Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 21: Tìm tranh trong đá

17/05/2013 03:45 GMT+7

Nhiều người chơi đá cảnh theo những cách khác nhau, nhưng để phát hiện và khai thác vẻ đẹp của đá như cách ông Võ Văn Hải đã làm quả là hiếm có.

>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 20: Người mê tem
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 19: Vẽ tranh bằng khói bếp
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 18: Củi mục hóa rồng

Tác phẩm tuyệt vời của tạo hóa

Cách đây gần chục năm, tình cờ ông Võ Văn Hải (tổ dân phố 6, P.Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) mua được viên đá opal đa sắc, nặng gần 2 kg. Bề ngoài viên đá thoạt nhìn bình thường, nhưng với con mắt nhà nghề, ông Hải sớm phát hiện vẻ đẹp kỳ lạ trên mặt đá. Những lần rảnh rỗi, ông dùng kính lúp soi lên viên đá và càng ngắm càng thấy đó là cả một thế giới hình họa đủ màu sắc, với vô vàn hình ảnh tinh tế, sống động.

Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 21: Tìm tranh trong đá 1
Ông Võ Văn Hải với cuốn sách Ngoạn thạch vi ảnh khổng lồ - Ảnh: Đàm Thuần

Một lần, ông dùng viên đá đưa vào máy scan màu, từng ô nhỏ trên mặt đá được phóng lớn hàng trăm lần trở thành những bức tranh huyền ảo. Những sắc màu lung linh, mê hoặc trong vân đá đã được phô bày theo những góc độ đẹp nhất, khơi gợi cảm xúc của người xem. Mỗi bức tranh phóng lên từ đá đều có đề tài phù hợp, mang dấu ấn sáng tạo của tác giả. Chủ đề những bức tranh khá phong phú, nhiều bức được ông Hải đặt tên theo chủ đề lịch sử cùng những câu thơ minh họa, như: Thánh Gióng, Truyền thuyết Thăng Long, Mở cõi, Cội nguồn... Có những bức gợi cảm, mang tính ngẫu hứng nghệ sĩ, như: Bóng thời gian, Chờ, Chút nắng mùa đông, Ga chiều, Dáng xưa, Bên song cửa, Chiều Sa Pa... Nhiều hơn cả là những bức có chủ đề về Tây nguyên như: Lên rẫy, Giai điệu Tây nguyên, Cầu mưa, Cao nguyên, Buôn làng, Mùa dã quỳ, Hùng vĩ Chư Yang Sin... Suốt 6 năm liền (2003-2009), ông Hải sáng tác được 243 bức tranh từ viên đá opal huyền diệu ấy. Bộ tranh từ đá được gọi tên là Kỳ thạch vô ảnh ngoạn, khi trình làng với công chúng đã đem lại cảm xúc bất ngờ, thích thú, còn giới hội họa thì hết sức ngạc nhiên... Ông Hải bày tỏ: “Bộ tranh thực chất là kết quả của nghệ thuật chơi đá, từ góc độ siêu nhỏ khi phóng to hàng trăm lần mới thấy được vẻ đẹp vi diệu của tự nhiên. Tôi phải bỏ đi khá nhiều bức tranh khi phóng ra thấy không vừa ý, chỉ lấy những bức diễn đạt được trí tưởng tượng của mình và được nhiều người công nhận”.

Từ những bức tranh “lẩy” ra từ đá này, ông Hải nảy ra ý tưởng sáng tạo mới là tập hợp chúng trong một cuốn sách cỡ lớn. Hai năm liền ông bỏ công sức đi tìm chất liệu giấy để in tranh, chọn gỗ để làm bìa sách. Cuối cùng, cuốn sách Ngoạn thạch vi ảnh hoàn thành đã làm ngỡ ngàng người xem với kích thước đồ sộ 60 x 80 cm, là bộ sưu tập những bức tranh “ngoạn thạch” tuyển chọn được in trên giấy dó. Nét độc đáo còn ở chỗ bìa sách được làm từ những khối nu cây cà phê, được xử lý qua nhiều công đoạn ráp lại, tạo nên những hoa văn lạ mắt. Năm 2011, cuốn sách được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục Guinness Việt Nam là cuốn sách bìa bằng nu cây cà phê lớn nhất.

 Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 21: Tìm tranh trong đá 2
Hàng trăm bức tranh được tạo nên từ viên đá opal này - Ảnh: Trung Chuyên

Bán nhà để làm nghệ thuật

Quê gốc ở xứ lúa Tiền Giang, trải qua nhiều năm tháng lận đận kiếm sống, cơ duyên đã đưa đẩy ông Hải đến lập nghiệp trên vùng cao nguyên Buôn Ma Thuột. Ông kể, từng có 5 năm tham gia lực lượng thanh niên xung phong, rồi làm công nhân chế biến thủy sản. Thế nhưng máu nghệ sĩ trong người đã thôi thúc ông luôn xê dịch, khám phá, tìm cái đẹp trong tự nhiên. Gần 10 năm vừa đi làm đủ nghề kiếm sống, vừa lặn lội sưu tầm khắp nơi trong cả nước, ông Hải có một bộ sưu tập hàng trăm viên đá cảnh quý hiếm. Có người yêu thích muốn mua trọn bộ sưu tập đá với giá cao nhưng ông Hải lắc đầu không bán. Ấy thế mà cách đây vài năm, ông đã tặng không bộ sưu tập cho một công viên ở Huế với điều kiện không được sang nhượng, chỉ để trưng bày cho công chúng thưởng lãm.

Nhiều người cho rằng ông Hải say mê làm nghệ thuật gần như “sống chết”. Chẳng hạn, dự án ông đang làm dang dở là bức địa đồ Việt Nam bằng đất của các nghĩa trang liệt sĩ tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Ông lý giải: “Bức địa đồ này có ý nghĩa tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ xả thân bảo vệ toàn vẹn độc lập, tự do của Tổ quốc. Tâm nguyện của tôi là tác phẩm này hoàn thành sẽ được dâng lên, trưng bày vĩnh viễn tại vùng đất Tổ vua Hùng như một món quà của cuộc đời say mê nghệ thuật”. Hơn một năm qua, ông Hải tự bỏ tiền túi, công sức đi đến 42 tỉnh, thành thu thập các mẫu đất từ nghĩa trang liệt sĩ. Tuy vậy, theo ông Hải, khả năng tự đầu tư vài trăm triệu đồng để làm công trình nghệ thuật này quá sức chịu đựng của kinh tế gia đình ông. Hơn nữa, ông đang phải mang một can bệnh, chữa trị kéo dài nhiều năm. Vừa rồi, ông phải bán căn nhà ở hẻm phố P.Ea Tam để trang trải bớt nợ nần khi làm cuốn sách kỷ lục Ngoạn thạch vi ảnh, chi phí các chuyến đi lấy đất nghĩa trang... Nhắc đến dự án địa đồ Việt Nam, ông trầm ngâm: “Giá như được tổ chức, cá nhân nào đó hỗ trợ thêm thì tôi tiếp tục đi đến nghĩa trang các tỉnh, thành còn lại và nhanh chóng hoàn thành tác phẩm này trước khi bị căn bệnh nan y quật ngã”.

Trung Chuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.