Khởi đầu máy bay không người lái

05/05/2013 03:40 GMT+7

Những chiếc máy bay không người lái do Việt Nam vừa thử nghiệm thành công sẽ có những chuyến bay đầu tiên phục vụ cho chương trình nghiên cứu Tây nguyên ngay trong tháng 5 này.

Những chiếc máy bay không người lái do Việt Nam vừa thử nghiệm thành công sẽ có những chuyến bay đầu tiên phục vụ cho chương trình nghiên cứu Tây nguyên ngay trong tháng 5 này.

 Máy bay không người lái
Một UAV chuẩn bị được cất cánh tại cuộc thử nghiệm ngày 3.5 - Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Sáng 3.5, tại bãi thử nghiệm bay ở Hòa Lạc (Hà Nội), Liên hiệp Khoa học - Sản xuất công nghệ cao viễn thông - tin học (HTI) thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã tổ chức bay thử nghiệm thành công 3 mẫu máy bay không người lái (UAV) trong số 5 mẫu đã được chế tạo. Đây là kết quả đề tài Nghiên cứu chế tạo tổ hợp máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học của tập thể các nhà khoa học do TS Phạm Ngọc Lãng làm chủ nhiệm.

Máy bay không người lái 2 
UAV được phóng đi từ ô tô tại cuộc thử nghiệm ngày 3.5 ở Hòa Lạc

Làm chủ công nghệ cao

Sản phẩm của đề tài đã tạo ra được 5 loại UAV có các thông số kỹ thuật và tính năng khác nhau, trong đó loại lớn nhất có bán kính hoạt động 100 km, trần bay là 3.000 m, tốc độ tối đa là 180 km/giờ, thời gian hoạt động trên không 6 giờ và có thể bay cả ban ngày lẫn ban đêm. Loại nhỏ nhất có bán kính hoạt động 2 km, trần bay 200 m; tốc độ lớn nhất 70 km/giờ; thời gian hoạt động trên không 1 giờ, được trang bị camera chuyên dụng, cự ly truyền 2 km. Cả 5 loại UAV trên đều được thiết kế chế độ điều khiển bay tự động theo chương trình lập sẵn trên nền bản đồ số. Máy bay được trang bị camera máy ảnh tác nghiệp cả ban ngày và ban đêm cùng các trang thiết bị nghiên cứu khoa học chuyên dụng khác. Trong đó có những UAV có thể mở rộng tầm bay xa hơn khi sử dụng liên lạc vệ tinh dẫn đường hoặc các trạm chuyển tiếp mặt đất.

 

UAV đỉnh của thế giới

Từ lâu, các UAV do thám và dùng cho mục đích dân sự đã được nhiều nước sử dụng rộng rãi. Đến nay, UAV do thám đã phát triển vượt trội. Nổi bật nhất phải kể đến loại RQ-4 Global Hawk (dài 14,5 m, sải cánh 39,8 m) của Mỹ có tầm bay lên đến 14.000 km, tốc độ hành trình 575 km/giờ, trần bay 18.000 m, hoạt động liên tục 28 giờ và có thể mang theo thiết bị nặng 1.360 kg. Tuy nhiên, mức giá thành tổng cộng của nó lên đến 104 triệu USD, đắt hơn cả nhiều loại chiến đấu cơ tối tân.

Nếu như UAV do thám và dân sự khá phổ biến thì UAV vũ trang lại chỉ có Mỹ và Israel chính thức chế tạo thành công. Trong đó, Mỹ có 2 loại UAV vũ trang nổi bật là MQ-1 Predator (tốc độ tối đa 217 km/giờ, tầm bay 1.100 km, mang được nhiều loại tên lửa) và MQ-9 Reaper (tốc độ tối đa 900 km/giờ, tầm hoạt động 1.850 km, có thể mang đến 14 tên lửa).

Hoàng Đình

Theo GS-TSKH Đỗ Trung Tá, Chủ tịch Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, đây là sự kiện rất quan trọng, đánh dấu sự phát triển của khoa học kỹ thuật Việt Nam. Theo GS Tá, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế là người đi sau để đi thẳng vào công nghệ hiện đại nhất.

Trao đổi với Thanh Niên, TS Phạm Ngọc Lãng cho biết ý nghĩa quan trọng nhất của việc thử nghiệm thành công dự án này đó là việc Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ cao trong việc phát triển UAV. Theo ông Lãng, việc mua UAV từ nước ngoài hiện nay hoàn toàn chỉ thuần túy là giao dịch thương mại mà không có chuyển giao công nghệ. Chính vì vậy, khi có bất kỳ sự cố nào trong quá trình vận hành thì đều phải nhập thiết bị, linh kiện thay thế từ nước ngoài và cùng với đó là chi phí cho chuyên gia của họ sang Việt Nam. Không chỉ phải lệ thuộc vào các đối tác mà chi phí sau bán hàng cũng sẽ rất lớn. Đây là chuyện mà một số đơn vị của Việt Nam đã vướng phải khi mua UAV từ nước ngoài. Tại cuộc thử nghiệm tại Hòa Lạc, một sự cố nhỏ trước khi thử nghiệm đã làm một UAV bị mẻ cánh nhưng chỉ sau 7 phút đã được thay mới. Những sự cố kỹ thuật khó lường xảy ra rất ngẫu nhiên, nếu mình không làm chủ thì vận hành sẽ rất phức tạp, ông Lãng chia sẻ.

