Áo cưới

12/05/2013 03:00 GMT+7

“Sự bất ổn, nó giống như chiếc kim dài đồng hồ nhích chệch qua bên phải số mười hai một chút. Chiếc kim di chuyển, đồng nghĩa với việc nó sẽ chẳng bao giờ mang trả lại cho chúng ta sự tròn trĩnh trước đó, hoặc nếu có thì đó hẳn là một sự tròn trĩnh khác.

Mỗi sáng thức dậy, chắc anh khó mà hình dung được, thứ đầu tiên em nhìn là chiếc đồng hồ báo thức đặt trên tủ sách. Nó nằm đó, ba trăm sáu lăm ngày đều đặn phát ra tiếng kêu tích… tắc… tích… tắc… Em chưa từng nghĩ có ngày mình lại chăm chú lắng nghe tiếng động khô khan ấy đến vậy. Từ lúc nào nhỉ? Mùa xuân năm nay? Mùa xuân năm trước? Hoặc có thể là mùa xuân năm trước nữa? Dẫu sao thì, tiếng kêu tích tắc kia nó trở thành nhịp cuộc sống em rồi. Như hát, anh ạ. Thà em mù tịt về nhịp nhàng giai điệu thì thôi, còn một khi đã biết rồi, chả đời nào lại có chuyện em đi đường em, nhịp đi đường nhịp. Em nghe tiếng tích tắc ấy suốt. Anh hiểu ý em chứ? Anh hôn em. Rồi cánh cửa khép lại. Em lim dim sống trong một giấc mơ khác cho đến khi những tia nắng lọt thỏm qua rèm cửa hắt vào mặt em. Em mở mắt ra nhìn chiếc đồng hồ. Và em nhẩn nha bắt đầu ngày mới của mình…”.

Cô xé bao nhôm rồi máy móc rút ra chiếc que trong trạng thái còn đang ngái ngủ. Cái que thử anh mua hộ, cô để quên trên kệ tủ đã được ba, bốn hôm nay. Cô ngồi trên bồn, đầu lắc lư qua lại chừng nửa phút rồi gục hẳn xuống. Cô ngủ tiếp, chắc vậy. Giấc ngủ ngắn bao giờ cũng có tác dụng ve vuốt cơn thèm thuồng và dung dưỡng những lần ham muốn triền miên sau đó. Cô tỉnh ngủ khi cái sự thèm thuồng nó được đẩy lên cấp độ mới, cô nhận thấy mình cần leo lên giường đắp mền nằm thẳng cẳng chứ không phải gục gặc kiểu này. Ngay lúc ấy, cô chợt nhớ ra còn việc quan trọng đang chờ mình làm… 

Cô mất kinh hơn hai tháng, gần đây tự dưng lại sinh chứng buồn nôn chóng mặt, thế mà vẫn cứ thong dong. Đêm qua, anh hơi gằn giọng nhắc nhở. Cô quay lưng, nhắm mắt nằm yên giả đò như ngủ. Chẳng buồn cãi, người đàn ông ấy đang ham con. “Quái lạ, làm gì phải vội vàng”, cô nghĩ, “nếu có thì hiển nhiên là có, bụng của mình chứ bụng của ai đâu”. Tài chính ổn định. Tuổi tác vừa chín. Hai người sống với nhau bốn năm nay, tuyệt nhiên chưa bao giờ lời qua tiếng lại hay hờn giận nhau quá nửa ngày. Con cái là chuyện sớm muộn, dù ở thế chủ động hay bị động (như lần này). Nhưng, cô bất giác khựng lại, ngộ nhỡ không có?

“Ừ, chả có”, cô đã nói thế, rõ ràng từng chữ, “Em vừa đi khám, bác sĩ bảo em căng thẳng và suy nhược quá nên chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, chỉ thế thôi...”. Anh hỏi thêm vài câu bâng quơ trước khi cúp máy. Cô nghe được nỗi thất vọng từ phía bên kia đầu dây, mỏng tanh như một sợi tóc khẽ khàng rơi xuống thềm nhà.

