Cá tra mất thế độc quyền

03/05/2013 09:45 GMT+7

Cá tra được xem là sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho vùng sông nước ĐBSCL, đồng thời là kinh tế thế mạnh của nhiều địa phương. Thế nhưng nghề nuôi cá tra ngày càng khốn đốn do giá tiếp tục giảm mạnh.

Hiện cá tra loại 1 (trọng lượng từ 0,8 - 0,9 kg/con) chỉ còn 21.000 đồng/kg; cá tra loại 2 khoảng 19.000 đồng/kg nhưng rất khó bán; trong khi giá thành nuôi cá tra là 23.000 đồng/kg. Điều trớ trêu là chẳng những giá cá rớt tệ hại, mà việc tiêu thụ cá tra lúc này đang ùn ứ; kim ngạch xuất khẩu cá tra quý 1.2013 chỉ đạt 388,4 triệu USD, giảm 8,7% so cùng kỳ năm ngoái.

Có thể khẳng định cá tra là hàng “độc quyền” của Việt Nam trên trường quốc tế. Về nguyên tắc, đáng lẽ hàng “độc quyền” phải bán giá cao và chúng ta có toàn quyền quyết định về giá. Song, thực tế lại diễn ra trái ngược khi sản phẩm cá tra liên tục bị nước ngoài ép giá. Giải thích nghịch lý này, Bộ Công thương nhìn nhận cá tra Việt Nam ngày càng mất vị thế, mất tính cạnh tranh trên thế giới bởi các doanh nghiệp cạnh tranh nội bộ, bán phá giá, bán hàng kém chất lượng… Khoảng 12 năm nay, ngành cá tra ở ĐBSCL phát triển quá nóng về diện tích, sản lượng lẫn nhà máy chế biến. Trong khi cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, kỹ thuật, nguồn vốn, quản lý nhà nước… chưa theo kịp. Chính phong trào “nhà nhà nuôi cá, người người nuôi cá” rồi hàng loạt doanh nghiệp dù trái nghề, không am hiểu về thủy sản… cũng chạy đua xây nhà máy chế biến; tranh nhau xuất khẩu cá tra đã dẫn đến hệ lụy như hôm nay.

Các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, TP.Cần Thơ… nhìn nhận sự tăng giảm của cá tra có tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế của địa phương; đặc biệt liên quan đến đời sống hàng trăm ngàn lao động nông thôn. Chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và người nuôi cá tỏ ra bức xúc khi sản phẩm cá tra Việt Nam “một mình một chợ” trên thế giới nhưng thân phận cá tra cứ mãi lận đận. Khó mà hài lòng khi hàng “độc quyền” nhưng đem bán như cho, đồng thời không thể đồng tình khi mặt hàng xuất khẩu chiến lược như cá tra nhưng quản lý chặt được chất lượng và chưa thể xây dựng được thương hiệu. Mặt trái của vấn đề là các doanh nghiệp “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, mạnh ai nấy làm, không tin nhau; người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu mâu thuẫn về quyền lợi, không liên kết được với nhau. Trong khi thực trạng nuôi cá lâu nay vẫn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ; cộng với chiến lược tiếp thị, quảng bá hình ảnh cá tra ra thế giới hạn chế… Tất cả như cái vòng luẩn quẩn làm cho thân phận cá tra cứ mãi bọt bèo.

Tái cấu trúc, vực dậy ngành xuất khẩu tỉ đô đã được các bộ ngành T.Ư,  VASEP, UBND các tỉnh thành ĐBSCL đưa ra bàn thảo nhiều lần. Tuy nhiên, sau đó mọi chuyện giẫm chân tại chỗ và hậu quả là hàng loạt hộ nuôi cá cứ mãi thua lỗ, dẫn đến nợ chất chồng. “Bỏ thì thương, vương thì nợ” đang là nỗi lòng của người dân dọc sông Tiền, sông Hậu đã trót vướng vào nghề cá hàng chục năm nay.

An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.