Sự im lặng khó hiểu

13/05/2013 03:51 GMT+7

Hai tháng qua, trên số báo thứ hai hằng tuần, Thanh Niên đều đăng chuyên mục Cơ quan không trả lời bạn đọc.

Trong số hơn 300 hồ sơ khiếu nại, tố cáo mà Thanh Niên chuyển đến các cơ quan chức năng tháng 10, tháng 11 năm ngoái, rất nhiều cơ quan chức năng đã nhanh chóng trả lời, giải quyết, nhưng vẫn còn 82 hồ sơ rơi vào im lặng, phải đăng lên chuyên mục nói trên. Điều đáng nói, sau đó cũng chỉ có một trường hợp là UBND H.Nhà Bè (TP.HCM) phản hồi! Nhiều cơ quan công quyền thờ ơ, im lặng, khiến nhiều bạn đọc phải gửi đơn đến lần 2, lần 3 và có cả trường hợp liên tục gửi đơn đến lần thứ 5 nhờ cơ quan báo chí chuyển.

Về mặt pháp lý, các cơ quan không trả lời đơn thư của bạn đọc đã vi phạm điều 3 của Nghị định 51 (quy định chi tiết thi hành luật Báo chí), trong đó ghi rõ: Khi cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng, tổ chức xã hội (gọi chung là tổ chức) và người có chức vụ nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí, trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày nhận được hoặc từ ngày báo chí đăng, phát thì người đứng đầu tổ chức, người có chức vụ phải thông báo cho cơ quan báo chí kết quả hoặc biện pháp giải quyết.

Về mặt trách nhiệm với công dân, các cơ quan không trả lời đơn thư bạn đọc do báo chí chuyển đến sẽ khiến người dân có thể nghĩ rằng các cơ quan này coi thường sự bức xúc của công dân, thậm chí suy luận phải chăng có điều gì khuất tất nên cơ quan chức năng không trả lời đơn thư phản ánh… Và, dù thế nào, việc im lặng trước bức xúc của dân chắc chắn ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan đó.

Luật, nghị định đã quy định rõ, nhưng các cơ quan nhận hồ sơ rồi không trả lời là thái độ xem thường kỷ cương phép nước không thể chấp nhận.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.