Luật thu nội tạng ở Singapore

28/04/2013 03:25 GMT+7

Bệnh viện, chỗ hành quyết tử tù là nơi các bác sĩ xà xẻo nội tạng của những người còn chưa chết hẳn để cấy ghép cho bệnh nhân khác.

Liên tục điều chỉnh

Đạo luật cấy ghép nội tạng người (HOTA) ở Singapore ra đời năm 1987, quy định mọi công dân và người nước ngoài theo quy chế thường trú nhân (PR) từ 21-60 tuổi (trừ người theo đạo Hồi) và khỏe mạnh khi chết do tai nạn phải hiến 2 quả thận phục vụ cấy ghép cứu người. Ai không chấp nhận thì phải gửi thư cho Ủy ban Quốc gia về cấy ghép nội tạng, yêu cầu được loại khỏi danh sách mặc định (gọi tắt là thủ tục Opt-out).

Thủ thuật thu ghép nội tạng ở Singapore
Thủ thuật thu ghép nội tạng ở Singapore - Ảnh: SingHealth 

Năm 2004, HOTA được sửa đổi, bổ sung thêm việc thu nhãn cầu, tim và gan từ người chết vì tai nạn cũng như bệnh tật. Đạo luật này tiếp tục được điều chỉnh vào tháng 11.2009, quy định cả người trên 60 tuổi cũng mặc nhiên thuộc diện phải cho nội tạng khi chết. Lợi ích của việc chấp nhận cho nội tạng, theo HOTA, là được ưu tiên trong danh sách chờ nhận nội tạng khi cần.

Chết, theo định nghĩa của HOTA là chết tim hoặc chết não. Chết tim là trường hợp tim ngừng đập và không thể đảo ngược. Khi đó, các nội tạng gắn với sự sống bị phá hủy rất nhanh nhưng một số cơ quan như da, xương, van tim, nhãn cầu… vẫn có thể được thu nhận trong vòng 24 giờ. Còn chết não là trường hợp não ngưng hoạt động do thiếu máu hoặc ô xy trong khi các cơ quan khác vẫn hoạt động bình thường nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục được cấp dưỡng khí. Vì vậy, toàn bộ nội tạng của bệnh nhân chết não có thể sử dụng được để cấy ghép.

Tranh cãi

Quốc hội Singapore từng tranh luận căng thẳng trong cuộc họp sửa đổi HOTA năm 2004. Một số nghị sĩ cho rằng nên khuyến khích tự nguyện đăng ký cho nội tạng hơn là ép người vô lý bằng cách mặc nhiên giả định ai cũng đồng ý khi họ không thực hiện thủ tục Opt-out. Nhưng điểm tranh cãi gay gắt nhất là làm sao bảo đảm việc xác định chính xác bệnh nhân chết não hay chưa và liệu có quá sớm khi kết thúc sự sống của một người mà nhiều chức năng vẫn còn hoạt động? Trong lịch sử y khoa thế giới từng có rất nhiều trường hợp bệnh nhân “sống lại” sau khi các bác sĩ khẳng định não không còn hoạt động. Nghị sĩ Tan Cheng Bock thì cảnh báo bệnh viện và bác sĩ ngày nay có xu hướng chạy theo lợi nhuận và HOTA có thể trở thành “bảo bối” giúp các bác sĩ “nhanh nhảu tuyên bố bệnh nhân chết não để lấy nội tạng ghép cho người khác”.

Tử tù Tan Chor Lin, biệt danh Rồng Một Mắt, nổi danh năm 2009 khi bị treo cổ và một quả thận được lấy ghép cho một đại gia
Tử tù Tan Chor Lin, biệt danh Rồng Một Mắt, nổi danh năm 2009 khi bị treo cổ và một quả thận
được lấy ghép cho một đại gia - Ảnh: SPH

Tuy nhiên, các ý kiến phản đối đã bị áp đảo và điều khoản cho phép thu nội tạng người chết não đã được thông qua. Bi kịch đã diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa quốc gia vào tháng 2.2007. Ông Sim Tee Hua, 43 tuổi, nhập viện sau khi đột quỵ tại chỗ làm. Bệnh viện cho biết ông bị xuất huyết não và đã chết não. Khi ông Sim được đưa ra khỏi phòng cấp cứu để đến phòng thu nội tạng, thân nhân đã giằng co, xin các bác sĩ cho phép lùi lại 24 tiếng đồng hồ với hy vọng còn nước còn tát. Mẹ ông Sim và 5 người thân đã quỳ xuống cầu xin, thậm chí cắn vào bác sĩ để phản đối, theo báo The Straits Times. Cuộc giằng co kéo dài 3 tiếng đồng hồ, chỉ kết thúc khi cảnh sát đến nơi và thân nhân của ông Sim phải thoái lui. Đại diện Bộ Y tế sau đó biện minh rằng nhóm ghép nội tạng phải làm vậy vì nếu để ông Sim chết hẳn thì một số nội tạng không còn dùng được để cứu người khác. Trong khi đó, gia đình ông Sim bất lực than: “Họ (tức ê kíp bác sĩ - NV) hành động như kẻ cướp!”.

