Xin visa sang Mỹ: Cứ “bình bình” lại dễ được cấp

26/05/2013 13:05 GMT+7

(TNO) Câu chuyện của những người từng xin cấp thị thực (visa) sang Mỹ cho thấy việc làm thủ tục xin visa vào nước này dù không quá khó nhưng không phải ai cũng dễ dàng "thông quan". >> Nhân viên lãnh sự Mỹ ở TP.HCM bị bắt vì "bán" thị thực

(TNO) Câu chuyện của những người từng xin cấp thị thực (visa) sang Mỹ cho thấy việc làm thủ tục xin visa vào nước này dù không quá khó nhưng không phải ai cũng dễ dàng "thông quan".

Cũng có khi việc cấp visa lại dựa phần lớn theo cảm tính của nhân viên tòa đại sứ.

>> Bắt cựu nhân viên lãnh sự Mỹ tại TP.HCM vì “bán” visa

“Không biết đường nào mà lần”

Từng đi Mỹ và nhiều lần tư vấn cho khách hàng xin visa sang Mỹ, ông Trương Đức Hải, Giám đốc Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, cho hay việc làm visa đi Mỹ có trôi chảy hay không nhiều khi phụ thuộc vào công ty Mỹ (nơi gửi thư mời).

Theo đó, nếu địa chỉ phát thư mời ở Mỹ làm ăn uy tín, bài bản thì việc xét visa rất dễ. Ngược lại, khách Việt Nam dù chứng minh được tài sản, nhân thân rất tốt, việc "thông quan" vẫn cực kỳ khó khăn.

Ngoài ra, việc cấp visa cũng còn phụ thuộc vào “lịch sử visa” của người được cấp. Chỉ cần khách lưu trú quá hạn ở bất kỳ một nước nào thì khả năng được cấp visa vào Mỹ dường như không thể.

“Tuy nhiên, dù rất khó và chặt chẽ như vậy, nhưng việc cấp visa vào Mỹ rất cảm tính và hơn 90% phụ thuộc vào trực giác của nhân viên đại sứ quán. Cho nên mới có trường hợp rất buồn cười là những người rất bình thường lại được đi vì nhân viên sứ quán xét thấy người này sang Mỹ rồi sẽ về lại Việt Nam”, ông Hải nhận xét.

 

"Mới đây một doanh nghiệp mời các chuyên gia sang Mỹ thăm một dự án của họ ở Mỹ. Ở viện tôi, họ mời tôi và một anh nữa. Trong khi tôi phỏng vấn một lần là có visa, còn anh bạn phỏng vấn 2-3 lần vẫn cứ rớt hoài. Dù họ hỏi gì anh trả lời đó. Khả năng tài chính anh này cũng rất tốt. Rốt cuộc  anh này cũng không hiểu tại sao mình rớt" - Một chuyên gia, đề nghị giấu tên, của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết.

Nhận xét về những người "chạy" visa sang Mỹ với mục đích "trốn" để định cư hẳn, ông Hải nói: “Tất nhiên sang Mỹ, sau khi visa hết hạn, họ cũng không thể dễ dàng sống đường hoàng ở Mỹ được. Nhưng ban đầu, họ phải tìm cách sang được Mỹ cái đã rồi sau đó sẽ tìm cách khác”.

Phó tổng giám đốc một công ty (từng xin visa đi nhiều nước) cũng đồng tình với nhận định rằng việc xin visa đi Mỹ và một số nước khác, như châu u, được hay không phần lớn dựa vào cảm tính của nhân viên cấp visa ở đại sứ quán.

Theo ông này, bản câu hỏi mà nhân viên sứ quán đưa ra không khó. Tuy nhiên, thái độ và cách ứng xử của khách mới là điều kiện tiên quyết để khách có được cấp visa hay không.

“Nhân viên đại sứ quán sẽ quan sát kỹ bộ dạng, thái độ, cử chỉ của người được phỏng vấn từ khi họ nộp hồ sơ, ngồi ở phòng chờ cho đến khi phỏng vấn”, ông này nói.

Sếp của ông là một tổng giám đốc một tổng công ty lớn, dù đã chứng minh tài chính, nhân thân rất tốt, nhưng cũng “rớt” visa vào Mỹ dù chuyến đi đó ông tổng giám đốc sẽ là trưởng đoàn công tác.

“Chuyến đi đó hơn mười người ai cũng qua chỉ mình ông này rớt lại. Trong khi đó mẹ tôi hơn 80 tuổi, có lần một mình đi sang Mỹ thăm con cháu, họ hỏi gì cụ trả lời đó lại đậu. Tóm lại là không biết đường nào mà lần”, vị phó tổng này cười nói.

