Kinh tế VN trước tác động tăng giá đồng nhân dân tệ

20/05/2013 03:35 GMT+7

Nếu không giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng lớn khi đồng nhân dân tệ đang có xu hướng tăng giá.

Nếu không giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng lớn khi đồng nhân dân tệ đang có xu hướng tăng giá.

TS Phạm Thị Hoàng Anh (ảnh), Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng - Hà Nội và cộng sự vừa công bố nghiên cứu “Cán cân thương mại VN - Trung Quốc (TQ) trong bối cảnh quốc tế hóa nhân dân tệ (CNY)”. Theo đó, từ ngày 19.6.2010, Ngân hàng Trung ương TQ tuyên bố cho phép tỷ giá nhân dân tệ biến động linh hoạt hơn sau một thời gian dài giữ cố định để phản ứng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tỷ giá tại thời điểm đó là 1 USD = 6,7980 CNY, hiện nay 1 USD = 6,1408 CNY. Như vậy, CNY đã tăng khoảng 10,56%. Nhập khẩu từ TQ đang chiếm tới 25% tổng giá trị nhập khẩu của VN nên việc CNY tăng giá có thể ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế trong nước. PV Thanh Niên đã trao đổi với TS Phạm Thị Hoàng Anh về việc này.

Kinh tế VN trước tác động tăng giá đồng nhân dân tệ 
Ngành dệt may sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong tương lai - Ảnh: Diệp Đức Minh

* Nếu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ TQ, theo bà nền kinh tế VN sẽ bị tác động ra sao trong xu hướng hiện nay của đồng CNY?

- Việc CNY tăng giá mở ra cả cơ hội lẫn khó khăn cho Việt Nam nhưng theo tôi chúng ta sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực do cơ cấu kinh tế cũng như cơ cấu hàng xuất nhập khẩu hiện nay.

Về lợi thế, CNY tăng giá thì năng lực sản xuất cũng như sức cạnh tranh thương mại quốc tế của TQ bị suy giảm. Hàng hóa của TQ sẽ đắt lên tương đối so với hàng của VN, giúp hạn chế nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu của VN, cải thiện cán cân thương mại song phương VN - TQ. Bên cạnh đó, CNY tăng giá sẽ làm cho môi trường đầu tư tại TQ kém hấp dẫn hơn. Đây là cơ hội cho VN trong việc thu hút các luồng vốn đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, những cơ hội vẫn là trên lý thuyết, việc chúng ta tận dụng và nắm bắt cơ hội đó như thế nào lại là một chuyện hoàn toàn khác. Trong khi những thách thức mà chúng ta phải đối mặt là rõ ràng và cụ thể.

* Cụ thể những thách thức đó là gì, thưa bà?

 

TQ là đối tác thương mại lớn nhất của VN tại thời điểm hiện nay. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa VN - TQ đạt khoảng 35,7 tỉ USD trong năm 2011, lên tới trên 41 tỉ USD vào năm 2012 và dự kiến có thể đạt mức 60 tỉ USD trong năm 2015. Tuy nhiên, VN thường ở vị thế nhập siêu và con số nhập ngày càng tăng mạnh. Cụ thể, nếu năm 2001 VN nhập siêu từ TQ gần 222 triệu USD thì năm 2011 đã lên tới trên 13,4 tỉ USD (tăng hơn 60 lần), đến năm 2012 lên tới 16,7 tỉ USD.

- Đầu tiên, chi phí nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ TQ để sản xuất hàng xuất khẩu sẽ tăng cao. Do năng lực sản xuất yếu, tài chính hạn hẹp, các doanh nghiệp (DN) VN không thể giảm giá thành nên giá bán sản phẩm của VN sẽ tăng cao. Thậm chí lượng cung từ TQ đến VN sẽ bị cắt giảm do các nhà sản xuất TQ hướng tới xuất khẩu những sản phẩm đã chế biến hoàn tất nhằm hưởng lợi cao hơn thay vì xuất nguyên liệu sơ chế như hiện nay. Khi ấy, VN có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ TQ.

Thứ hai, quốc tế hóa CYN có tác động đến sự di chuyển luồng vốn đầu tư kéo theo những hệ lụy kinh tế nếu VN không có sự khắt khe trong lựa chọn. Cụ thể, khi VND yếu đi so với CNY, đầu tư nước ngoài vào VN sẽ tăng lên trong đó có luồng đầu tư của TQ ở những ngành công nghiệp cấp thấp với mục đích tận dụng nguồn tài nguyên và lao động giá rẻ. Đây là xu thế đầu tư chính của TQ sang các nước khác. Vậy nên cạnh tranh trong nước rất có thể sẽ ngày càng áp lực hơn.

* Mục tiêu thương mại song phương VN - TQ sẽ đạt 60 tỉ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, với phân tích nói trên của bà thì chúng ta khó có thể cải thiện được cán cân thương mại hiện nay?