Cũng theo TS Lãng, các UAV nói trên Việt Nam đã hoàn toàn tự thực hiện các khâu từ nghiên cứu, thiết kế cơ bản, thiết kế chế tạo, vật liệu composite... Các chi tiết cho bộ điều khiển bay tự động từ tụ điện, chipset... được nhập rời rạc, không sử dụng chung với những loại phổ thông sẵn có để phòng ngừa yếu tố can thiệp từ bên ngoài. Hai chi tiết duy nhất và cũng là quan trọng nhất mà Việt Nam chưa thể sản xuất được và phải nhập hiện nay là động cơ (từ Nhật) và cánh quạt (từ Pháp).

Đề tài phát triển UAV Việt Nam đã được đặt nền móng từ năm 2008 sau những thành công ban đầu đã được triển khai thành đề tài cấp nhà nước từ cuối năm 2010 với tổng số vốn đầu tư trên 12 tỉ đồng, trong đó gần 10 tỉ từ vốn ngân sách. Sau hơn 4 năm nghiên cứu, chế tạo, kết quả bay thử nghiệm và kết quả đo kiểm tra kỹ thuật diễn ra từ ngày 27.4 theo giấy phép do Bộ Quốc phòng cấp, đến nay, các tính năng thiết kế đều đạt tiêu chuẩn.

Phục vụ dân sự và quân sự

Cũng theo TS Phạm Ngọc Lãng, các UAV có thể phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như làm máy bay trinh sát chiến lược tầm xa, phát triển kỹ thuật phân tích và xử lý không ảnh phục vụ trinh sát mục tiêu, vẽ bản đồ chi tiết cho ảnh vệ tinh, quan sát rừng, cháy rừng, phục vụ nghiên cứu biến đổi khí hậu... Ngay trong tháng 5.2013, một số UAV này sẽ được triển khai thực hiện các chuyến bay phục vụ chương trình nghiên cứu Tây nguyên 3, một trong những chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp nhà nước. Bên cạnh đó nhóm nghiên cứu cũng đã nhận được một số đề nghị về việc sử dụng UAV bay lấy mẫu khí quyển phục vụ nghiên cứu khoa học, bay khảo sát tại một số vườn quốc gia...

Ông Lãng cho rằng, nếu được sự ủng hộ của nhà nước, HTI sẽ tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật và đưa vào sản xuất hàng loạt sản phẩm này nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học và đáp ứng nhu cầu chuyên dụng trong nước. "Chúng tôi đã có 20 UAV, trong đó 12 chiếc đã hoàn thiện. Dây chuyền hiện tại có khả năng sản xuất khoảng 36 UAV/năm. Với nhu cầu hiện tại trong nước cũng như vấn đề quản lý đã có nhiều cởi mở, tôi tin cơ hội phát triển là rất tốt", ông Lãng nói.

Tính năng của 5 loại UAV

AV.UAV.MS1: Chiều dài 1,0 m; sải cánh 1,2 m; khối lượng tối đa 4 kg; tải có ích 1 kg, bán kính hoạt động 2 km, trần bay 200 m; tốc độ lớn nhất 70 km/giờ; thời gian hoạt động trên không: 1 giờ, có gắn camera chuyên dụng, cự ly truyền ảnh từ camera: 2 km.

AV.UAV.S1: Chiều dài 1,80 m; sải cánh 2,70 m; khối lượng tối đa 12 kg; khối lượng tải có ích 1,5 kg; bán kính hoạt động 15 km, trần bay 3.000 m; động cơ 45 cm3; tốc độ lớn nhất 120 km/giờ; thời gian hoạt động trên không 2 giờ; đường cất hạ cánh 50 m; có thể cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng dù; truyền ảnh trực tuyến từ camera : 15 km.

AV.UAV.S2: Chiều dài 2,60 m; sải cánh 3,20 m; khối lượng tối đa 45 kg; tải có ích 15 kg, động cơ 80 cm3; tốc độ lớn nhất 150 km/giờ; trần bay 3.000 m; đường cất, hạ cánh 200 m; có thể cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng dù; thời gian hoạt động trên không 3 giờ.

AV.UAV.S3: Chiều dài 3 m; sải cánh 3,4 m; khối lượng tối đa 115 kg; khối lượng tải có ích 35 kg; bán kính hoạt động 70 km; trần bay 3.000 m; động cơ 350 cm3; tốc độ lớn nhất 180 km/giờ; thời gian hoạt động trên không tối đa 5 giờ.

AV.UAV.S4: Chiều dài 4,20 m; sải cánh 5,0 m; khối lượng tối đa 170 kg; khối lượng tải có ích 50 kg; bán kính hoạt động 100 km; trần bay 3.000 m; động cơ 400 cm3; tốc độ lớn nhất 180 km/giờ; thời gian hoạt động trên không 6 giờ; có thể bay cả ban ngày và ban đêm.

Tr.Sơn

>> Việt Nam - Thụy Điển hợp tác chế tạo máy bay không người lái
>> Lo ngại từ máy bay không người lái
>> Lái" máy bay không người lái

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.