Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 4: Hai vua chim cảnh ở Huế

27/04/2013 00:40 GMT+7

Giới chơi chim cảnh cả nước hầu như ai cũng biết họ - hai người nổi tiếng ở cố đô Huế. Không chỉ sở hữu nhiều chim chào mào quý, là quán quân của nhiều cuộc thi, mà họ còn là bậc thầy về chơi chim.

>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 3: Sưu tập văn nghệ sĩ trên đĩa sứ
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 2: Hai người và 5.000 chiếc cối đá
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 1: “Vua” lộc bình giấy

Gia tài hơn 400 chim chào mào

Rong ruổi bẫy chim khắp nơi từ thuở lên 10, ông Võ Duy, một nghệ nhân chơi chim ở Huế, được nhiều người nể phục bởi khả năng hiểu chim, nhìn chim. Ông Nguyễn Hữu Tín, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chim cảnh TP.Huế, cho biết: “Ông Duy là người kỳ cựu về chơi chim ở Huế. Ông là một nghệ nhân thực thụ. Ông không chỉ sở hữu gia tài lớn về chim mà còn nhiều hiểu biết về chim hơn người khác. Ông được mọi người cử làm tổ trưởng tổ trọng tài chim cảnh TP.Huế và nhiều anh em chơi chim cả nước mời làm trọng tài trong nhiều cuộc thi lớn”.

Trong ngôi nhà ba tầng của mình, gia đình ông Duy sống ở tầng một, hai tầng còn lại là không gian của hơn 400 chú chào mào. Ông Duy cho biết trước đây ông chơi nhiều loài chim như khướu, họa mi, chích chòe... nhưng bây giờ ông chỉ chơi một loại là chào mào. Người Huế thường gọi chào mào là miều - một loài chim thông minh, hót hay.

Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 4: Hai vua chim cảnh ở Huế
Ông Thạnh và những “chiến binh” chào mào - Ảnh: Tuyết Khoa

Tuổi thơ của ông phần lớn gắn liền với chim. Thuở lên 10, một buổi học, một buổi xách lồng đi bẫy chim. “Nhiều khi tôi và vài người bạn đi bẫy chim bốn năm ngày trong rừng sâu ở Thừa Thiên-Huế như huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền... Nhiều buổi đi bộ hàng chục km đường rừng. Mệt nhưng vui. Những con chim hoang được bẫy về phải đào tạo 1-2 năm mới trở thành những chiến binh tốt, hót hay, nhảy đẹp. Tôi là người thích sưu tầm chim chào mào. Gặp chim nào có tố chất là tôi không bỏ lỡ”, ông Duy chia sẻ.

Theo ông Duy, để có một con miều đẹp, hót hay, ngoài tố chất thì phải biết nuôi dưỡng nó, tức là phải có chế độ ăn uống, vận động, ngủ nghỉ hợp lý. Việc chăm sóc chim công phu hơn cả chăm con mọn. Trời mưa, trời nắng đều có chế độ riêng, thức ăn phải pha chế theo khẩu vị riêng của nó, theo dõi sức khỏe hằng ngày. Chim cưng được ở trong những chiếc lồng tinh xảo vài chục triệu đồng, được làm từ những nghệ nhân lồng chim nổi tiếng đất cố đô.

“Sáng nào tôi cũng đem 1-2 con chim đi uống cà phê giao lưu với những con khác để chúng luyện tập. Chim lớn lên dưới sự huấn luyện của mình, đôi khi bạn sẽ tưởng chừng như con của mình vậy. Thấy nó buồn mình cũng buồn theo. Dù ai có trả bao nhiêu tiền để mua nó thì mình cũng không nỡ. Chào mào là loài khôn, mến chủ, biết người, biết đối thủ. Nó là người bạn tuyệt vời, chỉ nhìn nó nhảy múa là mình vui rồi”, ông Duy nói. 

Mua nhà... cho chim !

 

Năm 2011, các cuộc thi về tiếng hót chim bắt đầu mở ra, ông Nguyễn Đức Thạnh được nhiều nơi mời đến giao lưu. Ông từng tham gia nhiều cuộc thi ở Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng... và đoạt gần 30 giải thưởng từ các hội thi tiếng hót chim chào mào trong nước, trong đó có nhiều giải lớn, uy tín. Gần đây nhất, ông Thạnh đoạt giải nhất tiếng hót chim chào mào Thành Nội mở rộng. Cuộc thi quy tụ hơn 200 lồng chim từ nhiều tỉnh thành về tranh tài.

Nếu ông Duy được biết đến là người am hiểu tường tận về chim, một nghệ nhân chơi chim thâm niên, thì Nguyễn Đức Thạnh lại nổi tiếng là quán quân của nhiều cuộc thi tiếng hót chim chào mào. Ông Bé, một người chơi chim thuộc Câu lạc bộ chim cảnh TP.Huế, nói: “Muốn hỏi chim hay, chim giỏi thì hỏi ông Thạnh. Ông có một bộ sưu tập chim và giải thưởng từ các cuộc thi chim mà dân chơi chim phải ngưỡng mộ”.

Chúng tôi tìm đến nhà ông ở P.Kim Long (TP.Huế). Từ đầu ngõ, tiếng chim hót đã râm ran. Trong khu vườn nhỏ, chim đua nhau hót líu lo. Ông kể, nhà ông vốn ở P.Thuận Hòa (TP.Huế). Nhưng do xưởng phục hồi nhông xích đĩa xe máy của ông đang mở rộng, âm thanh từ máy móc ảnh hưởng đến chim nên ông mua một ngôi nhà nhỏ ở Kim Long, vừa để sau này cho con cái nhưng trước mắt là để đàn chim về đó ở. Tuy ngôi nhà này vẫn còn sơ sài nhưng ông đang cố gắng tạo ra một khu vườn dành cho những chú chim của ông.

Ngồi giữa khu vườn rộn tiếng chim ca, ông kể về những con chim của mình với giọng điệu đầy tự hào cùng một tình cảm khó tả. Hơn 20 năm gắn liền với chim chào mào, ông xem chúng như một phần cuộc sống của mình. “Trong số những con chào mào của tôi thì Tra gắn bó với tôi nhất. Tra ở với tôi 14 năm, từ năm 1996 đến 2010. Đi đâu tôi cũng cho nó đi. Nhưng một lần không may, nó bị thương nên cụt chân, rồi bị một con chó cắn chết. Tôi thương nó lắm. Nó được chôn trong vườn nhà tôi”, ông Thạnh tâm sự.

Không chỉ chơi với nhiều hội chim ở Huế, ông còn đi khắp nơi từ bắc chí nam để giao lưu. Hiện tại, ông sở hữu 11 con chim chào mào. Ông đặt mỗi con một cái tên khác nhau như Trọc, Tăng Bạch Hổ, Bình Điền... Mỗi con chim đều gắn với một kỷ niệm riêng. “Con Trọc tôi mua lại của một người bạn đã hơn 2 năm nay. Thấy nó là tôi thích liền. Năn nỉ tỉ tê hơn 6 tháng, họ mới chịu để lại cho tôi với giá 11 triệu đồng. Tôi mua cho nó cái lồng 19 triệu nữa. Trọc là chiến binh số một của tôi trong cuộc thi. Anh chàng này có thả đi nó cũng không đi. Trọc chỉ ở với tôi thôi”, ông cười nói.

Tuyết Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.