Giải quyết vấn đề biển Đông là mục tiêu quan trọng của ASEAN

27/04/2013 03:05 GMT+7

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định như vậy trong cuộc phỏng vấn độc quyền của Báo Thanh Niên bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN thứ 22 ở Brunei.

* Lập Ủy ban Đặc trách cao cấp để cải tiến hoạt động

Ông Lê Lương Minh là người Việt Nam đầu tiên giữ chức Tổng thư ký (TTK) ASEAN với nhiệm kỳ 5 năm, bắt đầu từ ngày 1.1.2013. Cuộc phỏng vấn với Báo Thanh Niên được thực hiện tại khách sạn Empire ở thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei, trước khi phiên họp hẹp của các lãnh đạo ASEAN diễn ra vào sáng 25.4.

Thưa TTK, thực tế là có nhiều người kỳ vọng rằng Việt Nam đang có một công dân đứng đầu ASEAN nên có thể được lợi gì đó, đặc biệt là trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc mà 3 thành viên khác của khối cũng có lợi ích trực tiếp. Ông nghĩ gì về điều này?

TTK Lê Lương Minh: Trước hết, cái lợi của Việt Nam cũng là cái lợi chung của các nước ASEAN. Mục tiêu quan trọng nhất của ASEAN từ nay đến năm 2015 là tập trung xây dựng một cộng đồng trên 3 trụ cột: Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội, mà để tiến triển bền vững thì mỗi trụ cột đều phải có tiến triển. Trong trụ cột Chính trị - An ninh, bên cạnh việc tăng cường Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á, việc xây dựng những chuẩn mực ứng xử trong những vấn đề có nguy cơ đe dọa an ninh, hòa bình khu vực, trong đó có vấn đề biển Đông, là hết sức quan trọng.

Giải quyết vấn đề biển Đông là mục tiêu quan trọng của ASEAN
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (trái) cùng Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah - Chủ tịch ASEAN 2013 - Ảnh: ASEAN Summit 2013

Hòa bình, ổn định ở biển Đông không chỉ quan trọng đối với các nước trực tiếp trong tranh chấp, mà với cả ASEAN và tất cả các nước trong khu vực, cũng như việc duy trì an toàn hàng hải, an ninh biển. Nơi đây có đường giao thông biển huyết mạch lớn nhất của thế giới, với sự tham gia của tất cả các cường quốc thương mại. Vì vậy, việc xử lý vấn đề biển Đông dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật Biển, nguyên tắc 6 điểm của ASEAN, trên tinh thần và các cam kết giữa Trung Quốc với ASEAN, không chỉ có lợi ích cho các thành viên ASEAN, mà cũng có lợi riêng cho Việt Nam.

Hiện nay quan điểm trong khối như thế nào sau những dấu hiệu cho thấy ASEAN chưa đạt được một sự đồng thuận về vấn đề này trong các cuộc họp tại Campuchia năm 2012?

Phải nói rằng từ sau những gì xảy ra ở Campuchia, chúng ta thấy một sự trưởng thành của ASEAN. ASEAN đã nhìn thấy tầm quan trọng của việc xử lý vấn đề biển Đông trên những nguyên tắc mà tôi đã đề cập. Trong đó, cần duy trì sự nhất trí và đoàn kết trong khối; kiên trì đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, kể cả ở cấp bộ trưởng, để đảm bảo không xảy ra xung đột, đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ Tuyên bố các bên về ứng xử trên biển Đông của ASEAN (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002, và tiến tới sớm hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC). Trong khi DOC đã có hơn 10 năm qua, nhưng tình hình biển Đông vẫn diễn biến rất phức tạp, nên các thành viên đều nhận thức cần phải sớm có COC như một bộ luật điều phối quan hệ giữa các nước.

Vậy chúng ta có thể kỳ vọng về một COC vào cuối năm nay không?

ASEAN đã sẵn sàng. ASEAN đã có lập trường chung, có nguyên tắc 6 điểm và đã nhất trí về những thành tố cơ bản của COC. ASEAN chờ Trung Quốc sớm tham gia đàm phán nhằm đạt mục tiêu sớm có COC trên cơ sở chia sẻ nhận thức về vai trò của COC đối với việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, trong đó có Trung Quốc. ASEAN và Trung Quốc sẽ có cuộc họp đặc biệt cấp bộ trưởng ngoại giao để thảo luận vấn đề này.

