Bí quyết làm nên sự bất ngờ

24/05/2013 04:00 GMT+7

Sau tám lần “mang chuông đi đánh xứ người” chỉ gặt hái được những kết quả an ủi, lần thứ chín bất ngờ đoàn Việt Nam vươn lên xếp thứ nhì chung cuộc tại Cuộc thi - triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ (IEYI) 2013 ở Malaysia.

Trong số 7 sáng chế của đoàn Việt Nam được tặng huy chương vàng tại cuộc thi, sáng chế “Hệ thống trồng rau sạch trên mái nhà trong đô thị” đạt điểm cao nhất: 90/100 điểm. Đây cũng là sáng chế đạt điểm cao thứ 3 toàn cuộc thi (hai sáng chế kia một của Indonesia, một của Nhật Bản). Tác giả sáng chế này là Nguyễn Châu Anh, lớp 11 chuyên hóa Trường THPT Hà Nội - Amsterdam và Nguyễn Đăng An, lớp 11 T1 Trường THPT Thăng Long, Hà Nội.

Không ai ngờ, sự có mặt của cả Châu Anh và Đăng An tại IEYI 2013 đã mang đến vận may cho đoàn Việt Nam. Theo TS Lê Xuân Thảo, Phó chủ tịch thường trực Quỹ Vifotec, Liên hiệp Các hội khoa học Việt Nam, từ năm 2004 đến năm  ngoái, đoàn Việt Nam đi thi IEYI chỉ được thành tích cao nhất là huy chương đồng. “Chúng tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu là thí sinh của ta tiếng Anh kém nên đã không làm ban giám khảo hiểu được ý tưởng của mình. Thường sau khi thí sinh trình bày ý tưởng (bằng một đoạn giới thiệu ngắn đã học thuộc lòng), ban giám khảo tiếp tục hỏi thì thí sinh ta không trả lời được. Nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chúng tôi không thể thuê phiên dịch đi cùng. Năm nay, may mắn là trong số các thí sinh có hai em học sinh Hà Nội rất giỏi tiếng Anh. Nhờ có hai em Châu Anh và Đăng An phiên dịch hộ mà ban giám khảo hiểu rõ hơn ý tưởng của thí sinh ta, giúp các em đạt điểm cao”, ông Thảo cho biết.

 
Đoàn Việt Nam tại IEYI 2013 - Ảnh: Nguyễn Giáp

Chắp cánh cho sáng tạo trẻ

Tuy nhiên, theo ông Thảo, yếu tố quyết định giúp đoàn Việt Nam năm nay đạt thắng lợi giòn giã là ở sự sáng tạo từ ý tưởng. Do biên độ lứa tuổi thí sinh dự thi rộng (từ 6 đến 19 tuổi), cuộc thi lại không chia theo độ tuổi để chấm giải nên cơ sở để đánh giá sáng tạo là ý tưởng chứ không phải ở mức độ hoàn thiện hay độ phức tạp về kỹ thuật của sản phẩm dự thi. Ông Thảo nhận xét: “Có thể mô hình mà các em sáng chế chưa chuyển tải được đầy đủ ý tưởng, nhưng nếu thí sinh diễn giải được các em mong muốn tạo ra sản phẩm như thế nào và giám khảo thấy tâm đắc với diễn giải đó thì họ sẽ cho điểm cao”.

Dẫu biết quan trọng là ở ý tưởng, nhưng các thành viên trong đoàn dẫn học sinh sang Malaysia dự triển lãm vẫn nỗ lực làm hết những gì có thể với hy vọng khả năng sáng tạo của các em được đánh giá đúng mức. “Những năm trước, nếu sản phẩm nào cồng kềnh quá chúng tôi để ở nhà, chỉ mang theo mô hình mô phỏng. Nhưng năm nay chúng tôi quyết tâm mang đi, kể cả robot cứu hộ của em Hoàng Duy Khánh, học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Văn Tri - Văn Quang ở Lạng Sơn nặng 2 tạ. Không bõ công mang vác của chúng tôi, sản phẩm của em này cũng được huy chương vàng”, một thành viên đoàn kể.

