Myanmar trong tầm ngắm của các nước lớn

22/05/2013 03:30 GMT+7

Mỹ cam kết hỗ trợ Myanmar bằng “mọi nỗ lực”, trong khi Thủ tướng Nhật chọn thăm Naypyidaw thay cho cuộc họp với Trung Quốc, Hàn Quốc.

Chiều 20.5 (giờ địa phương), Tổng thống Thein Sein trở thành lãnh đạo đầu tiên của Myanmar trong gần 50 năm qua hội đàm chính thức với Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng. Phát biểu tại Phòng Bầu dục sau cuộc gặp, Tổng thống Barack Obama không ngớt lời ca ngợi ông Thein Sein là người “dẫn dắt Myanmar trên con đường cải cách chính trị và kinh tế” từ khi chính phủ dân sự ở nước này được thiết lập hồi tháng 3.2011. Ông khẳng định nhờ đó mà “Mỹ và các định chế quốc tế có thể hợp tác với Naypyidaw”.

Ông Obama (phải) tiếp ông Thein Sein tại Phòng Bầu dục
Ông Obama (phải) tiếp ông Thein Sein tại Phòng Bầu dục - Ảnh: AFP 

Ông Obama cũng nói Washington “quan ngại sâu sắc” về tình trạng bạo lực nhằm vào người Hồi giáo thiểu số ở Myanmar và kêu gọi ông Thein Sein giải quyết rốt ráo. Bạo lực sắc tộc liên tiếp xảy ra từ tháng 6.2012 khiến hơn 200 người thiệt mạng là một trong những thách thức lớn cho quá trình cải cách và hòa giải tại Myanmar. “Chúng tôi muốn ngài biết rằng Mỹ sẽ thực hiện mọi nỗ lực để hỗ trợ ngài trên con đường mà tôi biết là rất dài và khó khăn, nhưng đúng đắn để đi theo”, ông chủ Nhà Trắng nói với người đồng cấp Myanmar trước báo chí. Bên cạnh đó, ông Obama cũng hứa hẹn “đẩy mạnh thương mại, đầu tư vào Myanmar để tạo việc làm và nâng cao mức sống người dân”. Bộ Ngoại giao Mỹ ngay sau đó phát thông cáo về các dự án dân sinh, giáo dục và cải cách hành chính mà nước này đang và sẽ thực hiện giúp Myanmar.

Về phần mình, ông Thein Sein mong muốn tiếp tục được hỗ trợ trong việc xây dựng hệ thống tư pháp, quân đội, và giảm nghèo. Sau đó, ông được tiếp đón tại cuộc nói chuyện với cộng đồng doanh nghiệp do Phòng Thương mại Mỹ và Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN đồng tổ chức. Theo báo Foreign Policy, tài trợ cho sự kiện này là những tập đoàn dầu khí, xe hơi, hàng tiêu dùng và dịch vụ hàng đầu của Mỹ như GE, Ford, P&G, Chevron, ConocoPhillips, MasterCard, ExxonMobil… Đại diện các tập đoàn này cho biết họ đã hoặc sẽ đầu tư lớn tại Myanmar trong thời gian tới.

Quan tâm của Nhật Bản

Chạy dọc theo biển Andaman và vịnh Bengal, 2 tuyến đường biển ngang qua eo Malacca và đổ vào biển Đông, Myanmar có vị trí địa lý rất quan trọng với nền kinh tế và quốc phòng của Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc đang căng thẳng. Vì vậy, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe ngay từ khi thành lập hồi tháng 12.2012 đã đặc biệt quan tâm đến Myanmar, thể hiện qua chuyến thăm của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso.

Bản thân Thủ tướng Abe vừa tuyên bố sẽ đến Naypyidaw từ 25-26.5 để hội đàm cấp cao với Tổng thống Thein Sein. Kyodo News trích lời ông Abe nói: “Myanmar là bạn lâu đời với Nhật Bản. Tôi sẽ không hạn chế bất kỳ sự hợp tác nào để giúp Myanmar phát triển”. Theo kế hoạch trước đó, lẽ ra trong thời gian nói trên, ông Abe sẽ có cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo báo Japan Times, Trung Quốc đã yêu cầu hoãn cuộc họp vì tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư. Việc ông Abe quyết định đi Naypyidaw thay cuộc họp bị hoãn rõ ràng nhằm “gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc”, báo The Diplomat nhận định.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Ông Obama tán dương những cải tổ của Myanmar
>> Chuyến thăm lịch sử của lãnh đạo Myanmar đến Nhà Trắng
>> Myanmar thả 20 tù chính trị
>> Tam giác vàng chưa yên ổn: Điểm nóng Myanmar
>> Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tại Myanmar
>> Mỹ bỏ cấm vận thị thực Myanmar

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.