San lấp, bán hiện vật di tích quốc gia

15/05/2013 03:00 GMT+7

Sự việc xảy ra với đình làng Dư Khánh (thị trấn Khánh Hải, H.Ninh Hải, Ninh Thuận) - di tích gần 200 năm tuổi.

Đình làng Dư Khánh được xây dựng vào năm 1819, trên diện tích đất 1.956 m2, gồm các hạng mục: cổng tam quan, tòa chánh điện, nhà thờ tiền hiền, nhà bếp, nhà kho cùng hai dãy nhà Tây bang và Đông bang. Bên cánh hữu nhà Tây bang có một giếng nước hình vuông, rộng khoảng 1 m2, thành và khung giếng được xây dựng bằng đá san hô cùng thời gian xây dựng đình làng. Trước tòa chánh điện là sân chầu hình chữ U. Bên trong ngôi đình còn lưu giữ bốn bức sắc phong (do các vị vua: Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định sắc phong), một dấu ấn bằng ngà voi, các án hương, hoành phi, bài vị, câu đối, chuông đồng... Đình làng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1999.

 
Mặt trước đình làng Dư Khánh - Ảnh: Thiện Nhân

Cuối tháng 8.2012, một số bô lão trong làng phát hiện Ban Quản lý đình Dư Khánh đã lấp giếng nước, lấp sân chầu trước tòa chánh điện, sửa hồ nước của đình thành hầm rút nước thải khi chưa có ý kiến cơ quan chủ quản; một số hiện vật như dấu ấn bằng ngà voi, hoành phi, câu đối, 2 bộ ván bằng gỗ quý… bị mất, nên đã làm đơn báo ngành chức năng.

Giải đáp nội dung đơn thư, ông Lê Tâm Trí, Phó chủ tịch UBND thị trấn Khánh Hải, kiêm Trưởng ban Quản lý di tích đình Dư Khánh, cho rằng việc lấp giếng là do nước giếng bị nhiễm mặn và bỏ hoang lâu ngày gây ô nhiễm môi trường... Hơn nữa, giếng này không có tên trong hạng mục hồ sơ kiến trúc tôn giáo đình Dư Khánh nên ban quản lý quyết định làm lễ cúng Thần Thành hoàng và các vị tiền hiền xin được lấp giếng. Tương tự, việc san lấp sân chầu cùng vì lý do trên. Về việc bán 2 bộ ván, ông Trí giải thích bộ ván này không phải tài sản của di tích mà do trước đây công an địa phương bắt của người mua bán gỗ lậu rồi gửi vào đình làng, để lâu ngày bị hỏng nên đã cho thanh lý. Việc bán 5 cặp chân đèn bằng đồng và 2 bộ lư hương đồng cũng vì lý do hư hỏng…

Ngày 15.11.2012, Sở VH-TT-DL tỉnh Ninh Thuận có quyết định giải quyết đơn khiếu nạn của người dân thị trấn Khánh Hải đối với việc xâm hại di tích đình Dư Khánh và khẳng định nội dung đơn khiếu nại là hoàn toàn đúng sự thật. Ngoài ra, đoàn kiểm tra Sở VH-TT-DL Ninh Thuận phát hiện một số hiện vật của di tích, gồm: 6 cặp câu đối bằng gỗ, 5 bức hoành phi, dấu ấn bằng ngà voi bị thất lạc. Sự việc không dừng ở con số hiện vật bị “thất lạc” trong báo cáo của Thanh tra sở, mà người dân tiếp tục phát hiện 14 tấm cửa gỗ, 2 bộ buồng pha 4 tấm và 1 bàn thờ bằng gỗ quý ở trong ngôi nhà thờ tiền hiền cũng bị “biến mất”.

 Ông Trương Văn Tuân, đại diện người dân Dư Khánh, bức xúc: “Việc Ban Quản lý đình Dư Khánh tự ý san lấp, bán hiện vật di tích quốc gia đã quá rõ nhưng Sở VH-TT-DL Ninh Thuận chỉ yêu cầu UBND H.Ninh Hải chỉ đạo UBND thị trấn Khánh Hải giải quyết bằng việc kiểm điểm trách nhiệm quản lý di tích của ban quản lý để xảy ra mất mát hiện vật của đình”. Theo ông Tuân, đây là vấn đề của xã hội, trách nhiệm xử lý thuộc ngành chủ quản nhưng trong quyết định của Sở VH-TT-DL còn nêu, nếu không đồng ý thì đơn sự khiếu nại lên UBND tỉnh Ninh Thuận hoặc khởi kiện ra tòa.

Chủ trì giải quyết nhưng… không biết vụ việc !

Trao đổi với PV Thanh Niên sáng 14.5, ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND H.Ninh Hải, cho hay chưa hề biết thông tin này và nói sẽ cho tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, vào ngày 19.9.2012, sau khi tiếp nhận đơn thư, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản giao UBND H.Ninh Hải chủ trì, phối hợp các ngành liên quan xem xét, giải quyết đơn thư.

Thiện Nhân

>> Hệ thống Nhà tù Côn Đảo là Di tích quốc gia đặc biệt
>> Khu chứng tích sân bay A So được xếp hạng di tích quốc gia
>> Đồng Tháp chuẩn bị công bố di tích quốc gia đặc biệt
>> ĐBSCL có 2 di tích quốc gia được xếp hạng đặc biệt 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.