Giá trứng tăng, ai hưởng lợi?

26/04/2013 03:30 GMT+7

Giá trứng đang tăng từng ngày nhưng phần lớn lợi nhuận không đến tay người chăn nuôi mà chảy vào túi các doanh nghiệp nước ngoài.

Trao đổi với Thanh Niên ngày 25.4, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết diễn biến giá trứng gia cầm tăng hiện nay hoàn toàn trái chiều so với quy luật thông thường. Mọi năm khi có thông tin về dịch cúm giá trứng giảm, năm nay thì ngược lại. Giá trứng bán tại trại ngày 24.4 là 2.050 đồng/quả thì ngày 25.4 đã lên 2.100 đồng/quả. Nguyên nhân tăng giá trứng, theo ông Đoán, là do nguồn cung khan hiếm.

 Thị trường chăn nuôi gia cầm ngày càng phụ thuộc vào các công ty nước ngoài
Thị trường chăn nuôi gia cầm ngày càng phụ thuộc vào các công ty nước ngoài - Ảnh: Hoàng Việt

 Tại các chợ lẻ ở TP.HCM, giá trứng gia cầm đang ở mức rất cao. So với cách đây 2 tuần, giá trứng tăng từ 3.000 - 4.000 đồng/hộp (10 trứng). Cụ thể, giá trứng gà tăng khoảng 3.000 - 4.000 đồng, lên khoảng 26.000 - 27.000 đồng/hộp. Giá trứng vịt có cùng mức tăng, hiện là 36.000 - 37.000 đồng/hộp. Nguyên nhân được các đơn vị phân phối xác nhận là do nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá thu mua tăng. Theo ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, do suốt mấy năm qua giá trứng gia cầm quá thấp trong khi chi phí về chăn nuôi (thức ăn, con giống, thuốc thú y, nhân công…) đều tăng nên người chăn nuôi lỗ nặng. Từ đó, nhiều người chăn nuôi bỏ đàn, giảm đàn dẫn đến khan hiếm trứng.

 

Khó tránh khỏi bị thao túng

Để ngành chăn nuôi trong nước duy trì và phát triển, nhà nước cần phải làm sao để người chăn nuôi có lời, sống được với nghề. Thua lỗ triền miên, người chăn nuôi phá sản, dẫn đến phải chuyển sang nuôi gia công cho nước ngoài, từ đó ngành chăn nuôi bị phụ thuộc. Việc bị các công ty nước ngoài thao túng sẽ là điều khó tránh khỏi.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt

Lợi nhuận “chảy” vào túi các công ty nước ngoài

Tương tự, ông Nguyễn Kim Đoán ước tính đàn gà của Đồng Nai hiện đã giảm khoảng trên 50% so với trước đây. Cá biệt có trại giảm quy mô đàn đến 60 - 70%. Nguyên nhân là hồi năm ngoái, những hộ nuôi riêng lẻ do phải chịu lỗ liên tục kéo dài nên không còn có thể gượng được nữa. Cũng cuối năm ngoái, các công ty cung cấp giống còn ngưng cung cấp con giống cho người chăn nuôi với lý do giá gà giảm khiến họ bị lỗ. Hiện có đến khoảng 90% số hộ nuôi riêng lẻ chuyển sang nuôi gia công cho các công ty nước ngoài. Vì thế, người nuôi chỉ được hưởng một khoản nhất định trên từng quả trứng theo hợp đồng đã ký trước đó.

 Anh Khoa, một nông dân nuôi gà gia công ở Biên Hòa (Đồng Nai) cho công ty CP với số lượng gần 70.000 con gà đẻ trứng cho biết theo hợp đồng thì người nuôi sẽ đầu tư chuồng trại, công ty đầu tư con giống, kỹ thuật và thuốc thú y. Thức ăn người nuôi sẽ mua trực tiếp của công ty với giá cố định là 9.800 đồng/kg. Giá trứng bán lại cho công ty cố định là 1.550 đồng/trứng. Tính ra người nuôi có thể lời được từ 200 - 250 đồng/trứng. Vì thế, giá trứng gia cầm dù đã tăng mạnh từ giai đoạn thu mua tại trang trại đến bán lẻ ở ngoài thị trường nhưng lợi nhuận chủ yếu chỉ “chảy” vào túi các công ty nước ngoài và một phần vào túi những người bán lẻ.

Không riêng gì ở Đồng Nai mà ở nhiều địa phương khác có nghề nuôi gà cũng trong tình trạng tương tự. Một cán bộ thú y của huyện Châu Thành (Sóc Trăng) cho biết địa phương này có tổng đàn gà trên một triệu con. Hầu hết người dân đều nuôi gia công cho các công ty nước ngoài từ gà đẻ trứng đến gà thịt. Việc người dân chuyển qua nuôi gia công đã hình thành từ cách đây hơn 3 năm. Họ nuôi gia công thì không có lời nhiều nhưng cũng tránh được rủi ro từ thị trường.

Người nuôi heo cũng “kiệt sức”

Hiện trên thị trường chăn nuôi gia cầm phía nam, các công ty đầu tư nước ngoài như Japfa (Indonesia), CP (Thái Lan) và Emivest (Malaysia) gần như chiếm hoàn toàn ưu thế. Ba công ty này đang nắm hầu hết thị phần cung cấp gà giống. Chủ một trang trại cho biết việc tái đàn cũng không dễ vì còn phụ thuộc vào việc cung cấp con giống của các công ty này. Vì thế, ông Nguyễn Chí Công cảnh báo: “Không chỉ với nuôi gà đẻ trứng, gà thịt mà hiện nay người chăn nuôi heo cũng đang kiệt sức. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì rất có thể người nuôi heo cũng chuyển sang nuôi gia công cho nước ngoài. Khi mà họ chiếm ưu thế và có thể chi phối thì có thể sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Có thể sẽ không chỉ là đối với mặt hàng trứng gia cầm mà đây chính là vấn đề của cả ngành chăn nuôi. Nhà nước cần sớm có những chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, doanh nghiệp trong nước trong việc cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Hoàng Việt - Chí Nhân

>> Kiểm tra bình ổn thị trường trứng gia cầm
>> Sẽ điều tra hành vi “làm giá” trứng gia cầm
>> Làm rõ nguyên nhân giá trứng gia cầm tăng đột biến
>> Giá trứng gia cầm ở Hà Nội tăng “ầm ầm”
>> Trứng gia cầm bình ổn giá “cháy hàng”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.