5 m) trong vòng bài hát Tất cả những người đàn bà đều đẹp (nhạc Pháp), trước sự chứng kiến của người mẫu (Phan Huỳnh Điểu), GS-NS Ca Lê Thuần, NSND Trần Hiếu, NSƯT Tuấn Phong, ca sĩ Trần Thu Hà…”.

Rong ruổi khắp mọi miền đất nước, gặp ai anh cũng…vẽ tặng như là một “món quà lưu niệm” bắt đầu cho tình bằng hữu đậm đà sau này. Đến nay, Trần Đạt đã thực hiện chân dung của những nhân vật nổi tiếng như: GS-TS Trần Văn Khê, nhiếp ảnh gia Võ An Ninh, nhà văn Tô Hoài, GS Vũ Khiêu, nhạc sĩ Phạm Tuyên, nghệ nhân Hà Thị Cầu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Bùi Giáng, đạo diễn Lê Cung Bắc, nhạc sĩ Vũ Hoàng, ông Abhay Thakur (Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM)...

Người viết từng quen biết khá nhiều họa sĩ nhưng sau nhiều lần chứng kiến Trần Đạt vẽ, phải thú thật rằng dù cách vẽ của Trần Đạt giỡn chơi nhưng hiếm có họa sĩ làm bật lên được cái thần, cái tính cách của nhân vật như Trần Đạt. Anh hí họa Trương Như Bá đang xuất thần với cây đàn guitar, mớ tóc dài bay xõa như đang rung lắc trong cơn phiêu linh với những âm thanh mê hoặc, hoặc anh vừa ký họa chân dung đạo diễn Trần Phước Sơn (TFS) vừa hát ca khúc Phượng hồng (Vũ Hoàng phổ thơ Đỗ Trung Quân) trước sự chứng kiến của nhạc sĩ Vũ Hoàng, ảo thuật gia Hoàng Lộc, doanh nhân Lê Ích Phần… anh hát đến câu cuối cùng thì cũng vừa hoàn tất một bức chân dung cực kỳ sống động. Rồi, không chỉ vẽ một người mà tất cả những ai có mặt tại chỗ đều được anh “nhét” vào chung một tờ giấy A4 theo phong cách hí họa “đông, vui” và... không thể chê vào đâu được!

Theo kế hoạch, nhân dịp ông Biswaroop Roy Chowdhury (Tổng giám đốc Trung tâm kỷ lục châu Á) sang Việt Nam để trao bằng xác nhận 5 kỷ lục châu Á mới, Trung tâm kỷ lục Việt Nam (Vietkings) sẽ tổ chức để họa sĩ Trần Đạt biểu diễn kỹ năng “độc nhất vô nhị”: vừa vẽ chân dung vừa hát trước sự chứng kiến của vị khách quý này.

120 tác phẩm chân dung với các chất liệu than chì, màu nước, sơn dầu... của Trần Đạt cũng sẽ được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 31.5 đến 5.6.2013.

Hà Đình Nguyên

>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự - Kỳ 4: “Đại gia” hội họa
>> Hội họa - kênh đầu tư hấp dẫn
>> Hội họa Việt Nam mất uy tín vì nạn tranh giả
>> Triển lãm tranh quý của hội họa VN
>> Hội họa 3D ở Hà Nội
>> Tìm kiếm tài năng hội họa trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.