Khán giả cần được “trợ giúp”

12/05/2013 03:00 GMT+7

UBND TP vừa thống nhất chọn vị trí cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) với quy mô khoảng 1.700 chỗ ngồi. Con số này hẳn gây không ít... hoang mang.

Hai địa điểm thường được sử dụng cho các chương trình âm nhạc cổ điển, cũng như chương trình định kỳ của HBSO là Nhà hát TP.HCM và khán phòng của Nhạc viện TP.HCM (đều dưới 500 chỗ ngồi). Khiêm tốn như thế những đâu phải chương trình nào cũng kín chỗ!

Đâu khó nghe, nếu...

Khoảng 2 tháng nay, nhiều chương trình thuộc loại hình nghệ thuật này bỗng nhiên diễn ra liên tiếp tại TP.HCM, nào hòa nhạc Những giai điệu vượt thời gian tại Nhà hát Hòa Bình, Hành trình âm nhạc vương quốc Anh ở Nhà hát TP.HCM, Nhạc kịch Broadway của nghệ sĩ Michael Parks Masterson tại Nhạc viện, hay mới đây là công diễn vở Thanh xướng kịch Messiah vào 2 đêm 8, 9.5 tại Nhà hát TP.HCM... Có mặt 3 trong 4 buổi diễn trên, mới thấy người xem đâu đến nỗi hờ hững hay khó cảm nhận các thể loại này, nhất là khi họ được “trợ giúp” từ BTC, bởi những tờ giới thiệu nội dung súc tích, được thiết kế xinh xắn, Quả thật, dù  lâu nay, người ta vẫn nghĩ rằng nghe nhạc đôi khi chỉ cần cảm nhận bằng trái tim, song với các loại hình này, có lẽ ý nghĩ đó không thể áp dụng được. Và vì được cho là thể loại kén khán giả, nên muốn nghe, muốn thưởng thức một cách trọn vẹn, cần phải  có một trình độ nhất định. Nếu không, họ cũng cần được “trang bị” kiến thức, chủ yếu về nội dung tác phẩm, trước khi xem, nghe. Vậy nên, nhờ có “bửu bối” này, khán giả hoàn toàn chủ động và dường như bị cuốn hút trước những màn biểu diễn dù là của nghệ sĩ nhạc kịch nổi tiếng Michael Parks Masterson hay các học trò VN (được ông huấn luyện trong 1 tuần khi sang đây).


Buổi diễn của nghệ sĩ nhạc kịch Michael Parks Masterson rất thành công, nhất là từ sự cổ vũ, thưởng thức hết mình của khán giả - Ảnh: N.V 

Tương tự, trong buổi hòa nhạc Những giai điệu vượt thời gian, người nghe dễ dàng hòa mình vào không gian âm nhạc của A.Avaldi, P.Tchaikovsky, A.Piazzolla, J.Bach, Saint - Seanse... khi những tác phẩm biểu diễn được chọn lọc và sắp xếp theo chủ đề, tất nhiên không thể thiếu tờ nội dung được in cả tiếng  Việt, Anh. Bên cạnh đó, việc giới thiệu trước mỗi tiết  mục của MC cũng góp phần làm cho những giai điệu ấy trở nên gần gũi và xúc cảm hơn... Hay trước đó khá lâu, chương trình Nhật ký dương cầm của nghệ sĩ Trang Trịnh cũng rất thành công, khi biết cách tạo cho người xem cách thưởng thức dễ chịu từ việc kết cấu các tác phẩm thành câu chuyện, kết hợp biểu diễn âm nhạc với hội họa và dĩ nhiên, không thiếu những lời dẫn lồng ghép vừa đủ để dẫn dắt mạch cảm xúc của người nghe.

Đừng xây nhà hát để chơi

Có lẽ, không quá khó để tạo cho khán giả thói quen lẫn cảm xúc khi đến với các loại hình âm nhạc này, một khi nhà tổ chức muốn duy trì và xây dựng tầng lớp thưởng thức thật sự, chứ không phải chỉ làm cho đúng trách nhiệm hay nhân kỷ niệm này, giao lưu văn hóa kia.

Còn nhớ trong cuộc họp báo giới thiệu Giai điệu mùa thu năm 2008, bà Thế Thanh (bấy giờ là Phó giám đốc Sở VT - TT - DL TP.HCM) cho rằng, dẫu việc tổ chức lẫn xây dựng tầng lớp khán giả cho âm nhạc hàn lâm là rất khó khăn, không thể một sớm một chiều, nhưng bất luận thế nào, BTC cũng phải cố gắng duy trì những chương trình này, cũng như phải làm cho đến khi nào loại hình này và các nghệ sĩ của nghệ thuật này được khán giả đón nhận như ở các nước khác trên thế giới.

Để nhà hát 1.700 chỗ hoạt động đúng mục đích lẫn khát khao bấy lâu của HBSO lẫn công chúng, việc đưa khán giả đến gần nhạc hàn lâm phải được ráo riết thực hiện hơn nữa, từ nhiều phía, nếu không muốn sân khấu của giao hưởng nhạc vũ kịch lại được thuê để biểu diễn nhạc nhẹ hay các thể loại khác nhiều hơn!  

Nguyên Vân

>> Nam diễn viên Jung Bo Suk tái ngộ khán giả Việt
>> Cặp đôi hoàn hảo: Khán giả bức xúc vì điểm số quá cách biệt
>> Khán giả Mỹ háo hức đón "The Voice" mùa thứ 4
>> Đạo diễn Tom Elkins lại “dọa ma” khán giả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.