Máy bay không người lái chụp ảnh Tây nguyên

19/05/2013 02:28 GMT+7

Hôm qua, những chiếc máy bay không người lái do Việt Nam chế tạo lần đầu tiên ghi hình, chụp ảnh tại Tây nguyên phục vụ nghiên cứu khoa học.

Sau kết quả bay thử nghiệm thành công tại Hà Nội ngày 3.5, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đưa 6 trong tổng số 20 máy bay do Viện Công nghệ không gian Việt Nam chế tạo vào Lâm Đồng bay thử nghiệm, phục vụ Chương trình “Tây nguyên 3”.

Máy bay không người lái chụp ảnh Tây nguyên
Máy bay không người lái trên bầu trời Đà Lạt - Ảnh: Lâm Viên

Đúng 9 giờ 5 phút, chiếc máy bay AV.UAV.S1 cất cánh từ sân bay Cam Ly (Đà Lạt) và bay lượn trên bầu trời huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Tiếp đó, máy bay AV.UAV.S2 cất cánh mang theo camera, máy ảnh chuyên dụng, thiết bị đo phổ kế để tiến hành ghi hình, chụp ảnh và đo phổ các đối tượng tự nhiên trên mặt đất, nhằm chuẩn hóa số liệu ảnh viễn thám thu được từ vệ tinh. Cụ thể, một phổ kế phản xạ đặt trên máy bay AV.UAV.S2 để đo độ phổ, ghi số liệu phục vụ khoa học viễn thám trong 40 phút các đối tượng dưới mặt đất như đồng lúa sắp chín, đất trống, sông, hồ… khi bay ở độ cao 150 m, tốc độ di chuyển 130 km/giờ. Kết quả, phổ kế hoạt động tốt, ổn định, đã thu được 4.800 phổ phù hợp các phổ thu bằng phổ kế cầm tay với cùng một đối tượng đo.

Có mặt tại sân bay Cam Ly, GS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình “Tây nguyên 3”, cho biết: “Điểm đặc biệt của đợt thử nghiệm này là ngoài các camera chuyên dụng, chúng tôi còn đưa vào các máy bay một số thiết bị do Viện Vũ trụ sản xuất để thử vận hành. Các thiết bị này sẽ thu nhận những thông tin quan trọng, giúp cho việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, đánh giá mức độ che phủ rừng cũng như những thông tin khoa học khác”.

Máy bay không người lái chụp ảnh Tây nguyên 2
GS Châu Văn Minh (trái) xem lại hình ảnh do máy bay không người lái chụp

Cũng theo GS Minh, chương trình thử nghiệm tại Tây nguyên sẽ đem lại kinh nghiệm quý để chuẩn bị cho đợt bay thử nghiệm tiếp theo tại khu vực ven biển miền Trung.

TS Nguyễn Đình Kỵ, Phó chủ nhiệm, Chánh văn phòng Chương trình “Tây nguyên 3”, nhận định: “Mục tiêu của Chương trình “Tây nguyên 3” là đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn, giúp Tây nguyên phát triển bền vững. Việc sử dụng máy bay không người lái để quay phim, ghi hình, đo phổ giúp việc quản lý tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, rừng… tốt hơn; đồng thời, có thể kiểm soát tốt các hồ, đập nước để ứng phó kịp thời với tình trạng khô hạn, thiên tai”.

Còn TS Phạm Ngọc Lãng, Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu chế tạo tổ hợp máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học, cho biết quá trình thử nghiệm này giúp nhóm đề tài có thêm điều kiện đánh giá lại độ ổn định của máy bay không người lái đã chế tạo và khả năng thích nghi của những tổ hợp máy bay này trong môi trường không khí rất loãng ở Đà Lạt. Đặc biệt, các máy bay cũng đã trải nghiệm trong môi trường bay rất khắc nghiệt, mây dày đặc, nhiều sấm sét, gió xoáy, gió lốc của Tây nguyên. Thực tế đã chứng minh các máy bay hoạt động hiệu quả, chưa có trục trặc kỹ thuật nào trong suốt quá trình thử nghiệm.

Theo kế hoạch, 6 máy bay không người lái do Việt Nam chế tạo sẽ tiếp tục bay trên bầu trời tỉnh Lâm Đồng đến hết hôm nay (19.5) và chụp khoảng 10.000 bức ảnh có độ phân giải cao, tại các tọa độ được định trước, để đối chiếu với các kết quả thu được từ vệ tinh.

Sẽ thử nghiệm tại ven biển miền Trung

Theo GS Châu Văn Minh, sau Tây nguyên, máy bay không người lái Việt Nam sản xuất sẽ bay thử nghiệm tại khu vực ven biển miền Trung. “Chương trình thử nghiệm tại Tây nguyên sẽ đem lại kinh nghiệm quý để chuẩn bị cho đợt bay thử nghiệm tiếp theo này”, GS Minh nói.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.