- Đúng thế. Nghiên cứu định lượng của chúng tôi cho thấy, tỷ giá tăng 1% làm cho giá trị xuất khẩu của VN ngay lập tức bị giảm 1,78%. Tuy nhiên sau đó khoảng 3-4 quý thì giá trị xuất khẩu sẽ tăng khoảng 2,43% nhưng do tỷ giá tăng nên giá trị nhập khẩu từ TQ cũng ngay lập tức tăng 4,28%. Như vậy, về cơ bản tổng kim ngạch thương mại sẽ tăng nhưng cán cân thương mại lại trở nên xấu đi. Nói một cách khác là trạng thái của cán cân thương mại khó có thể cải thiện, tình trạng nhập siêu giữa VN - TQ cũng khó thể giải quyết một sớm một chiều.

* Theo bà, chúng ta phải làm thế nào để tận dụng được cơ hội từ việc tăng giá đồng CNY cũng như xu hướng quốc tế hóa đồng tiền này?

- Theo tôi, chúng ta cần xây dựng một nền sản xuất chủ động, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần lựa chọn danh mục ưu tiên những hàng hóa xuất khẩu cho phù hợp với năng lực sản xuất thật sự của nền kinh tế; có chiến lược xây dựng và bảo vệ những thương hiệu có tiếng của VN. Ngoài ra ngành chức năng cần hạn chế việc kinh doanh chênh lệch giá từ những thương lái TQ theo con đường tiểu ngạch. Điều này sẽ gây xáo động nguồn cung nguyên liệu đầu vào, mặt bằng giá, thậm chí gây ra hiện tượng thiếu cung trên thị trường.

Vấn đề quan trọng của nghiên cứu này là cơ chế tỷ giá. Việc CYN tăng giá về lý thuyết là có lợi cho xuất khẩu của VN; tuy nhiên, do thực tế chúng ta phụ thuộc lớn từ nhập khẩu của TQ nên không được lợi. Do đó, VN cần lựa chọn chế độ tỷ giá phù hợp. Chế độ tỷ giá với biên độ dao động rộng được điều chỉnh định kỳ - tên gọi tắt là chế độ tỷ giá BBC (Basket, Band and Crawl Regime) có thể lựa chọn tối ưu cho chúng ta trong trạng thái nền kinh tế hiện tại.

Làm thế nào để có thể giảm nhập siêu?

Nguyên nhân nhập siêu từ TQ có thể thấy là chúng ta lệ thuộc quá nhiều vào việc vay vốn từ các quỹ hỗ trợ xuất khẩu của họ. Cụ thể như ở ngành điện, chúng ta vay vốn của họ để xây nhà máy điện thì khi đó bắt buộc chúng ta phải lệ thuộc vào công nghệ, máy móc thiết bị, nhân công từ họ. Chúng ta cần phải xác định lại mục tiêu định hướng cho ngành này như thế nào để từ đó sẽ giảm được nhập siêu từ họ. Hay ở ngành dệt may, chúng ta lệ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu từ họ vì giá rất rẻ mà chất lượng ở mức độ có thể chấp nhận được nên không dễ dàng thay thế nhập siêu từ nguồn này. Nhà nước cần có cơ chế giúp các ngành phụ trợ phát triển thì mới có thể giảm nhập siêu được. Còn đối với ngành hàng tiêu dùng thì chúng ta cần phải tăng cường truyền thông về các mặt hàng nguy hiểm, độc hại và tẩy chay nó. Bên cạnh đó cần tăng cường xây dựng các hàng rào kỹ thuật để những hàng kém chất lượng không vào được thị trường; hỗ trợ các DN trong nước đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước.

TS Lê Đăng Doanh

Hướng đầu tư nguồn lực vào nơi mang hiệu quả

Việc cần làm ngay là tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế cho tốt để tăng hiệu quả cho nền kinh tế. Hướng đầu tư nguồn lực của nền kinh tế vào những nơi mang hiệu quả, tạo ra năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, tập trung đầu tư vào những lĩnh vực thật sự thiết yếu, thiết thực cho những ngành xuất khẩu mà chúng ta có thế mạnh. Nếu không làm như vậy thì tình trạng nhập siêu rất khó có thể cải thiện được.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Chuyển nhập khẩu sang các thị trường khác

Chúng ta phải chuyển dần việc nhập khẩu từ TQ sang các thị trường khác để giảm phụ thuộc. VN đang đàm phán hiệp định thương mại tự do TPP với 12 nước, đây là cơ hội rất lớn để giảm nhập siêu từ TQ. Vấn đề thứ hai và cũng quan trọng hơn là phải đẩy mạnh sản xuất nguyên phụ liệu từ trong nước. Phải tổ chức lại sản xuất, nhất là ở những lĩnh vực nguyên phụ liệu mà VN có thừa khả năng sản xuất. Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ thì mới phát triển được.

Ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại

Chí Nhân (thực hiện)

>> Trung Quốc “quốc tế hóa” đồng nhân dân tệ
>> Mỹ mạnh tay với đồng nhân dân tệ
>> Trung Quốc sắp nới lỏng tỷ giá nhân dân tệ
>> Mỹ hoãn báo cáo về đồng nhân dân tệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.