Kỷ vật từ lòng đất

28/04/2013 03:00 GMT+7

Cuốn nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh mang đầy giá trị lịch sử, nhân văn, chứa đựng tinh thần yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp của một thế hệ thanh niên Việt Nam vừa được phát hiện trong ngôi mộ liệt sĩ ở Khu căn cứ chiến khu Đ (Bình Dương).

Kỷ vật từ lòng đất

Cuốn nhật ký và tấm ảnh chân dung của tác giả - Ảnh: Đỗ Trường

Khoảng giữa năm 2012, cuốn nhật ký được phát hiện trong một ngôi mộ tại nhà ông Huỳnh Văn Sáng (73 tuổi, ngụ ấp Xóm Đèn, xã Tân Mỹ, H.Tân Uyên, Bình Dương), sau đó được xác định tác giả là liệt sĩ Lê Thị Thiên. Liệt sĩ, nhà giáo Lê Thị Thiên sinh năm 1945 tại ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, H.Cai Lậy (Tiền Giang); nhập ngũ ngày 8.2.1962, hy sinh ngày 10.10.1966 tại chiến trường miền Đông. Chức vụ lúc hy sinh: trung sĩ.

 

Cuốn nhật ký xúc động

Sau khi xem những dòng nhật ký, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã xúc động ghi lại: “Tôi thực sự xúc động, tự hào và khâm phục khi đọc những dòng nhật ký này. Nhớ lại Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc... cũng lứa tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết, họ đã sống, chiến đấu xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân. Tôi học tập nhiều ở những con người bình dị mà cao cả; tâm hồn của họ luôn trẻ trung trong sáng; lý tưởng cách mạng như ngọn đuốc rực cháy trong tim gan; họ hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào; tính tự giác, tự phê bình, tự chịu trách nhiệm nghiêm túc, sâu sắc... Tôi mong muốn và tin tưởng thế hệ trẻ hôm nay sẽ học tập và tiếp nối lý tưởng của thế hệ đi trước một cách xuất sắc. Đó chính là lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ và của dân tộc ta, bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam XHCN giàu mạnh, sánh vai cùng bè bạn năm châu”.

Nhật ký dày 35 trang, dù bị chôn vùi hơn 46 năm qua nhưng từng nét chữ và những tấm ảnh được bọc bằng ni lông vẫn còn nguyên vẹn.

Theo ông Sáng, khoảng từ năm 1966, khu vực ấp Xóm Đèn (xã Tân Mỹ) quê ông bị địch mở trận càn quét tấn công lớn nhằm vào Chiến khu Đ, hòng tiêu diệt căn cứ của ta. Trong trận giao tranh ác liệt, mặc dù chiến thắng nhưng quân ta cũng hy sinh không ít. Thời điểm đó, ông Sáng là bộ đội tham gia chiến dịch chống càn quét của địch đã cùng người dân xã Tân Mỹ đi thu gom được 6 người hy sinh trong trận đánh, mang về chôn cất ở khu đất của gia đình. Ông Sáng cho biết, lúc đó tự tay ông an táng cho 2 chiến sĩ tên Anh và Cần.

Do đó, khi phát hiện cuốn nhật ký, ông Sáng nhớ ngay đến những người đã hy sinh trên mảnh đất quê hương mình. Nhận thấy nội dung nhật ký mang nhiều ý nghĩa, nhưng lại không ghi rõ tên tuổi, quê quán, đơn vị công tác..., ông Sáng quyết định gửi Báo Bình Dương và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương, với mục đích tìm ra chủ nhân của cuốn nhật ký.

Lý tưởng sống cao đẹp

Những dòng nhật ký đầu tiên được tác giả viết vào tháng 12.1962 và đến ngày 20.10.1966 là dòng nhật ký cuối cùng.

Mở đầu cuốn nhật ký viết: “Tháng 12.1962: Rời mái trường trở về địa phương tham gia cách mạng. Vừa dạy học, vừa tham gia các mặt công tác kháng chiến ở địa phương”. Điều này cho thấy tác giả cuốn nhật ký xuất thân từ sinh viên và làm giáo viên, sau đó xung phong tham gia kháng chiến.