“…Em chọn bộ đồ thật đẹp, bắt taxi đi tới tiệm hoa. Nếu hôm đó nó là một ngày nhiều gió, em sẽ đong đưa mái tóc của mình, nhón lấy một lọn mà đưa lên mũi hà hít. Em luôn nghĩ cuộc sống rất thơm tho, như hoa, như tóc, như mùi da thịt. Những vị khách ghé đến tiệm hoa của em cũng thật thơm tho làm sao. Trước tiên, em muốn kể anh nghe về các chàng trai. Họ bước vào tiệm hoa với muôn hình vạn trạng khác nhau. Có người hứng khởi, có người lúng túng, lại có người như chiếc máy được cài đặt kỹ càng. Họ khiến em nghĩ đến vài cuộc tình đã qua, lúc vụng về, khi say đắm, lúc tàn phai… Em tin, ở họ duy chỉ có cùng điểm chung, đó là đến tiệm hoa không phải vì yêu hoa. Em thậm chí còn nghi ngờ, họ chả tài nào phân biệt nổi thược dược và mẫu đơn. Buồn cười không cơ chứ! Họ khác hẳn các quý cô (em thích dùng từ này, mặc kệ anh hay chê em “sến”). Các quý cô váy áo tân thời, mắt môi rạng rỡ, luôn ve vuốt cánh hoa bằng những ngón tay mềm mại. Thật xấu hổ khi phải thừa nhận, những vị khách đáng mến ấy đã vô tình chi phối cuộc sống của em. Anh biết không, em quan sát từng người bước vào. Một trong số làm em ấn tượng là cô nàng chủ quán cà phê nổi tiếng Sài Gòn, có vài lần tụi em trò chuyện cùng nhau. Nàng làm mẹ đơn thân, thích cẩm chướng và đồng tiền. Đấy hẳn là người phụ nữ mạnh mẽ, anh nhỉ! Nàng hỏi em đã lấy chồng chưa. Em thành thật trả lời là mình đang sống với bạn trai từ nhiều năm nay, nhưng chẳng có ý định cưới. Nàng reo lên nho nhỏ, vẻ thú vị lắm. Nàng căm ghét chuyện lấy chồng. Đối với nàng, lấy chồng sẽ khiến người đàn bà trở nên già nua, cằn cỗi bởi vô số thỏa hiệp và chịu đựng. Nàng khen em đẹp, và nháy mắt cảnh báo rằng nếu lấy chồng, em sẽ không còn xinh đẹp như thế này nữa. Nàng tin chắc, đàn ông ít nhận ra vẻ đẹp của thứ thuộc về họ. Em không đồng tình, cũng không phản bác. Em bị vẻ duyên dáng trong nàng thôi miên, hoàn toàn. Mỗi khi nàng kết thúc câu chuyện, em sẽ gửi tặng nàng một nụ cười bối rối. Anh biết đấy, em hay bị bối rối. Nếu có ai cho rằng, bối rối gần với đồng tình thì em đành chấp nhận thôi”.

Có dạo, anh và cô bàn về chuyện đám cưới.

“Thông báo cho cả hai gia đình nhé?”, anh hỏi ý kiến cô.

“Ừ, theo anh”.

“Mời bạn bè chứ? Em mời bạn em, anh mời bạn anh”.

“Không cần thiết, ít thôi anh ạ”.

“Bao nhiêu là ít? Hai mươi? Mười?”.

“Thật ra em cũng không cần mời ai. Anh mời bạn anh là được rồi”.

“Nếu thế thì thông báo cho bạn bè chung, rồi mời họ đến một nơi nào em thích nhé!”.

“Ừ”.

“Mà thôi, khỏi mời ai…”.

Câu chuyện đám cưới bỏ lửng ở đó. Đôi khi, cô muốn cưới. Đôi khi, cô chẳng biết cưới để làm gì.

“Không phải lúc nào cũng váy áo tân thời, tiệm hoa còn có thêm vị khách quen đặc biệt khác, đấy là một nữ tu, anh ạ! Sơ rành về hoa lắm, hình như còn phụ trách việc cắm hoa cho nhà thờ nữa đấy. Sơ mang dáng vẻ khiêm nhu, nói năng từ tốn và ăn vận rất giản dị (quần đen đi cùng áo sơ mi màu xám nhạt). Sơ đặt hoa theo mùa lễ, hôm hồng, hôm huệ. Vào các dịp lễ lớn như Phục sinh hoặc Giáng sinh, số lượng hoa đặt sẽ tăng lên đáng kể. Sơ gọi điện thoại trước vài ngày, sau đó đích thân ra tiệm chở hoa về. Thường thì sơ đến lấy hoa, trả tiền rồi đi ngay. Nhưng một lần nọ, em sẽ chẳng thể quên được cái lần đó, sơ bất ngờ nán lại ít phút. Em chưa bao giờ bắt gặp khuôn mặt nào thánh thiện hơn vậy. Sơ đứng ngây người, giữa tiệm, miệng khẽ thốt lên “Vivaldi”. À, là cái đĩa nhạc anh tặng em.

