Nhà nước hưởng lợi từ chênh lệch giá vàng

27/04/2013 03:25 GMT+7

Ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp trao đổi với báo chí tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 26.4 xung quanh vấn đề điều hành chính sách vàng.

Nhà nước hưởng lợi từ chênh lệch giá vàng
Ngày 30.6, các ngân hàng phải hoàn thành việc tất toán trạng thái vàng - Ảnh: Ngọc Thắng

Ai hưởng khoản chênh lệch giá vàng ?

Nguyên nhân vì sao, qua 12 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung ra thị trường hơn 12 tấn vàng nhưng giá trong nước vẫn cao hơn rất nhiều so với thế giới?

Có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết, Việt Nam là quốc gia không sản xuất vàng, tất cả nhu cầu vàng miếng đều phải xuất ngoại tệ nhập khẩu. Trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô vừa qua, chúng ta phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên ổn định, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối, nên 2 năm qua NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Đây là nguyên nhân đầu tiên khiến giá trong nước cao hơn thế giới. Thứ hai, do nhu cầu vàng trong nước là có thực, đặc biệt nhu cầu từ các tổ chức tín dụng để tất toán trạng thái vàng khi trước đó huy động cho vay vàng. Thứ ba, từ 12.4 tới đây giá vàng thế giới sụt giảm mạnh nhất trong 30 năm qua càng khiến khoảng cách này bị doãng ra.

Chênh lệch lớn như vậy, việc đấu thầu vàng có đạt được mục tiêu đề ra không?

NHNN đấu thầu là theo quy định của pháp luật. Mục đích để tăng lượng cung vàng trên thị trường, đây là yếu tố quan trọng giảm áp lực cầu vàng trong nước. Nếu NHNN không tham gia bình ổn thị trường, không cấm nhập khẩu vàng thì thị trường trong nước còn biến động rất mạnh, nhất là về giá khi nhu cầu vàng không được đáp ứng. Qua 12 phiên đấu thầu NHNN cung ứng hơn 12 tấn vàng, đạt được mục tiêu tăng cung, tránh được xáo trộn trên thị trường, không bị sốt vàng.

Có ý kiến cho rằng, NHNN chủ yếu đấu thầu vàng để bán cho các tổ chức tín dụng, tất toán trạng thái vàng, chứ không được bán ra thị trường để bình ổn?

Sau khi triển khai góp phần giải quyết áp lực cầu vàng, nhu cầu nắm giữ vàng và đầu tư đã giảm mạnh. Đối với tổ chức tín dụng về mặt nguyên tắc NHNN có thể bán vàng trực tiếp, nhưng để đảm bảo công bằng, công khai minh bạch, nên quyết định đấu thầu công khai. Cho phép tổ chức đáp ứng đủ điều kiện được tham gia đấu thầu, khối lượng trúng thầu một phần tất toán, một phần bán ra thị trường.

Khoản chênh lệch 6-7 triệu đồng/lượng hiện ai đang được hưởng lợi?

Toàn bộ các khoản chênh lệch NHNN thu được qua đấu thầu vàng là nguồn thu của ngân sách nhà nước, chuyển toàn bộ về ngân sách.

Khi nào giá trong nước sát với giá thế giới ?

Chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn rất nhiều so với thế giới, liệu có xảy ra tình trạng buôn lậu vàng hay không?

Đây là một trong những lý do để NHNN báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định 24: Nhà nước độc quyền xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Trước đó, nhiều DN được cấp phép để sản xuất vàng miếng khi thị trường có chênh lệch, xuất hiện hiện tượng thu gom ngoại tệ với số lượng lớn để nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng trái phép. Đây là nhân tố tác động tiêu cực tới sự ổn định của thị trường ngoại tệ và gây áp lực lên tỷ giá, lạm phát.

Nhờ đó quản lý chặt chẽ được vàng miếng, tránh được tình trạng nhập lậu. Cuối 2011 đến nay hoạt động trên thị trường ngoại hối diễn ra ổn định.

Báo cáo từ chính NHNN cho thấy huy động vốn từ dân cư vẫn tăng trong khi tín dụng cho nền kinh tế lại giảm. Nhiều người lo có thể tiền đã chảy hết vào vàng nên không thể cho vay với nền kinh tế được?

Với các quy định hiện hành của NHNN, các ngân hàng thương mại không thể thoải mái mua vàng được. Để được tham gia đấu thầu, cả ngân hàng và doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện chặt chẽ về tiềm lực tài chính, mạng lưới và khả năng kinh doanh. Bản thân các ngân hàng phải tuân thủ giới hạn về trạng thái vàng, vì thế dù tiềm lực vốn lớn họ cũng không thể mua với số lượng lớn. Họ cũng không được phép cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư, kinh doanh vàng.

NHNN đang thanh tra toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp đã mua vàng, để đảm bảo việc mua vàng cũng như sử dụng vàng đúng pháp luật.

Ngày 30.6 khi các ngân hàng hoàn thành việc tất toán trạng thái vàng, NHNN có thể khẳng định thời điểm nào giá trong nước sát với giá thế giới?

Việc huy động vàng của tổ chức tín dụng đã chấm dứt từ ngày 25.11.2012, nhưng với kỳ hạn dài nhất, một số tổ chức tín dụng còn được huy động đến 30.6, đó là lý do họ phải mua vàng trên thị trường để tất toán trạng thái huy động, cho vay. Rõ ràng đây là nhu cầu gây áp lực lên nguồn cầu, đến 30.6.2013 khi đã hoàn thành thì sẽ giảm thiểu cầu, khi đó chênh lệch giá trong nước và quốc tế cũng sẽ giảm.

Anh Vũ (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.