Xử lý chống thấm thành công tại tháp Champa Khương Mỹ

29/04/2013 11:40 GMT+7

(TNO) Ngày 29.4, ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng (QLDT-DT) Quảng Nam, cho biết sau một thời gian xử lý bằng cách đặt ống dẫn, bước đầu hiện tượng thấm nước xảy ra tại di tích văn hóa Champa tháp Khương Mỹ (tại xã Tam Xuân 1, H.Núi Thành) cơ bản đã được khống chế.

(TNO) Ngày 29.4, ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng (QLDT-DT) Quảng Nam, cho biết sau một thời gian xử lý bằng cách đặt ống dẫn, bước đầu hiện tượng thấm nước xảy ra tại di tích văn hóa Champa tháp Khương Mỹ (tại xã Tam Xuân 1, H.Núi Thành) cơ bản đã được khống chế.

Theo ông Cẩm, hiện tượng thấm nước khiến cho gạch trên thân tháp ở độ cao khoảng 3,5 m trở xuống bị mủn nát, tự phân hủy suốt hàng chục năm qua.

Vào mùa hè, gạch bị bào mòn vì gió, mùa mưa lại xảy ra hiện tượng nước rửa trôi phần gạch đã bị nát.

“Nhiều người khi trở lại thăm tháp đã không khỏi ngỡ ngàng vì trên thân tháp có nhiều vết lõm xuất hiện. Có thể nói, việc thấm nước đã khiến 3 ngọn tháp Khương Mỹ xuống cấp đến mức nhìn thấy được”, ông Cẩm nói.

Năm 2005, một đoàn chuyên gia của Nhật Bản đã đến hiện trường để làm rõ nguyên nhân cụm tháp Khương Mỹ bị “khuyết tật” trên thân. Qua khảo sát, các chuyên gia đã rút ra nhận định, do ảnh hưởng của việc thẩm thấu mạch nước ngầm chảy qua nền móng tháp, dẫn đến gạch bị nát dần, cùng với tác động của điều kiện tự nhiên nên phần gạch bị rửa trôi.

Những nhận định này cũng trùng khớp với các kết luận của đoàn chuyên gia đến từ Viện khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ vào năm 2010.

Tiếp đó, Trung tâm QLDT-DT Quảng Nam đã phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Tư vấn thủy lợi Quảng Nam khoan thăm dò để làm rõ nguyên nhân.

 
Cụm tháp Khương Mỹ - một phong cách kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc điêu khắc Champa

 
Thế nhưng di tích này đang bị xuống cấp trầm trọng

Khi khoan xuống độ sâu 4 - 6 m trên nền đất sét pha cát, đoàn khảo sát phát hiện, việc thấm nước thân tháp là do mực nước ngầm đi qua đế tháp quá nông với bề mặt.

“Ngay sau khi xác định được nguyên nhân chính gây nên việc thấm nước cụm tháp này, chúng tôi đã khẩn trương lập dự án xử lý nước ngầm vào giữa năm 2012. Qua đó, đã lắp đặt một đường ống dẫn cỡ lớn để gom nước từ con mương, mục đích giảm mực nước ngầm tầng nông chảy qua đế tháp. Sau hơn 4 tháng thi công hoàn chỉnh, hiện tượng thấm nước gần như dừng hẳn, bề mặt 3 ngọn tháp đã khô ráo. Đặc biệt, tháp bắc - ngọn tháp bị ảnh hưởng nặng nề nhất - đã rút nước. Trong năm 2014, 3 ngọn tháp độc đáo này sẽ được cấp kinh phí trùng tu”, ông Cẩm cho biết.

Nhóm tháp Khương Mỹ gồm 3 tháp được xây dựng thẳng hàng theo trục bắc - nam. Tháp cao nhất là tháp nam 21,5 m, thấp nhất là tháp bắc 16,75 m.

Bài, ảnh: Hoàng Sơn

>> Trùng tu tháp Chăm mỗi nơi mỗi kiểu
>> Tư liệu hóa tháp Chăm bằng kỹ thuật số
>> Bất ngờ từ đáy tháp Chăm Phong Lệ
>> Trao đổi hiện vật điêu khắc Champa
>> Khai quật di tích Chămpa ở Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.