Cần gia cố nhanh đê biển Tây

05/05/2013 03:25 GMT+7

Mới chỉ phải hứng chịu có mấy cơn gió tây nam thổi vào mà hàng trăm mét đê biển Tây ở Cà Mau đã “rệu rạo” từng đoạn như muốn vỡ tan trước sóng biển. Người dân sống ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân - nơi có con đê biển Tây đi qua - thấp thỏm không yên vì những con sóng hung tợn đe dọa trước nhà... Ngày 17.4 vừa qua, một đoạn đê khoảng 500 m bị sạt lở nghiêm trọng , thân đê chỉ còn khoảng 3 - 4 m.

Với chiều dài gần 93 km, đê biển Tây (Cà Mau) có nhiệm vụ bảo vệ cho hàng trăm ngàn héc ta đất sản xuất nông nghiệp phía bên trong; quan trọng hơn là bảo vệ tính mạng, cuộc sống của người dân. Giờ đây, con đê biển này đang phải “gồng mình” làm nhiệm vụ.

Cần gia cố nhanh đê biển Tây
Nhiều đoạn đê bị sóng biển đánh sâu vào thân đê - Ảnh: Gia Bách

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, đoạn đê biển Tây từ Rạch Dinh tới Lung Ranh (xã Khánh Tiến, H.U Minh) có 900 m bị sóng biển uy hiếp, nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Gần đó, khu vực Vàm Giáo Bảy (H.Trần Văn Thời) và đoạn phía bắc cống Hương Mai (H.U Minh) dài 450 m cũng đang trong giai đoạn sạt lở trầm trọng, đai rừng phòng hộ bị sóng biển “nuốt” khoảng 600 m2 với chiều dài 40 m.

Trong khi đó, đai rừng phòng hộ khu vực Sào Lưới của H.Phú Tân bị thu hẹp dần, có đoạn chỉ còn 5 - 10m. Diện tích bị mất 8.600 m2. Ngành chức năng cho biết, đê biển sạt lở nghiêm trọng là do ảnh hưởng của những đợt gió mùa kết hợp triều cường dâng cao khác thường so với những năm trước. Trước đây, mặt đê biển Tây rộng 6 m, nằm khuất sâu trong dãy rừng phòng hộ hàng trăm mét, nhưng chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, sóng biển đã xâm thực nhiều cánh rừng phòng hộ; đến nay nhiều nơi đã không còn rừng, thân đê trơ ra, mặc cho sóng biển tàn phá từng ngày; hàng ngàn người dân sống trên thân đê đứng ngồi không yên.

Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho hay tỉnh đã có quyết định khẩn cấp bảo vệ đai rừng phòng hộ hiện hữu ở những nơi nguy cấp nhất như: đoạn Ranh Dinh đến Lung Ranh, Vàm Giáo Bảy, bờ bắc Cống Hương Mai... với chiều dài 1.400 m bằng phương pháp kè ngầm tạo bãi (tổng nguồn vốn hơn 30 tỉ đồng).

“Tuy nhiên, khoảng 40 km còn lại của đê biển Tây cũng đang bị sóng biển “dòm ngó”. Ở những đoạn này, tuy còn rừng phòng hộ, nhưng nếu không có công trình bảo vệ đê kịp thời thì chỉ trong thời gian ngắn nữa sóng biển sẽ tiếp tục đe dọa thân đê. Khó khăn lớn nhất hiện nay của địa phương là nguồn ngân sách còn hạn hẹp; muốn xây dựng công trình kè ngầm tạo bãi ở tuyến đê biển Tây, tỉnh Cà Mau cần trên 1.000 tỉ đồng”, ông Nam nói. 

Gia Bách

>> Sạt lở đất, 4 căn nhà trôi xuống sông
>> Phong tỏa khu sạt lở cuốn trôi 3 căn nhà
>> Phong tỏa khu sạt lở đất cuốn trôi 3 căn nhà
>> Sạt lở đất cuốn trôi 3 căn nhà
>> Sạt lở bờ sông, 3 căn nhà bị cuốn trôi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.