“Sơ thích Vivaldi à?” - Em buột miệng hỏi.

Sơ trả lời, sơ thích Paganini hơn cả. m nhạc dành cho violin thay đổi từ khi xuất hiện

Paganini. Em say sưa lắng nghe câu chuyện của sơ rải đều trên nền nhạc Bốn mùa. Thuở nhỏ, sơ từng học piano, sau đó chuyển sang violin. Sơ hằng mơ ước có ngày trở thành một nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng, được đi khắp nơi, ngồi bên dòng sông Amur hay thảo nguyên xanh mươn mướt mà kéo đàn…

Nhưng lớn hơn một chút, sơ chọn con đường tận hiến. Ngày ngày sơ quỳ gối nơi thánh đường và mỗi đêm về sơ thì thầm tâm sự cùng Chúa. Sơ không bao giờ kéo vĩ cầm nữa. Tuần ba buổi, sơ dạy piano cho trẻ con trong giáo xứ. Khi sơ kể câu chuyện đó, em cảm giác một cơn gió nhẹ phớt qua sống lưng. Em nhớ về những giấc mơ đẹp đẽ chồng chéo lên nhau thuở bé. Những giấc mơ ngũ sắc loang vệt tận cuối chân trời. Nơi ấy có đồi tuyết trắng xóa, có sa mạc mênh mông, có rừng hoa bạt ngàn… Vì không thể biến những giấc mơ đó thành hiện thực, em đã tìm cách lãng quên chúng”.

Sợi tóc khẽ khàng rơi xuống thềm nhà. Nồng nàn vừa tuột qua kẽ tay.

Cô ra tiệm trễ hơn mọi ngày. Hai bé nhân viên đang loay hoay gỡ bỏ cánh dập trên những đóa hồng nhung và khéo léo kết thành bó cùng đám baby li ti trắng muốt nằm chờ kế bên.

“Một, hai, ba, bốn…”, cô lẩm bẩm.

Có ít nhất bốn cô dâu trong ngày hôm nay. Họ sẽ mặc đầm trắng, đeo găng trắng, cài khăn voan trắng, tay ôm bó hoa cưới kiêu sa lụa là. Họ sẽ chung sống với người đàn ông của họ mà không cần cứ vài ba tháng là lại trăn trở, hoang mang. Họ sẽ sinh con như một chu trình tự nhiên của cuộc đời đôi lứa. Họ sẽ… Nhiều thứ để “họ sẽ” quá. Cô cảm tưởng có sức nặng khủng khiếp đè trên lồng ngực khiến mình ngột ngạt gấp trăm lần tiết trời oi bức bên ngoài kia. Đột nhiên, cô muốn đóng cửa tiệm.

“Chỉ hôm nay thôi”, cô nhủ.

Đã qua rồi cái thời bồng bột thích gì làm nấy, dù rằng lâu lâu tận đáy lòng, cô vẫn ao ước mình được thêm lần trẻ dại. Cô đắn đo, như thể việc đóng cửa tiệm hoa hôm nay sẽ khép luôn cái gì đó mơ hồ nơi thân xác trần tục này. Có thể lắm chứ, những cơn đau cồn cào bao giờ cũng phát xuất từ lần đầu tiên: lần đầu tiên thích, lần đầu tiên yêu, lần đầu tiên buông, lần đầu tiên cạn… Nhưng hiện tại, cô biết mình phải dừng, tuyệt đối dừng. Sau khi khách hàng tới lấy hoa đầy đủ, cô cho nhân viên nghỉ làm sớm rồi nhanh chóng chốt cửa lại. Tiệm hoa lộng lẫy thường ngày đã thu mình thành căn phòng lạnh lẽo. Cô tự pha cho mình một tách trà nóng. Những mông lung từ đâu bay tới. Bóng tối này, âm u này, lạ lẫm này như không thuộc về cõi thực. Mọi thứ bỗng chốc ngổn ngang, đổ nhào. Cô thả người trên sa lông và từ từ thiếp đi…

