Đại biểu Quốc hội góp ý Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

27/05/2013 17:23 GMT+7

Trong phiên thảo luận tại tổ vào sáng 27/5 về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu đã có nhiều ý kiến sâu sắc, góp ý với Điều 4 của Dự thảo.

>> “Giữ lại Điều 4 là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân”
>> Thành viên MTTQ góp ý Điều 4 dự thảo Hiến pháp
>> Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết góp ý Điều 4 Hiến pháp sửa đổi

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm,  Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng không cần phải thêm bớt, chỉnh sửa gì về Điều 4 bởi vì, quy định về Đảng trong bản Hiến pháp khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta.

 Đại biểu thảo luận tại tổ, góp ý dự thảo Hiến pháp
Đại biểu thảo luận tại tổ, góp ý dự thảo Hiến pháp - Ảnh VGP/Thành Chung

Theo đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị), từ khi có Đảng đến nay, Đảng luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.

Đại biểu này cho rằng Dự thảo ghi: “Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” là hoàn toàn hợp lý, vì mọi hoạt động của Đảng cần phải được nhân dân biết và giám sát, đóng góp ý kiến. Có như vậy, Đảng mới nhận được lòng tin bền vững của các tầng lớp nhân dân, qua đó sự tồn tại, phát triển của Đảng mới thực sự lớn mạnh.

Bàn luận sâu hơn về Điều 4, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết có nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn tính chịu trách nhiệm của Đảng trước dân. Nhân dân cũng đặt ra yêu cầu dân giám sát hoạt động của Đảng như thế nào và qua tiếp xúc thấy rõ ý thức của nhân dân khi đề xuất vấn đề này là hoàn toàn có tính xây dựng.

Bà Tâm cho rằng “có thể không đưa (quy định nhân dân giám sát hoạt động của Đảng) vào Điều 4, nhưng cần phải có hành động cụ thể tiếp thu ý kiến nhân dân về vấn đề này, vì đây là nguyện vọng, lòng tin và tình cảm của nhân dân với Đảng”. Còn “nếu không tiếp thu đưa vào Hiến pháp mà lại không giải trình cụ thể về việc này thì người dân rất buồn và cho rằng ý kiến của mình không được tiếp thu một cách cầu thị, không được trân trọng”.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Quyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đề nghị cơ quan soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu bổ sung nguyên lý “Đảng lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội nhưng Đảng không làm thay công việc của Nhà nước”.

Theo ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên lý này đã được thể hiện trong Cương lĩnh của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI và cần được thể hiện trong Điều 4. Việc này có ý nghĩa phân định rạch ròi trách nhiệm, nhiệm vụ của Đảng và bộ máy Nhà nước, không để cho các thế lực thù địch có cơ hội lợi dụng, chống phá hoạt động của Đảng, Nhà nước.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

>> Trình Quốc hội phương án về tên nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Trên 900.000 lượt ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
>> Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
>> Nhận được 44 triệu ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
>> Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Người bị truy tố có quyền chọn trợ giúp pháp lý
>> Thanh niên Tây nguyên góp ý sửa đổi Hiến pháp
>> Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cần bổ sung quyền mưu cầu hạnh phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.