Khó biện minh

22/05/2013 03:00 GMT+7

Dư luận còn chưa nguôi việc “côn đồ” đánh dân ở Tiên Lãng, Hải Phòng thì lại bức xúc về vụ xô xát giữa người dân bị thu hồi đất với doanh nghiệp được giao đất vừa xảy ra tại Nho Quan, Ninh Bình.

Dư luận còn chưa nguôi việc “côn đồ” đánh dân ở Tiên Lãng, Hải Phòng thì lại bức xúc về vụ xô xát giữa người dân bị thu hồi đất với doanh nghiệp được giao đất vừa xảy ra tại Nho Quan, Ninh Bình.

Thực ra, cho đến nay chưa cơ quan chức năng nào có câu trả lời rõ ràng với dư luận, liệu có phải các doanh nghiệp (DN) đã thuê “xã hội đen” làm giải phóng mặt bằng, dẫn đến dùng vũ lực với dân hay không? Nhưng việc 2 bên (vốn là đối tác) mâu thuẫn nhau, dẫn đến xô xát, thậm chí đổ máu trong nhiều vụ việc liên quan đến giải phóng mặt bằng là có thật. Nó cho thấy sự mất kiểm soát của cơ quan chức năng, đe dọa sự an toàn của người dân, của DN và cả của chính quyền địa phương. Mà nói như Giáo sư Đặng Hùng Võ, “nó thể hiện sự nhiễu loạn trong quá trình thực thi pháp luật đất đai ở địa phương”.

Bất luận vì lý do gì, khi chính quyền hoặc DN tiến hành thu hồi đất mà chưa có sự đồng thuận của người sử dụng đất, dẫn đến xô xát đều khó chấp nhận. Luật pháp hiện nay xác định nguyên tắc tối cao: đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý, nên khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải đảm bảo công khai, chính quyền có thể không trực tiếp tham gia (trong một số dự án thu hồi đất vì mục đích kinh tế) nhưng phải có mặt để đảm bảo nguyên tắc đồng thuận. Thế nên, việc Công ty Cúc Phương (Nho Quan, Ninh Bình) cho các phương tiện cơ giới vào “giải phóng mặt bằng” tại khu đất chưa đạt được sự đồng thuận và chính quyền chỉ có mặt khi cuộc va chạm với dân đã lên tới đỉnh điểm là điều khó chấp nhận.

Càng khó chấp nhận hơn với những người hiểu chuyện, khi trước lúc xảy ra vụ va chạm tại Tiên Lãng người dân đã có tới 10 năm khiếu kiện về giá đền bù tại dự án của Công ty cổ phần Hoa Thành mà chính quyền không có biện pháp để giải quyết. Cũng theo thông tin chính quyền cung cấp cho báo chí, thì dù 152/153 hộ dân nhận tiền đền bù nhưng có cả thảy 5 lần DN đưa phương tiện vào thi công thì bị người dân ngăn lại, cho đến khi xảy ra xô xát.

Ở đây có 2 câu chuyện, đó là sự khiếm khuyết của luật pháp và câu chuyện về trách nhiệm thực thi pháp luật của chính quyền địa phương. Khiếm khuyết của luật Đất đai năm 2003 là đưa ra nguyên tắc đàm phán nhưng lại bỏ mặc nhà đầu tư thương thảo với từng người dân (đây là điều không tưởng). Luật cần quy định cụ thể về nguyên tắc đồng thuận và đàm phán cộng đồng. Chẳng hạn, trong trường hợp có 70% số hộ đồng ý trong một dự án hợp pháp thì thiểu số còn lại phải tuân theo. Trình tự quyết định giá đền bù khi đó cũng cần quy định mạch lạc hơn, phải có các đơn vị tư vấn định giá độc lập, thoát ly khỏi các khung giá quy định cứng của nhà nước. Giáo sư Đặng Hùng Võ đề nghị, pháp luật hình sự về đất đai hiện chỉ quy định đối với 3 trường hợp (sai phạm có tổ chức, diện tích vi phạm lớn và gây hậu quả nghiêm trọng), nay cần làm rõ các tiêu chí hành vi. Ví dụ có thể cần nghiêm cấm dùng vũ lực khi giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, việc để cho mâu thuẫn kéo quá dài và dẫn đến phức tạp là điều khó biện minh của chính quyền các địa phương. 

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.