Cơ hội từ cho thuê lại lao động

23/04/2013 03:00 GMT+7

Thị trường lao động Việt Nam sắp tới chứng kiến một số thay đổi lớn do bộ Luật lao động sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.5 sẽ luật hóa hoạt động cho thuê lại lao động.

Bước ngoặt của thị trường lao động

Trên thế giới, cho thuê lại lao động (LĐ) hay còn gọi LĐ phái cử (người LĐ do một doanh nghiệp (DN) tuyển dụng nhưng lại được “gửi” đến làm việc tại một DN khác) là một phương thức sử dụng linh hoạt và là cơ hội việc làm, đặc biệt đối với những công việc mang tính chất tạm thời. Một nghiên cứu tại 34 quốc gia (phần lớn ở các nước u - Mỹ) do Tổ chức quốc tế của các DN cho thuê lại LĐ thực hiện cho thấy số lượng người LĐ cho thuê lại tăng gấp đôi từ năm 1998 đến 2008. Chẳng hạn, ở Anh, cho thuê lại chiếm 4% tổng số lực lượng LĐ, với 80% trong khu vực dịch vụ và khu vực công.

 
Cho thuê lại lao động tới đây sẽ phổ biến tại Việt Nam - Ảnh: Ngọc Thắng

Hình thức này cũng đã có mặt từ lâu tại Việt Nam, mặc dù luật pháp đến giờ mới chuẩn bị ghi nhận. Một số khảo sát quy mô nhỏ do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam thực hiện cho thấy LĐ phái cử không chỉ tồn tại ở các công việc giản đơn mà còn ở nhóm người lành nghề có chuyên môn cao. Loại hình công việc khá rộng, từ nhân viên an ninh, giúp việc gia đình, dịch vụ nhà hàng, thủy thủ, khuân vác, công nhân sản xuất tay nghề thấp, cho tới phiên dịch, kế toán thuế, nhân viên marketing, bán hàng, quản lý nhân sự hay kỹ sư điện...

Đưa LĐ phái cử vào bộ luật Lao động sửa đổi là một bước đi bắt buộc, bởi cần có những quy định hợp lý cho một hoạt động vốn đã phổ biến và có thể sẽ tiếp tục phát triển theo xu hướng toàn cầu cũng như nhu cầu của người sử dụng LĐ.

Con dao hai lưỡi

Việc gia tăng hoạt động cho thuê lại LĐ bắt nguồn từ chính nhu cầu của DN. Đối với nhiều DN nước ngoài tại Việt Nam, loại hình này là một phần quan trọng trong phương thức kinh doanh của họ tại các nước khác. Đặc biệt, LĐ phái cử càng có ý nghĩa lớn đối với những DN có quy mô sản xuất thay đổi nhiều tùy thuộc vào các thời điểm khác nhau trong năm. Một lý do khác khiến nhiều DN thích hình thức này xuất phát từ những vị trí ngắn hạn không đòi hỏi công ty phải duy trì nhân viên thường xuyên. Dịch vụ kế toán cho báo cáo tài chính hoặc phiên dịch là những ví dụ điển hình.

Luật hóa hình thức LĐ mới này có thể giúp đáp ứng nhu cầu của nhiều DN, nhất là đối với kế hoạch sử dụng LĐ linh hoạt, cho phép DN dễ dàng điều chỉnh nhu cầu về LĐ trong thời gian ngắn và tiết kiệm các chi phí tuyển dụng cũng như những chi phí hành chính khác.

Nghị định hướng dẫn sắp được ban hành sẽ gồm nhiều quy định chi tiết khác. Nghị định được cho là sẽ chỉ cho phép cho thuê lại LĐ ở 17 nhóm ngành nghề như phiên dịch, kế toán, lái xe, nhân viên an ninh, nhân viên vệ sinh hay nhân viên bán hàng... Chính phủ quyết định khởi đầu hình thức LĐ loại này theo một cách thận trọng, ở quy mô nhỏ, bởi nó tiềm tàng nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng tới chất lượng việc làm, đặc biệt trong bối cảnh thực thi luật và năng lực thanh tra còn hạn chế.

Tuy nhiên, Chính phủ có thể sẽ mở rộng LĐ phái cử sang các loại hình công việc khác trong tương lai khi họ đủ tự tin sau một vài năm áp dụng, nhất là khi rất nhiều công ty đang kêu gọi việc mở rộng này. Nhưng do đã thấy rõ những khó khăn trong việc thực hiện cho thuê lại lao động ở các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Chính phủ Việt Nam có lẽ sẽ tiếp tục thận trọng, để đảm bảo rằng quyền lợi chính đáng của cả người LĐ và người sử dụng LĐ đều được bảo vệ. 

Khảo sát tại Việt Nam cho thấy một số vấn đề thực tế trong hoạt động cho thuê lại LĐ, bao gồm việc trả lương đúng hạn, làm việc quá giờ, thời giờ làm việc, nghỉ phép hay bảo hiểm mà cả DN cho thuê lại LĐ và DN sử dụng LĐ đều không chịu trách nhiệm.

Thu Hằng

>> Lao động trẻ có trình độ không chịu về làm việc cho HTX
>> Giúp lao động trẻ tìm việc
>> Cơ hội cho lao động trẻ ra nước ngoài

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.