Xuyên suốt cuốn nhật ký là một lý tưởng sống cao đẹp và tình yêu quê hương đất nước của tác giả. Mặc dù phải đi chiến đấu xa nhưng vẫn luôn hướng về quê nhà, dòng nhật ký viết: “Ngày 26.7.1964: Được tin giặc càn bố xã nhà, M. cảm thấy buồn và lo lắng nhiều. Không biết bà con ở đây ra sao? Gia đình M. thế nào? Sốt ruột mong biết tin”. Nhiều dòng nhật ký trong những ngày tháng tiếp theo là tự sự của tác giả: “Ta hằng nghĩ về Tổ quốc nhiều hơn, vì Tổ quốc. Tuổi còn trẻ, đời còn dài, vì Tổ quốc hãy nghĩ đến Tổ quốc hơn...”.

Qua những dòng nhật ký, nét chữ, ý tứ sâu sắc cho thấy tác giả là người được đào tạo căn bản, suy nghĩ chín chắn, biết hy sinh, vượt qua sự đau đớn của bản thân để vươn lên. “Ngày 11.2.1965: 2 ngày qua, M. bị đau, không học hành được gì. Uống thuốc đã đỡ nhưng vẫn mệt nhiều. Cố đấu tranh tư tưởng để vượt qua cơn bệnh, học tập tích cực hơn. Vì không còn bao lâu nữa M. sẽ về địa phương công tác, va chạm vào thực tế. Trong thời gian ở đây, M. cần trui rèn tư tưởng chuẩn bị sẵn sàng để trở về tiếp nhận môi trường mới”.

Không những thế, tác giả còn viết lên những câu thơ hay, đượm chất anh hùng cách mạng. Bài thơ có đoạn: “Ngày 17.10.1966 tặng H, người em cùng quê: Em hỡi! Em ơi! Em nghĩ gì/Rộn ràng phấn khởi hay sầu bi/Hãy nghĩ đến ngày mai tươi sáng/Miền Nam ta giải phóng tự do/Cùng nhau vui hát bài ca thanh bình/Em hỡi sao em không nói/Nói đi em chị lắng nghe đây/Nghe em kể lại những ngày...”. 

Phấn đấu trở thành người toàn diện

Một đoạn trong cuốn nhật ký viết: “Ngày 20.11.1964: Hôm nay là ngày lễ Nhà giáo yêu nước. M. được nghe kể lại nghề giáo. M. cần học tập nhiều hơn nữa. Trau dồi bản thân để trở thành một giáo viên toàn diện, yêu nghề, yêu trẻ đúng mức. Soi rọi lại thời gian công tác đã qua, M. phải cố gắng nhiều hơn nữa. Vì đây là nơi rèn luyện mình trở thành người cách mạng, người kỹ sư tâm hồn. Lời nói của Lênin “Học, học nữa, học mãi”, cuộc đời là pho sách không có trang cuối, phải thực hiện cho được. Học để hiểu tri thức khoa học, có văn hóa làm cơ sở, để nâng cao khả năng chất lượng công tác, học để xứng đáng là con người mới. Muốn đạt được kết quả tốt trong học tập, M. cần tập trung tư tưởng cao độ, đào sâu suy nghĩ, lật ngược, lật xuôi vấn đề. Trong thời gian qua, M. ân hận nhiều vì đôi khi tư tưởng thiếu tập trung. Do đó, trong học tập chưa đạt được yêu cầu như mong muốn. Thanh niên là lực lượng đóng góp cho sự nghiệp cách mạng nhiều nhất và cũng là thế hệ xây dựng xã hội mai sau. M. phải suy nghĩ và thực hiện cho được như vậy. Mọi ý nghĩ riêng tư, vì cá nhân phải gạt bỏ, để xứng đáng là người cộng sản”.  

 (Còn tiếp)

 Đỗ Trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.