Việc thu nội tạng không chỉ diễn ra ở các bệnh viện mà còn tại nơi hành quyết tử tù ở trại Changi. Singapore hiện vẫn áp dụng hình thức treo cổ dù chịu nhiều chỉ trích từ dư luận thế giới. Gần đây, có ý kiến đề nghị nên tử hình bằng cách tiêm thuốc độc nhưng trên mục Diễn đàn của The Straits Times, một độc giả cho rằng tử tù bị tiêm thuốc độc thì nội tạng không thể dùng được. Ông này đề xuất nên tiêm thuốc mê và thu nội tạng trước khi tiêm thuốc độc để kết thúc sự sống của tử tù. Đề xuất này lại bị bác sĩ Chong Jin Long phản đối kịch liệt. Theo ông, sứ mệnh của bác sĩ là cứu người chứ không phải giết người đang bị gây mê. Ông Chong đề nghị: “Tốt hơn là chúng ta đừng dựa vào nguồn nội tạng của tử tù mà nên khuyến khích tự nguyện hiến tặng”.

Lấy nội tạng tử tù

Báo The Straits Times năm 2009 thuật lại lời kể của bác sĩ họ Lim, thuộc nhóm ghép thận của Bộ Y tế và thường đi thu nội tạng tử tù: các cuộc hành quyết chỉ diễn ra đúng 6 giờ sáng ngày thứ sáu. Bác sĩ phải có mặt từ 5 giờ rưỡi. Sau khi tử tù coi như đã chết tim do treo cổ, thi thể được đưa ngay xuống bàn mổ và phủ một mảnh vải lên mặt. Hai bác sĩ niệu học thực hiện ngay việc lấy thận vì bộ phận này bị hủy hoại rất nhanh sau khi ngừng thở. Tim và gan thì không sử dụng được vì đã hỏng ngay. Tiếp theo là bác sĩ nhãn khoa lấy nhãn cầu, rồi đến bác sĩ phẫu thuật da. Cuối cùng là bác sĩ chỉnh hình lấy những đoạn xương chân chứa nhiều tủy.

Ít người biết luật

Trong một tài liệu của Bộ Y tế Singapore (MOH) mà PV Thanh Niên nhận được hồi đầu năm 2010, MOH khẳng định sẽ gửi thư cho mọi công dân và người nước ngoài diện PR đủ 21 tuổi về việc họ nằm trong danh sách HOTA. Ngoài ra, MOH cũng sẽ phổ biến HOTA trên báo địa phương bằng 4 ngôn ngữ mỗi năm 2 lần.

Tuy nhiên, một khảo sát bỏ túi của PV Thanh Niên mới đây với 24 người cho kết quả hết sức bất ngờ. Trong số được hỏi (gồm 4 công dân bản địa, 5 công dân xuất thân từ các nước khác, 7 PR và 8 người nước ngoài đã sống ở Singapore nhiều năm), không một ai biết hay hiểu chính xác quy định của HOTA. Các công dân bản địa nhầm lẫn HOTA với Đạo luật Nghiên cứu, giáo dục và trị liệu y khoa (MTERA) năm 1973. MTERA quy định bất cứ ai từ 18 tuổi trở lên đều có thể tự nguyện đăng ký hiến nội tạng và mô sinh học khi chết. Khác với HOTA, MTERA theo hình thức tự nguyện. Sự nhầm lẫn giữa 2 đạo luật này khiến nhiều người Singapore chủ quan.

Trong khi đó, số còn lại tỏ ra sốc khi lần đầu nghe thông tin này. “Có thật vậy à? Tôi là PR, vậy tôi sẽ phải kiểm tra chuyện này thật kỹ lưỡng”, một phụ nữ Hàn Quốc sống tại Singapore hơn 20 năm thảng thốt. Một người Việt đã trở thành công dân Singapore cũng nói với PV Thanh Niên: “Ôi sốc quá chị ạ. Lần đầu em được biết vụ này đấy. Phải tìm hiểu kỹ mới được”.

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Trung Quốc: Cấm mua bán nội tạng người
>> Ghép nội tạng người HIV cho năm bệnh nhân
>> Ghép nội tạng người nhiễm HIV tại Đài Loan
>> Thủ tướng Kosovo và cáo buộc buôn nội tạng người
>> Vứt nội tạng người ra bãi rác của bệnh viện
>> Nhân bản lợn không kháng thể phục vụ cấy ghép nội tạng người
>> Trung Quốc siết chặt quản lý việc ghép nội tạng người
>> Mỹ: Truy tố 4 kẻ buôn bán nội tạng người chết
>> Buôn lậu nội tạng người ở Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.