Mùi oải hương thoang thoảng hai bên cánh mũi. Còn thiếu nhạc hòa tấu dìu dặt nữa thôi là nơi đây sẽ lập tức biến thành cái spa thơm mát bậc nhất Sài Gòn. Ý nghĩ kia vừa thoáng qua vô thức thì từ đâu đó có tiếng nhạc ngân lên. Vivaldi. Khuôn mặt thánh thiện buồn bã nhìn ra ngoài cửa sổ. Nắng chiều héo hắt chăng mạng quanh khu vườn vàng vọt.

“Một thời gian khá dài (khoảng ba tháng), em không còn thấy cô chủ quán cà phê duyên dáng kia đến tiệm mua hoa nữa. Em chưa kịp tò mò thì đã nghe bọn nhân viên kháo nhau, nàng xuất cảnh theo anh chồng Tây sang Pháp định cư rồi. Con bé Quế ở tiệm, anh gặp vài lần rồi đấy, nhớ không? Nó ở trọ sát nhà nàng. Nó kể hai người yêu nhau đâu chừng ba tháng, quấn quít nhau lắm, đăng ký kết hôn xong cái vèo là đi luôn. Có con nàng cùng đi nữa. Tuyệt quá còn gì! Ngưng gặp nàng chắc em cũng nhớ, nhưng em thật lòng mừng cho nàng lắm. 

Vẫn là câu hỏi lần đầu mình gặp nhau: “Anh có tin vào định mệnh không?”. Một buổi chiều mùa thu năm ngoái, sơ ghé tiệm tìm em. Sơ ngỏ ý em có thể đến tham dự Lễ khấn trọn đời của sơ được chứ? Đấy là ngày hạnh phúc nhất của một nữ tu, anh ạ! Em thắc mắc tại sao mình có được cái vinh dự này. Giây phút đó, khuôn mặt thánh thiện bất chợt đượm buồn, nỗi buồn của ngày hôm qua. Sơ không còn người thân. Em, có lẽ, là bạn sơ. Trong ngày trọng đại, sơ sẽ đeo chiếc nhẫn thánh giá bằng bạc ở ngón tay áp út, dấu chỉ giao ước gắn kết vĩnh viễn giữa sơ với Chúa Giêsu. Giống y hệt những cô gái đeo nhẫn cưới khi đi lấy chồng, chỉ là không áo cưới. Em vu vơ nghĩ, người phụ nữ nào rồi cũng có nơi thuộc về. Vậy, chốn nào là của em? Sơ dặn tới dặn lui rằng em nhớ đến. Vì có thể sau lễ, còn lâu lắm em mới gặp lại sơ, hoặc có thể là chẳng bao giờ nữa. Sơ sẽ chuyển đến một giáo xứ nhỏ ở vùng quê xa rất xa, theo nguyên văn lời sơ, để dấn thân cả cuộc đời mà phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em đồng loại. Em không hiểu gì nhiều ngoài việc sơ sắp sửa rời xa thành phố này, rời xa tiệm hoa, và rời xa em mãi. Tiếng vĩ cầm thôi đến trong giấc mơ mỗi đêm của em, chừa chỗ cho một cuộc sống khác trở lại, hoặc quá ồn ào, hoặc quá lặng lẽ...”.

Anh gọi điện thoại. Đến cuộc gọi thứ năm, cô nhấc máy.

“Em còn ở tiệm không? Anh xong việc rồi, nếu muốn về thì anh tiện đường ghé ngang qua rước em về chung luôn”.

