Những nước hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính

24/04/2013 18:00 GMT+7

(TNO) Pháp ngày 23.4 đã trở thành quốc gia thứ 14 trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Sau đây là những quốc gia đã cho phép những cặp đồng tính nam và nữ kết hôn.

1. Hà Lan

Vào ngày 1.4.2001, Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép người đồng tính kết hôn và nhận con nuôi.

2. Bỉ

Các cặp đồng tính ở Bỉ hầu như có những quyền tương tự như các cặp vợ chồng bình thường. Các cặp đồng tính Bỉ có quyền kết hôn hợp pháp vào năm 2003 và đến năm 2006 Quốc hội Bỉ thông qua luật cho phép họ nhận con nuôi.

3. Tây Ban Nha

Vào năm 2005, Tây Ban Nha trở thành thành viên thứ ba của Liên minh châu u thông qua một dự luật cho phép kết hôn đồng tính. Các cặp đồng tính nam hoặc nữ có quyền nhận con nuôi dù cho họ có kết hôn hay không kết hôn.

4. Canada

Canada áp dụng luật cho phép kết hôn đồng tính và nhận con nuôi kể từ tháng 7.2005. Trước đó, một số địa phương ở nước này đã công nhận một số quyền cho những người đồng tính.

5. Nam Phi

Nam Phi là quốc gia đầu tiên ở châu Phi công nhận các quyền của người đồng tính, sau đó hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và cho phép các cặp đồng tính nhận con nuôi kể từ tháng 11.2006.

6. Na Uy

Một dự luật cho phép người đồng tính kết hôn và nhận con nuôi được thông qua vào năm 2009. Tuy nhiên, nước này đã công nhận nhiều quyền cho người đồng tính 20 năm trước đó.

7. Thụy Điển

Các cặp đồng tính được phép kết hôn kể từ tháng 5.2009.

8. Bồ Đào Nha

Theo luật Hôn nhân sửa đổi của Bồ Đào Nha được thông qua hồi năm 2010, nước này cho phép kết hôn đồng tính, nhưng không cho phép các cặp đồng tính nhận con nuôi.

9. Iceland

Thủ tướng Iceland, bà Johanna Sigurdardottir kết hôn với người bạn đồng tính vào tháng 6.2010 ngay khi luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính bắt đầu có hiệu lực. Những cặp đồng tính ở Iceland phải chung sống với nhau ít nhất 5 năm mới có quyền nhận con nuôi.

10. Argentina

Argentina là quốc gia đầu tiên ở Nam Mỹ cho phép các cặp đồng tính kết hôn và nhận con nuôi sau khi luật về hôn nhân đồng tính được thông qua vào ngày 14.7.2010.

11. Đan Mạch

Kể từ năm 1989, Đan Mạch đã công nhận một số quyền của người đồng tính. Nhưng đến tháng 6.2012, nước này mới thông qua luật cho phép kết hôn đồng tính.

12. Uruguay

Trong tháng 4.2013, Uruguay đã bỏ phiếu thông qua luật cho phép các cặp đồng tính kết hôn, trở thành quốc gia thứ hai ở Nam Mỹ sau Argentina hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.

13. New Zealand

Hôm 17.4 vừa qua, New Zealand trở thành quốc gia thứ 13 trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, sau khi Quốc hội nước này thông qua dự luật cho phép các cặp đồng tính kết hôn với 77 phiếu thuận và 44 phiếu chống.

14. Pháp

Vào ngày 23.4, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu thông qua dự luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và cho phép các cặp đồng tính nam và nữ xin con nuôi, với 331 phiếu thuận và 225 phiếu chống. Pháp trở thành quốc gia thứ 14 trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.

15. Mỹ, Mexico và Brazil

Tại ba nước này, chỉ có một số bang cho phép các cặp đồng tính kết hôn.

Một số quốc gia khác thông qua luật công nhận quyền của người đồng tính nhưng không cho phép kết hôn đồng tính như: Đức (2001), Phần Lan (2002), Cộng hòa Czech (2006), Thụy Sĩ (2007), Colombia và Ireland (năm 2011).

Phúc Duy
(Theo AFP)

>> Pháp thông qua dự luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính
>> Hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính: Pháp siết chặt an ninh trước thềm bỏ phiếu
>> New Zealand cho phép hôn nhân đồng tính
>> New Zealand chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính
>> Hạ viện Pháp thông qua dự luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính
>> Pháp mở đường cho hôn nhân đồng tính
>> Biểu tình rầm rộ ủng hộ hôn nhân đồng tính
>> Tranh cãi dữ dội về hôn nhân đồng tính ở New Zealand
>> Dân Pháp lại biểu tình phản đối hôn nhân đồng tính
>> Nhiều người Pháp ủng hộ hôn nhân đồng tính
>> Dân Pháp biểu tình rầm rộ phản đối hôn nhân đồng tính
>> 2/3 dân số New Zealand ủng hộ hôn nhân đồng tính
>> Hôn nhân đồng tính: Cần cái nhìn thấu đáo
>> Sao ở Mỹ nghĩ gì về luật hôn nhân đồng tính?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.