Giảm nhưng vẫn quá tải - Kỳ 3: Chưa đồng bộ với đề thi

04/05/2013 03:47 GMT+7

Hình thức thi cử hiện hành và cách dạy của giáo viên cũng là nguyên nhân khiến cho việc giảm tải chương trình, sách giáo khoa không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Giảm tải thừa nếu đề thi vẫn đánh đố

Bộ GD-ĐT cần rà soát lại một lần nữa chương trình nội dung; đồng thời giảm tải phải song hành với việc ra đề thi không khó, thông dụng hơn

GS HÀ HUY BẰNG
Phó chủ nhiệm Khoa Vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội

Một nguyên nhân quan trọng khiến giáo viên, phụ huynh và bản thân người học không mấy hào hứng với việc giảm tải vì quan ngại với cách thức thi cử như hiện nay. Ông Dương Đức Thắng, Tổ trưởng Tổ vật lý Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), phân tích: “Nếu dạy học hướng tới mục tiêu giúp học sinh thi ĐH có kết quả tốt thì nội dung sách giáo khoa (SGK) hiện nay chưa đủ, kể cả sách nâng cao. Sự chênh lệch về mức độ yêu cầu giữa kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh ĐH hiện nay là quá lớn”. Ông Thắng nêu ví dụ: “Học trò của tôi, những em thi tốt nghiệp THPT đạt 9,75 điểm nhưng thi ĐH chỉ đạt 5 - 5,5 điểm, thậm chí có em chỉ đạt 4 điểm”.

Cùng quan điểm, GS Hà Huy Bằng, Phó chủ nhiệm Khoa Vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, cũng nhấn mạnh về việc giảm tải chương trình không đồng bộ với vấn đề thi cử, đặc biệt là thi tuyển sinh ĐH. GS Bằng cho biết: “Bộ GD-ĐT bảo không ra khó, không ra lạ. Thế nhưng thực sự toàn bộ đề thi ĐH những năm gần đây, ví dụ môn toán, là khó. Một minh chứng rất rõ là điểm sàn chỉ 13 mà các trường còn tuyển chật vật. Giảm tải nhưng đề thi vẫn khó thế thì giảm tải là thừa”. GS Bằng đề xuất: “Bộ phải làm đồng bộ, triệt để. Cần rà soát lại một lần nữa chương trình nội dung; đồng thời giảm tải phải song hành với việc ra đề thi không khó, thông dụng hơn”.

Người thầy chưa chủ động

Có một thời kỳ Bộ tổ chức đi cân cặp của học sinh (HS) tiểu học khá rầm rộ để chứng minh rằng cái mà HS vác nặng không phải là SGK. Cách làm này đã khiến các chuyên gia giáo dục lo ngại. Tại các cuộc góp ý cho chương trình - SGK phổ thông, GS Nguyễn Lân Dũng, nguyên đại biểu Quốc hội không ít lần cảnh báo đừng quan tâm SGK dày hay mỏng. Ông dẫn dụ SGK sinh học của Mỹ, của Pháp, thậm chí của Nepal... đều dày từ 800 - 1.000 trang, nhưng việc dạy và học lại vô cùng nhẹ nhàng, thoải mái vì HS được học những điều cần cho cuộc sống, gợi được sự tò mò, khám phá...

Nhiều người đồng tình rằng sự quá tải của chương trình không lệ thuộc, tỷ lệ thuận với độ dày mỏng của SGK. Nếu giáo viên giỏi, HS có điều kiện học tập, SGK có thể dày, thậm chí có nhiều bộ SGK khác nhau, việc dạy - học vẫn có thể nhẹ nhàng, thoải mái. Ngược lại, nếu giáo viên yếu, HS không có điều kiện học tốt, chương trình không tốt thì có khi SGK mỏng, HS vẫn kêu nặng. Điều này có nghĩa là giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh, gia giảm chương trình học để tạo sự thích thú cho các em và giúp họ lĩnh hội trọn vẹn kiến thức.

GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định: “Cái khung của SGK hiện nay là một bản thống kê các chi tiết nội dung khoa học, kỹ thuật theo lối mòn kinh viện: khái niệm + định nghĩa + định luật + công thức. Những cuốn sách như thế nếu không được giáo viên giỏi chế biến thì sẽ thành một cuốn sách chết, không có khả năng kích thích trí tò mò của HS”.

Giảm nhưng vẫn quá tải
Thi cử còn nặng nề, kiến thức đánh đố trong các kỳ thi khiến việc giảm tải chương trình không có ý nghĩa với học sinh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Khi bắt đầu công bố hướng dẫn giảm tải, trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng nói: “Để việc giảm tải chương trình, SGK có hiệu quả, giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Điều lý tưởng là giáo viên phải hiểu được từng đối tượng HS để điều chỉnh phương pháp dạy học, bởi quá tải không chỉ do kiến thức khó mà còn do kiến thức thừa, hoặc dưới năng lực của HS”.

Về vấn đề này, tiến sĩ Ngô Thị Tuyên, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ giáo dục Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho rằng giáo viên là yếu tố quyết định nhưng bản thân giáo viên không thể xoay chuyển chương trình. “Chương trình là điều mặc định, giáo viên phải theo nó nhưng không thể thay đổi được nó vì họ bị những ràng buộc do các quy định từ trên xuống. Chương trình tốt thì bản thân nó có năng lực đào tạo giáo viên tốt”, bà Tuyên giải thích.

Trên thực tế, với cơ chế hiện tại, giáo viên rất khó chủ động có một phương pháp dạy tốt đáp ứng cho mọi HS. Ngoài ra, còn phải đảm bảo vừa thích thú học tập vừa nắm vững kiến thức để vượt qua các kỳ thi. Ông Hồ Anh Tuấn, giáo viên Trường THPT Hoàng Mai (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An), cho rằng việc giảm tải chương trình như hiện nay là “cắt chỗ này một tí, chỗ kia một ít gọi là cắt xén chương trình chứ không phải giảm tải”.

Tuệ Nguyễn - Lê Đăng Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.