Cải tổ Ban Thư ký ASEAN

Nhiều chuyên gia cũng như cựu TTK Surin Pitsuwan từng nói nhiều về sự chồng chéo trong cơ cấu tổ chức và hoạt động của Ban Thư ký ASEAN (BTK), cá nhân ông đánh giá vấn đề này như thế nào? Và trong 4 tháng qua, ông đã làm gì để cải tiến?

 

ASEAN chờ Trung Quốc sớm tham gia đàm phán nhằm đạt mục tiêu sớm có COC trên cơ sở chia sẻ nhận thức về vai trò của COC đối với việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, trong đó có Trung Quốc

Các nhiệm vụ cho đến năm 2015 và xây dựng cơ sở bền vững cho sự hội nhập của ASEAN sau năm 2015 là rất lớn, đặt ra nhu cầu cần thiết là phải bảo đảm hoạt động hiệu quả của các cơ quan trong ASEAN, nhất là các cơ quan phụ trách các vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan khác. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao năng lực của BTK. Cựu TTK Pitsuwan từng có các kiến nghị về việc này. Một số thành viên cũng nêu ra các kiến nghị rất cụ thể, chẳng hạn như các giải pháp của Singapore. Sắp tới, sẽ có một Ủy ban Đặc trách cao cấp được thành lập với cơ chế hoạt động rõ ràng để nghiên cứu các kiến nghị này và đưa ra giải pháp cụ thể.

Từ khi nhậm chức đến nay, đây cũng là vấn đề tôi quan tâm thúc đẩy. Tôi tập trung vào việc tăng cường phối hợp giữa các vụ, các cơ quan của BTK, đặc biệt giữa BTK với đại diện thường trực và BTK ASEAN của các quốc gia thành viên, tăng cường đảm bảo quá trình tuyển dụng nhân viên. Tôi đã đưa ra các kiến nghị làm thế nào để tuyển được các nhân viên thật sự có năng lực và đảm bảo nhân viên BTK yên tâm công tác. Hiện nay, mức đãi ngộ cho nhân viên của BTK thấp hơn so với ở các tổ chức quốc tế và các công ty khác, ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của BTK đối với những người có nguyện vọng cống hiến cho hoạt động của ASEAN.

Điều này là do cơ chế hay do kinh phí, thưa ông?

Cả hai. Do cơ chế, nhưng cơ chế đó là trên cơ sở kinh phí hạn hẹp. Hiện nay, kinh phí hoạt động hằng năm của BTK là dựa trên đóng góp của các nước thành viên. Bản thân ngân sách đó chỉ để duy trì hoạt động của BTK là đã hạn hẹp. Ngoài ra còn rất nhiều nhu cầu khác, như đào tạo nhân lực và triển khai các giải pháp mà tôi đề cập.

Hiện BTK có gần 300 nhân viên và đang có một số suất trống mà chúng tôi cần tuyển dụng. Đặc biệt là vị trí Phó TTK phụ trách vấn đề cộng đồng và nội bộ đã trống từ tháng 12.2012.

So với khi ông mới nhậm chức, mục tiêu đạt được một Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 có rõ ràng và trở nên khả thi hơn không?

ASEAN đã đạt được nhiều tiến triển trong quá trình xây dựng Cộng đồng. Trong lĩnh vực kinh tế, đến cuối tháng 3.2013, chúng ta đã triển khai được 77,5% các giải pháp trong lộ trình. Chúng ta cũng đã đạt được 86-87% trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Lĩnh vực chính trị - an ninh có những tiến triển rõ rệt, với việc tăng cường hiệu lực của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á hiện có 31 quốc gia tham gia; thành lập Viện Hòa bình - Hòa giải và sắp thành lập hội đồng quản lý để đi vào hoạt động; thông qua Tuyên bố Nhân quyền và đang triển khai thực hiện... Tình hình nói chung là tương đối khả quan.

Tuy nhiên, các giải pháp còn lại phải triển khai đến năm 2015 là không nhiều nhưng rất khó thực hiện vì chạm đến những lĩnh vực nhạy cảm. Điều quan trọng là Brunei, nước Chủ tịch ASEAN hiện nay, đã đề ra cụ thể những biện pháp nào phải triển khai trong từng năm để đảm bảo đến 2015 có được một Cộng đồng. Vì vậy, trên cơ sở đó, cộng với nhận thức chung và quyết tâm của các quốc gia thành viên, tại thời điểm này, chúng ta đã có thể mường tượng rất rõ là đến 2015, chúng ta đạt được những gì.

Xin cảm ơn ông!

Thục Minh
(Thực hiện từ Brunei)

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 22
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN
>> Thủ tướng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 19
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 19
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 18
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi dự Hội nghị cấp cao ASEAN 18
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 18  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.