Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 14: Người săn rồng

10/05/2013 00:25 GMT+7

“Tôi tuổi gà (1969) nên phải bôn ba, hay làm, chứ không “bươi móc” chuyện thiên hạ” - nghệ nhân Trần Văn Anh mở đầu câu chuyện về những việc làm không giống ai của mình.

>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 13: Mê cả tổ chim
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 12: Những bức tranh lông gà
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 11: 15 năm sưu tầm đá cảnh

Một năm, 3 ý tưởng “độc”

“Đó là năm 2006, công việc kinh doanh có phần thuận lợi. Nhiều người nói tôi kinh doanh vàng bạc mà không “hớt” không “chặn” thì làm sao giàu có được. Nghĩ cũng buồn, nhưng biết nói sao. Nhiều đêm trằn trọc, tức ứ hơi… Thôi, mình nói, giải thích thế nào nhiều người chắc không hiểu. Chi bằng, ta làm cái gì, qua đó mọi người có thể hiểu cho Ngọc Minh, cho thằng Anh này”, nghệ nhân Trần Văn Anh, chủ doanh nghiệp Ngọc Minh ở thị trấn Nam Phước (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) tâm sự.

 Trần Văn Anh (bìa phải) bên con rồng bằng vàng thật dùng để gắn lên bức Thiên Long Việt đồ
Trần Văn Anh (bìa phải) bên con rồng bằng vàng thật dùng để gắn lên bức
Thiên Long Việt đồ - Ảnh: L.V.T

Hai ý tưởng đầu tiên là làm bức Bách Tâm đồ với 100 chữ Tâm và bức Bách Nhẫn đồ với 100 chữ Nhẫn đủ mọi kích cỡ, mỗi chữ mỗi kiểu bay bướm, mượt mà... Nghĩ là vậy, nhưng để thực hiện ý tưởng này không dễ. Đầu tiên phải định hình khuôn mẫu, con chữ; rồi huy động, thậm chí nhờ vả anh em họa sĩ khắp nơi cung cấp mẫu chữ. Có mẫu rồi, lại bôn ba lên rừng tìm gỗ - dân gian gọi là gỗ mứt, dát mỏng 6-7 mm, để dễ tạo hình... “Cũng năm này, anh em đang làm lỡ dở hai bức tranh thì trong nhà xảy ra chuyện lớn. Một đêm, trộm vào nhà từ nóc, vơ mất hơn 100 lượng vàng. Tạo chữ đã tốn công, tốn của lại thêm mất bộn vàng khiến vợ con rầu rĩ, nhiều khi tôi cũng muốn dứt bỏ để lo làm ăn. Nhưng không hiểu sao, hai ý tưởng trên có sức hút kỳ lạ, cứ cuốn tôi vào... Một hôm nọ, trong lòng vui vui, tôi chợt nảy ra ý tưởng phải làm cái gì đó để mừng 1.000 năm Thăng Long” - anh Trần Văn Anh nói thêm. Bách Tâm đồ và Bách Nhẫn đồ hoàn thành năm 2006 được nhiều nơi mời chào triển lãm. Hai bức này anh đặt tên là Đến với Tâm về với Nhẫn.

Xong bộ tranh Bách Tâm đồ và Bách Nhẫn đồ, anh Trần Văn Anh và cộng sự bắt tay vào việc sưu tầm các mẫu rồng khắp mọi miền đất nước. Cứ nghe địa danh nào có rồng là Trần Văn Anh đến chụp hình, quay phim. Từ rồng đá ở miền Bắc, rồng uốn ở kinh thành Huế… đến các con rồng ở đền thờ, miếu mạo khắp miền Tây Nam bộ, rồi rồng bay trên các nhà rông ở Tây nguyên, các huyện miền núi Quảng Nam… đều được sưu tầm, ghi hình. “Mục đích là tạo ra 1.000 con rồng (999 con Mộc Long và 1 con Kim Long), không được giống nhau về mẫu mã, kích thước. Đây là cái khó nhất của bức tranh Thiên Long Việt đồ” - anh Trần Văn Anh nói.

Bức tranh Thiên Long Việt đồ làm từ năm 2006, đến tháng 11.2009 mới hoàn thành. Đây là bức tranh mà anh Trần Văn Anh tâm huyết nhất, cao 6 m, rộng 3 m. Anh cho hay chuyện làm 999 con “Mộc Long - rồng gỗ” mới kỳ công. Riêng lưỡi cưa để làm dáng, làm vảy rồng… hư bỏ bó lại cũng đủ một người ôm. Thợ giỏi cũng chỉ làm được nửa con một ngày. Chuyện rồng hư râu, sứt đầu, bể móng phải bỏ đi nhiều không đếm hết! “Mê quá nên có tính toán chi phí làm gì. Nội tiền vật liệu, công cán cũng “ăn” trên tỉ đồng rồi” - anh kể.

Sau một thời gian chế tác, tạo hình, tại chùa Lầu (xã Duy Trinh, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) nghệ nhân Trần Văn Anh chính thức giới thiệu với công chúng về con Kim Long làm bằng vàng 4 số 9. Con rồng này cao 21 cm, dài 32,6 cm, trên mình có 860 vảy nhỏ óng ánh, mắt rồng gắn 2 viên ngọc xanh 20 cara... giá trị tương đương 18 lượng vàng. Đây là con rồng thứ 1.000 được nghệ nhân gắn vào bức tranh Thiên Long Việt đồ mà trước đó đã hoàn thành sơ bộ với 999 con Mộc Long. Theo nghệ nhân Trần Văn Anh, công trình này để chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Kho tàng bày kín 3 tầng lầu

Không chỉ mê xác lập kỷ lục từ việc tạo ra những bức tranh thủ công mỹ nghệ khổng lồ, nghệ nhân Trần Văn Anh còn có thú đam mê khác là sưu tầm đá và đồ cổ. Nói về đá, hiện tại anh có cả một kho tàng trưng bày kín cả 3 tầng lầu. Những viên đá này là đá lõi hình thành từ núi lửa nằm rải rác khắp vùng núi Quảng Nam với nhiều hình thù kỳ bí. Chỉ với đá thôi cũng đã mang về cho Trần Văn Anh hàng trăm giải thưởng các loại. Có doanh nhân người Hàn cũng mê đá, đã dạm hỏi mua hàng ngàn mẫu đá lõi của Trần Văn Anh với giá vài triệu USD, nhưng anh thẳng thừng từ chối. Còn với đồ cổ thì “tôi có hàng ngàn món độc”, theo cách nói của Trần Văn Anh, từ các loại sập gụ lâu đời, đến chén, bát, bình gốm, sứ… thời cổ lai hy.

Nhiều năm dồn tâm huyết cho 3 bức tranh Bách Tâm đồ, Bách Nhẫn đồ và Thiên Long Việt đồ, Trần Văn Anh cho biết đã hình thành một bảo tàng nhằm thỏa mãn thú chơi của mình. “Bảo tàng sẽ là nơi lưu giữ những bức tranh quý giá, trưng bày các mẫu vật từ đá và các loại đồ cổ…, làm nơi cho du khách và các em học sinh đến tham quan, tìm hiểu về nền văn hóa đa dạng của nước Việt hùng cường” - Trần Văn Anh tự hào khẳng định.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.