Ông Nguyễn Xuân Thiều, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng khả năng sáng tạo của học sinh Việt Nam không thua kém gì các nước trong khu vực. Tuy nhiên, không phải tất cả các em đều được phát hiện kịp thời cũng như được tạo môi trường để nuôi dưỡng khả năng đó. “Ở tỉnh tôi có Trường tiểu học Xuân An I ở huyện Nghi Xuân, suốt 3 năm nay năm nào cũng có học sinh đi thi và đoạt giải quốc gia, năm nay trường đó có hai em đoạt huy chương vàng tại IEYI 2013. Nhưng rất ít trường được như thế, dù tôi tin rằng không phải do học sinh nơi đó thông minh hơn học sinh những nơi khác”, ông Thiều nói.

Cuộc thi - triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ là sự kiện hằng năm của các nhà sáng tạo trẻ khu vực châu Á. Cuộc thi khởi nguồn từ sáng kiến của Viện Sáng kiến và sáng chế Nhật Bản (năm 2004) và được Diễn đàn quốc tế về thúc đẩy sáng chế (IFIP) tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2004.

IEYI 2013 tại Malaysia có 47 đoàn thuộc 13 quốc gia và khu vực, chủ yếu ở châu Á dự thi. Cuộc thi không hạn chế số lượng sáng chế của mỗi đoàn. Nhật Bản năm nào cũng dẫn đầu số lượng sáng chế đoạt huy chương vàng (năm nay cả 8 sáng chế của Nhật đều đoạt huy chương vàng). Việt Nam có 9 sáng chế dự thi thì 7 sáng chế đoạt huy chương vàng, 2 sáng chế huy chương bạc. Thái Lan có 27 sáng chế thì 7 sáng chế đoạt huy chương vàng. Đài Loan cũng có 7 sáng chế đoạt huy chương vàng dù số sáng chế tham gia dự thi là 40.

Chuyện của Anh và An

An kể: “Mẹ em và mẹ Châu Anh là bạn của nhau. Trong những dịp hai gia đình gặp gỡ, chúng em thấy hai bà mẹ thường than phiền về mối lo ngại từ thực phẩm không sạch, trong đó có rau xanh. Vậy là bọn em nảy ra ý định tìm cách giúp hai mẹ trồng rau sạch”.

Từ đó, Châu Anh và An thường xuyên lên mạng tìm kiếm thông tin về cách trồng rau sạch. Hóa ra, nhu cầu trồng rau sạch để tự cung ứng của người dân đô thị rất lớn và cũng đã có nhiều giải pháp giúp họ. Tuy nhiên, các giải pháp đều khá phức tạp và đòi hỏi sự đầu tư công sức đáng kể của người trồng rau. Cuối cùng, Châu Anh và An chọn giải pháp trồng rau trên đất (trong các máng gỗ) nhưng kèm theo hệ thống tự động chăm sóc bằng cách gắn rơ le hẹn giờ tưới nước. “Qua tìm hiểu trên mạng, chúng em biết trong nước đang phát động cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ trẻ quốc gia nên đăng ký tham dự và đoạt giải nhì, được chọn đi thi ở Malaysia”, An cho biết.

Do ngân sách nhà nước dành cho hoạt động thi sáng tạo trẻ hạn chế nên mỗi sáng chế nếu có từ hai tác giả trở lên thì chỉ một đại diện được tài trợ để đi thi quốc tế. “Muốn các con mở mang môi trường giao lưu, học hỏi, hai gia đình chúng tôi cùng góp tiền để cả hai cháu được cùng sang Malaysia”, bố của An tâm sự.

Quý Hiên

>> Ý tưởng sáng tạo khoa học công nghệ
>> Trao giải cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ trẻ
>> Thi sáng tạo khoa học
>> Trao giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật
>> Trao thưởng cho những nhà sáng tạo trẻ
>> Ngày hội sáng tạo trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.