Khi anh đến, trời đã nhá nhem tối. Tách trà nguội ngắt đặt trên bàn vẫn chưa kịp vơi đi hớp nào. Anh nhìn cô, như thể nhìn một cố nhân lâu ngày gặp lại. Họ ngồi cạnh nhau, ngồi yên mà không cần nói năng gì. Trong khoảnh khắc ấy, cô mơ hồ nhận ra mình đang chạm vào giới hạn bền bỉ của thứ cảm xúc mang tên tình yêu. Cô nghẹn ngào nắm lấy bàn tay sần sùi của anh, rồi run rẩy kéo bàn tay sần sùi kia lên môi lên mặt mà cuống quít chà xát. Cô muốn hỏi ngàn lần rằng: “Anh chờ em có mệt không?”, nhưng cuối cùng chẳng có thứ âm thanh nào thoát ra khỏi miệng cô được. Chỉ có tiếng sột soạt áo quần, tiếng va chạm thể xác và tiếng rên ư ử mắc kẹt dưới cuống họng.

Giả sử cuộc sống cứ bềnh bồng trôi đi...?

Sự bất ổn vẫn mãi ký sinh bên trong cái tạm gọi là bình ổn, hoặc ngược lại. Bằng việc hút, nhả xúc cảm con người, chúng cùng nhau tồn tại và phát triển. Chúng rình rập, nâng đỡ lẫn nhau. Mà biết đâu, có khi thực tế chúng lại cùng chung bản thể với nhau đấy. Bản thể kia nó xoay mình hiện thân dưới lốt “sự bất ổn” hay “sự bình ổn” là tùy thuộc vào mỗi thời điểm suy nghĩ và nhận biết của con người. Thứ này sẽ có điều kiện tiếp xúc với tâm can con người nhanh hơn nếu thứ kia phình to, bành trướng một cách khác lạ. Chẳng phải khi rơi xuống đáy cùng cực sợ hãi, người ta sẽ thỏa mãn với những dấu hiệu trấn an tinh thần nhỏ bé sao? Và khi đã quá quen với việc vùi mình trong lớp nhung lụa an bình, một hạt cát tí ti dọa dẫm tấn công thôi cũng đủ làm người ta e ngại. “Trái tim con người rất dễ bị đánh lừa”, ai đó đã từng thì thầm bên tai cô câu nói ấy. Cô ru trái tim mình giấc ngủ no tròn. Trái tim ngày ngày được ngửi mùi hương hoa và nghe lời mượt mà. Một buổi nọ, cô thức dậy, chợt cảm giác trái tim đang phập phồng dưới lớp áo. Những lo lắng vô hình. Những xa vắng không tên.

Nhưng, giả sử que thử hiện lên hai vạch?

Đám cưới sinh con, hoặc sinh con đám cưới. Cái chu trình ấy, cô tưởng tượng nó luôn chầu chực bên mép giường, mải mê nhìn ngắm cơ thể gầy gò của cô đang lim dim bắt đầu cuộc ngủ. Chỉ cần cô cựa mình nhẹ một phát, nó sẽ vội vã bắn ngay xuống gầm giường, nằm im thít ở đó chờ động tĩnh. Chung

quy nó chẳng xâm phạm gì tới thân thể cô cả, nhưng nó khiến tâm trí cô ngày đêm thấp thỏm. Như lúc này đây, ngay khi anh đi vào cô…

“Chắc anh cũng đoán được, em đã không đến nhà thờ. Em chẳng tìm đâu ra được một lý do cho chính mình hiểu, và một lý do cho câu chuyện giữa chúng ta. Mùa thu phai trên thềm cửa. Thỉnh thoảng em nhớ về giai điệu Bốn mùa, như nhớ về một mùa thu bàng bạc vương vấn trong ký ức tươi đẹp. Mùa thu bặt tiếng đàn. Mùa thu đang ở đâu? Ngày qua ngày, em chợt nhận ra rằng, từng có khoảng thời gian những tiếng tích tắc thường nhật kia đột nhiên biến mất khỏi cuộc sống của em, ngắn ngủi đến độ em không hề hay biết. Và khi quay trở lại, những tiếng tích tắc ấy mang theo nhiều ngẫu hứng mới, lúc rộn ràng, lúc hấp hối. Anh à, anh biết rằng chúng ta yêu nhau, phải không?

Em muốn may cho riêng mình một chiếc áo cưới được dệt bằng cỏ xanh phủ kín thảo nguyên và mây trời lềnh bềnh trên dòng sông Amur.

Yêu anh”.

Anh xếp lá thư lại. Bên ngoài trời, mùa thu đã chớm.

Truyện ngắn của Nguyễn Khắc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.