Nỗi khổ Đường Lâm

19/05/2013 01:51 GMT+7

Suốt cả tuần qua, sự kiện một số hộ dân làng Đường Lâm , thị xã Sơn Tây, Hà Nội làm đơn gửi các cấp xin trả danh hiệu làng cổ là di tích cấp quốc gia thu hút sự chú ý của dư luận.

Số là khi được Bộ Văn hóa - Thông tin (trước đây) cấp bằng công nhận ngôi làng cổ Đường Lâm là di tích lịch sử cấp quốc gia, những tưởng chỉ ít lâu sau, ngôi làng cổ ấy sẽ là điểm du lịch hấp dẫn, kéo theo đời sống của người nông dân chỉ quen chân lấm tay bùn đi lên. Tiếc rằng, sau gần mười năm nhận danh hiệu, ngôi làng đẹp như trong truyện cổ tích ấy đã nảy sinh bao điều nan giải: Một nếp nhà cũ năm xưa nay có vài ba cặp vợ chồng trẻ phải sống cùng; trong một nhà mà có tới tam, tứ đại đồng đường chen chúc; nhà vệ sinh muốn xây cho tử tế cũng không ai cấp phép... khiến biết bao gia đình cơ cực. Ấy là chưa kể người thân của họ ở nơi xa về ăn cưới, ăn giỗ mà cũng bị đè ra thu tiền mua vé vào làng!...

Những bất cập nói trên xuất phát từ mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa - điều mà lẽ ra nó phải được các nhà làm luật quan tâm, thì thực tế ở đây lại chẳng được một cơ quan nào để mắt tới. Vậy là chính quyền sở tại luôn phải hứng chịu mọi sự oán trách của bà con làng nước mỗi khi “đụng chuyện”. Không cưỡng chế phá dỡ xây dựng trái phép thì còn gì là kỷ cương phép nước, hơn nữa lại phạm luật Di sản, mà phá dỡ mạnh tay quá thì thực ra đối tượng bị cưỡng chế cũng lại là bà con, anh em trong làng với nhau. Thật khó xử!

Rõ ràng, các cơ quan tham mưu đã chậm trễ trong việc xây dựng đề án giãn dân làng cổ, mà lẽ ra nó là điều kiện tiên quyết cần phải có. Nó là sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển mà ở đâu, tại bất cứ địa chỉ văn hóa nào người ta cũng phải tính đến. Khu du lịch phố cổ Hội An, Quảng Nam là một điển hình cho một tầm nhìn rộng của chính quyền địa phương, khi họ biết quan tâm tới bảo tồn và phát triển du lịch. Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, người đã mấy chục năm luôn đau đáu với mảnh đất này, nói với tôi rằng ngay từ năm 1996 Hội An đã bị một sức ép rất lớn từ thực tế cuộc sống nên đã có chủ trương giãn dân để bảo tồn phố cổ. Mới đây, chỉ nội để bảo tồn chùa Cầu và chùa Bà Mụ, thành phố cũng phải vận động 30 hộ dân giãn ra ven đô. Không chỉ chuyện giãn dân, thành phố còn lo cả mưu sinh cho họ.

Tôi không bao giờ tin rằng người dân dễ dàng trả danh hiệu về cho nhà nước đến vậy! Họ luôn tự hào về mảnh đất sinh ra 2 vị vua, Ngô Quyền và Phùng Hưng thuở nào. Song rõ ràng, sự "hờn giận" của họ sẽ là bài học quý, đắt giá cho các cấp chính quyền - một khi đã là công bộc của dân thì cần phải biết lo trước nỗi lo của dân và vui sau niềm vui của dân!

Quốc Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.