Giỏi quá cũng dễ bị từ chối

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Tiếp thị truyền thông của Công ty du lịch Vietravel, cho biết khó nhất trong khâu làm thủ tục visa cho khách du lịch sang Mỹ là phải chứng minh tài chính và mức độ tin cậy khách du lịch (cụ thể là sau khi sang Mỹ sẽ không tìm cách ở lại).

Cho nên phần lớn khách trước đó đã đi rất nhiều nơi như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) và các nước châu u sẽ xin cấp visa vào Mỹ dễ dàng hơn.


Một viên chức lãnh sự Mỹ trao đổi về thủ tục xin visa du học - Ảnh: Trung tâm Giáo dục Mỹ cung cấp

“Sứ quán Mỹ sẽ cấp thị thực cho khách khi thấy hộ chiếu của khách có một tần suất dày đi qua các nước, lại không có điều tiếng như ở lại, quá hạn... hay liên quan đến nhân thân quá phức tạp. Thực ra họ làm vậy để đảm bảo khách không ở lại chứ về thủ tục giấy tờ cũng không có gì phức tạp lắm”, ông Mẫn nói.

Theo ông Mẫn, một vị khách thuộc diện “an toàn” khi xin visa vào Mỹ là người này có tài sản khá lớn ở Việt Nam để đảm bảo rằng khách sẽ không chọn con đường "bỏ trốn" khi sang Mỹ.

Ngoài ra, khách không có người thân nhiều ở Mỹ, cũng như không quá giỏi về lĩnh vực chuyên môn, ngoại ngữ để có thể dễ dàng sinh sống ở Mỹ, cũng được xếp vào diện "an toàn".

“Cũng đã từng xảy ra ở tình huống oái ăm. Đó là khi phỏng vấn, người thể hiện mình quá giỏi hay có nhiều người thân ở Mỹ lại rớt”, ông Mẫn nói.

Liên quan đến vụ viên chức lãnh sứ quán Mỹ “bán” thị thực như báo chí nêu, ông Mẫn cho hay những trường hợp này có thể thuộc diện sang Mỹ trong thời gian mang bầu và muốn tìm mọi cách “chạy” visa sang Mỹ để sau này con mình được lấy quốc tịch Mỹ.

Một trường hợp nữa là những người có nhiều bà con ở Mỹ bằng mọi giá "chạy" visa sang Mỹ. Họ hy vọng mình sẽ sử dụng được những mối quan hệ thân thích này để có thể định cư tại Mỹ.

Ông Mẫn nói: “Thường khi thấy khách du lịch không hội tụ đủ điều kiện hay là có những yếu tố khó cấp visa, chúng tôi sẽ tư vấn ngay để khách không phải tốn thời gian, tiền bạc”.

Ông Trương Đức Hải nói thêm: “Riêng với trường hợp khách đi công tác hay đi du lịch nếu chứng minh được tài chính, nhân thân thì việc được cấp visa không khó. Thậm chí nếu anh tuân thủ đúng quy định có thể được cấp visa từ 3 tháng lên 6 tháng thậm chí một năm”.

Ngày 23.5 (giờ Mỹ), báo chí Mỹ đưa tin một cựu nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM bị bắt vì đã “nhận hàng triệu USD hối lộ” từ người Việt Nam muốn xin cấp thị thực.

Trong cáo trạng hình sự, cựu nhân viên ngoại giao Michael T. Sestak đối mặt với các cáo buộc về tội gian lận thị thực và nhận hối lộ trong một âm mưu diễn ra ở nhiều nước.

Trong một số vụ, các nhà điều tra cho biết có người Việt Nam đã trả đến 70.000 USD để được cấp thị thực hợp lệ vào nước Mỹ.

Trả lời Thanh Niên Online về vụ việc này, Người phát ngôn tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam Christopher W. Hodges cho rằng “việc bảo vệ tính toàn vẹn của thị thực Mỹ là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Mỹ” và “chúng tôi sẽ không dung thứ cho hành động phi pháp”.

“Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác thực thi luật để điều tra tường tận mọi cáo giác gian lận. Khi chứng minh được (các cáo giác), chúng tôi sẽ theo đuổi việc truy tố và trừng phạt đến cùng những người liên quan theo đúng luật”, ông Hodges nói.

Sơn Duân

Trung Hiếu

>> Kiến nghị miễn visa cho khách du lịch ở thị trường trọng điểm
>> Nhật có thể nới lỏng visa cho Việt Nam
>> Cơ hội học bổng và visa du học Mỹ
>> Xin visa ở châu Á là dễ nhất!
>> Thái Lan và Campuchia dùng chung visa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.