Bắt cựu nhân viên lãnh sự Mỹ tại TP.HCM vì “bán” visa

26/05/2013 03:20 GMT+7

Ngày 25.5, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối xác nhận thông tin một nhân viên của mình đã nhận hối lộ “hàng triệu USD” từ người Việt Nam xin cấp thị thực, nhưng cũng khẳng định chính phủ Mỹ sẽ không dung túng cho hành vi phạm tội nói trên, nếu có đủ bằng chứng.

Trao đổi với Thanh Niên, bà Laura M.Seal, viên chức báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của chính phủ Mỹ là luôn bảo vệ tính minh bạch và liêm chính của quá trình cấp thị thực. Chúng tôi không dung dưỡng cho bất kỳ hành vi sai trái nào và sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để điều tra đến cùng các cáo buộc gian lận”. Bà Seal cho biết chỉ Bộ Tư pháp Mỹ mới có thẩm quyền trả lời cụ thể vấn đề trên.

Bà Seal đưa ra nhận định trên sau khi tờ News & Observer hôm 23.5 trích dẫn hồ sơ tòa án cho thấy cựu nhân viên ngoại giao Michael T.Sestak đang đối mặt với các cáo buộc về tội gian lận thị thực và nhận hối lộ trong một âm mưu diễn ra ở nhiều nước. Thậm chí trong một số trường hợp cá biệt, có người Việt Nam còn đồng ý trả đến 70.000 USD để đổi lấy thị thực hợp lệ vào Mỹ, tờ News & Observer dẫn lời các nhân viên điều tra cho hay. Các tòng phạm của ông Sestak, theo điều tra cho biết có đến 5 người nhưng danh tính chưa được tiết lộ, đã quảng cáo cần phải nộp từ 50.000 USD đến 70.000 USD để lấy thị thực nhưng có lúc được châm chước lấy rẻ hơn, theo lời điều tra viên Bộ Ngoại giao Mỹ Simon Dinits được trích dẫn trong bản khai. “Nhóm người này cũng khuyến khích những người dắt mối tăng giá tiền và giữ lại tiền dôi ra như là hoa hồng”, bản khai viết.

Theo ông Dinits, một trong những kẻ tòng phạm với Sestak là “tổng giám đốc văn phòng đại diện tại Việt Nam của một công ty đa quốc gia”; bốn người còn lại là bạn bè hoặc bà con của người này. Tất cả đều sống ở Việt Nam.

Miễn bình luận

Theo ông Dinits, Sestak bắt đầu làm việc cho Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM từ tháng 8.2010 cho đến tháng 9.2012. Vào thời điểm ông này đi để chuẩn bị phục vụ trong hải quân, một nguồn tin đã báo cho các nhà điều tra về âm mưu bán thị thực (visa). Ông Sestak phụ trách bộ phận xử lý thị thực không di dân và theo lời ông Dinits, ông Sestak “có tiếng” là hào phóng và châm chước trong các hồ sơ xử lý thị thực.

Ông Sestak, 42 tuổi, bị bắt tại Nam California cách đây khoảng một tuần. Lấy lý do bị can có nguy cơ bỏ trốn, nhà chức trách đã xin tòa án cấp lệnh giam giữ Sestak mà không cho tại ngoại cho đến khi chuyển ông ta đến Washington để truy tố.

Cả người phát ngôn của Văn phòng Chưởng lý Mỹ ở Washington và luật sư của ông Sestak đều từ chối bình luận với tờ News & Observer. Cáo trạng gửi kèm một bản khai 28 trang cáo buộc chống lại Sestak và 5 tòng phạm cũng miêu tả chi tiết cách ông này chuyển số tiền bất chính qua biên giới. “Sestak đã chuyển trót lọt số tiền ra khỏi Việt Nam bằng cách sử dụng những kẻ rửa tiền trong các ngân hàng nước ngoài, chủ yếu ở Trung Quốc, đến một tài khoản ngân hàng ở Thái Lan mà ông ta mở hồi tháng 5.2012. Sau đó ông ta sử dụng số tiền này để mua bất động sản ở Phuket và Bangkok, Thái Lan”, ông Dinits, đặc vụ thuộc Cục An ninh Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ, viết.

“Không có gì ngạc nhiên”

Vào tháng 7 năm ngoái, một nguồn tin đã báo với các quan chức tòa lãnh sự Mỹ rằng có từ 50 đến 70 người từ một ngôi làng ở Việt Nam đã trả tiền mua thị thực. Nhờ vào chỉ dẫn này, các nhà điều tra lần ra dấu vết việc các hồ sơ xin cấp thị thực trên mạng thông qua địa chỉ IP.

Một thống kê cho thấy từ ngày 1.5.2012 đến ngày 6.9.2012, tòa lãnh sự nhận 31.386 hồ sơ xin cấp thị thực và từ chối 35,1% trong số đó. Trong cùng thời gian, Sestak xử lý 5.489 hồ sơ và chỉ từ chối 8,2% số đó, theo các nhà điều tra. Tỷ lệ từ chối thị thực của Sestak giảm xuống còn 3,8% trong tháng 8, không lâu trước khi ông rời khỏi tòa lãnh sự.

Giáo sư Zachary Abuza, một chuyên gia về Đông Nam Á ở Đại học Simmons (Boston - Mỹ), nhận định với Thanh Niên: “Tôi không lấy gì làm ngạc nhiên về vụ việc này. Hãy nhìn vào nhu cầu xin thị thực vào Mỹ quá lớn từ Việt Nam trong khi lượng “quota” lại có hạn. Hệ thống giám sát và số hóa dữ liệu của chính phủ Mỹ càng giúp việc điều tra các loại tội phạm như thế này dễ dàng hơn nếu căn cứ vào tỷ lệ từ chối thị thực thấp bất thường dưới thời ông này. Và quan trọng hơn cả là: khả năng điều tra của chính phủ Mỹ đối với luồng thu nhập của viên chức chính phủ, nhất là các khoản xuyên quốc gia, ngày càng cao”.

GS Abuza kết luận: “Ông Sestak phải được xét xử nghiêm minh, nếu có bằng chứng đầy đủ buộc tội. Đây cũng là thời điểm thích hợp để chính phủ Mỹ rà soát lại quá trình cấp thị thực ở tất cả các đại sứ quán và lãnh sự quán, đặc biệt là những nơi có nhu cầu xin thị thực rất cao. Đây cũng là lúc cải cách quá trình kê khai tài sản của các viên chức chính phủ Mỹ. Mỹ không thể phê phán ai không nghiêm minh với tham nhũng, một khi chính mình còn dung dưỡng cho nó”.

An Điền

>> Nhân viên lãnh sự Mỹ ở TP.HCM bị bắt vì "bán" thị thực
>> Nhật nới lỏng thị thực cho du khách Đông Nam Á
>> Mỹ siết chặt kiểm soát thị thực du học sinh
>> Mỹ cảnh báo khả năng chậm thị thực
>> Việt Nam đã miễn thị thực với những nước nào?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.