Lãi tiền gửi xuống nhanh

07/05/2013 03:08 GMT+7

Đợt cắt giảm lãi suất kỷ lục của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) ngày 6.5 đối với tất cả các kỳ hạn được phân tích qua ý kiến các chuyên gia mà PV Thanh Niên ghi nhận dưới đây.

Hai nguyên nhân

Lý giải về việc cắt giảm lãi suất tiền gửi (kéo trần lãi suất huy động từ 7,5%/năm (kỳ hạn 1 tháng) xuống chỉ còn 6%/năm, 2 tháng còn 6,5%/năm… ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank đưa ra 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, lãi suất huy động dù cắt giảm liên tục nhưng vốn của ngân hàng (NH) vẫn tăng trưởng mạnh, thanh khoản ổn định. Thứ hai, NH bị “tắc” đầu ra, doanh số giải ngân, chất lượng tín dụng quá thấp. “Hạ lãi suất để góp phần giảm chi phí huy động, tạo tiền đề để NH giảm lãi suất cho vay, khơi thông nguồn vốn đến doanh nghiệp”, ông Thanh nói.

Cũng theo lãnh đạo này, từ đầu năm đến nay, tốc độ cho vay tại Vietcombank không tăng trưởng. Dư nợ cho vay tiền đồng tăng thêm 11.000 tỉ đồng so với cuối năm 2012, tuy nhiên dư nợ ngoại tệ (có tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ) lại sụt giảm mạnh bởi chính sách không mở rộng đối tượng được vay ngoại tệ. “Khi chúng tôi quyết định giảm lãi suất sớm, áp dụng mức lãi suất huy động thấp hơn so với thị trường, chúng tôi cũng tính đến rủi ro là khách hàng gửi rút tiền nên cũng chuẩn bị sẵn. Lãi suất giảm, khách hàng rút tiền chuyển vào làm ăn cũng là điều tốt cho xã hội”, ông Thanh cho biết.

Động thái của Vietcombank khiến một số NH khác, nhất là NH thương mại CP khá bất ngờ. Một vị chủ tịch hội đồng quản trị NH cổ phần có trụ sở tại Hà Nội cho biết: “Chưa rõ họ đánh giá thị trường ra sao mà giảm mạnh như vậy. Chúng tôi đang cho nhân viên nắm tình hình và báo cáo để xem có thể giảm lãi suất trong thời gian tới hay không”. Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cho rằng: “Sau động thái giảm lãi suất của Vietcombank, chúng tôi cũng đang xem xét tình hình thêm vài ngày tới mới có thể đưa ra quyết định cụ thể như thế nào. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tại Sacombank từ đầu năm đến nay khoảng 4%, trong đó tốc độ cho vay đối với DN cũng chưa tăng mạnh lắm, khách hàng vay chủ yếu vẫn tập trung vào cá nhân, cán bộ CNV là chính. DN cũng đang có tâm lý chờ hết quý 2 xem tình hình kinh tế có sáng sủa hơn hay không mới quyết định vay NH”.

Trong suy nghĩ của người gửi tiền, việc cắt giảm lãi suất huy động sẽ làm họ cân nhắc hơn khi khoản tiền dành dụm, gửi tiết kiệm ngày một sinh lãi ít đi. Thông thường, khi một NH quốc doanh tiên phong giảm lãi suất, là dấu hiệu quan trọng để các NH khác giảm theo. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư, cho rằng, việc giảm lãi suất huy động là cần thiết để giảm lãi suất cho vay, nhưng nếu các NH cắt giảm quá mạnh, sẽ tạo ra tâm lý cho người gửi tiền khiến họ e ngại, có thể không đưa dòng vốn này vào NH mà vào các kênh khác như vàng, USD…

Lãi tiền gửi xuống nhanh
Sớm giảm lãi suất cho vay là biện pháp cần thiết để khơi thông tín dụng - Ảnh: Ngọc Thắng

Cần giảm lãi suất cho vay

TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, ông không lấy làm lạ khi lạm phát sau 4 tháng đã được kiểm soát khá tốt, chỉ tăng có 2,41%. Đặc biệt, nguồn vốn huy động trong hệ thống NH hiện khá dồi dào. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn đề nghị: “Các NH không chỉ giảm lãi suất huy động, quan trọng hơn là tính tới việc giảm lãi suất cho vay. Lãi suất thấp hiện nay tập trung ưu đãi cho một số đối tượng, còn đa phần DN khác đang ngần ngại với mức lãi suất cho vay 15%/năm vì lo làm ăn khó có lãi, nếu không có lãi thì vay làm gì. Nếu được giảm xuống 10%/năm, khi đó tôi tin chắc các DN rất hào hứng, sẵn sàng vay vốn”, TS Ngoạn nói thêm.

 Nhìn lại từ 2008, theo TS Ngoạn, mỗi lần NH cắt giảm lãi suất huy động, nguồn vốn vào hệ thống vẫn đều đặn, đặc biệt người dân có xu hướng gửi kỳ hạn dài hơn 3-6 tháng để hưởng lãi suất cao hơn là kỳ hạn ngắn. Đó là một xu hướng tốt, giúp hệ thống NH tránh được rủi ro cơ cấu kỳ hạn, có được nguồn vốn dài hơi, ổn định để cho vay. Nhưng trong những lần đó, tốc độ giảm lãi suất cho vay bao giờ cũng chậm hơn lãi suất huy động, là điều mà TS Ngoạn đề nghị cần phải điều chỉnh. Có như thế, DN mới tiếp cận được vốn, tăng khả năng cạnh tranh được với các DN nước ngoài, bởi có những DN tại Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia hiện đang được hưởng lãi suất cho vay chỉ từ 5 - 6%/năm.

Anh Vũ - Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.