Nơi giá nước 1 triệu đồng/m3

21/04/2013 04:11 GMT+7

Để chống chọi với tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng, người dân một số vùng ở Cà Mau đang phải gồng mình mua 1 m3 nước với giá 1 triệu đồng.

Hiện các vùng khan hiếm nước ngọt ở tỉnh Cà Mau tập trung tại các ấp 1, 2, 3 của xã Khánh Bình Tây Bắc (H.Trần Văn Thời); một phần xã Khánh An; ấp 6 (xã Khánh Lâm), xã Khánh Hòa (H.U Minh); xã Biển Bạch (H.Thới Bình). Ở các khu vực này, nguồn nước ngầm khoan được chỉ là phèn chua và mặn, không thể sử dụng được. Người dân phải chấp nhận nhịn mọi thứ khác để dành tiền mua nước ngọt. Trong khi đó, nhiều vật nuôi bị chết vì thiếu nước uống.

 

Chỉ cần có nước ngọt, còn việc nước sạch, có hợp vệ sinh hay không, tôi không quan tâm. Bởi có nước ngọt xài là tốt rồi, nước ao đìa thì phèn đặc quánh, rửa mặt nước mắt chảy ròng, cay xè

Lê Thị Ken, ngụ ấp 1,
xã Khánh Bình Tây Bắc

Chính quyền và dân đều khát

Đã nhiều năm qua, cứ vào mùa khô là hàng ngàn người dân ở các địa phương trên lại “chạy” nước. Bà Lê Thị Ken, ngụ ấp 1, xã Khánh Bình Tây Bắc, nói: “Giờ chỉ cần có nước ngọt, còn việc nước sạch, có hợp vệ sinh hay không, tôi không quan tâm. Bởi có nước ngọt xài là tốt rồi, nước ao đìa thì phèn đặc quánh, rửa mặt nước mắt chảy ròng, cay xè”.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, nhìn nhận hiện có khoảng 900 hộ dân ở nhiều ấp trong xã đang thiếu nước sạch để sinh hoạt trầm trọng. Hầu hết dân cư vùng này về đây từ chương trình nhận đất rừng giao khoán của Lâm ngư trường công ích Trần Văn Thời từ năm 1990. Và cũng từng ấy thời gian họ phải đối mặt, vật lộn với thiếu nước vào mùa khô.

Ông Nguyễn Văn Hai, ở ấp 2, nói: “Năm nay hạn lớn quá, các ao trữ nước đều cạn, phèn đặc quánh, tưới rau rau cũng chết. Nên nước sinh hoạt cho gia đình tôi 7 người đều phải mua, tiện tặn lắm 4 ngày cũng “bay” đứt 800 lít. Nếu có phương tiện chạy ra Co Xáng (xã Trần Hợi, H.Trần Văn Thời - PV) khoảng 6 cây số chở nước về thì giá 10.000 đồng một lu 100 lít. Nếu không có phương tiện chuyên chở thì giá nước bán tận nhà là 1 lít 1.000 đồng”. Nhưng mấy hôm nay, nước dưới kinh sắp cạn nên ghe chở nước bán cũng không vào. “Do mua giá 1.000 đồng/lít nước nên bà con chỉ dành nấu ăn và uống thôi. Phải ráng tìm phương tiện tự đi đổi nước để giảm chi phí”, ông Hai cho biết thêm.

Giống như xã Khánh Bình Tây Bắc, xã Biển Bạch do cấu tạo địa chất nên các hộ sống dọc sông Trẹm không thể khoan giếng được. “Nhiều hộ khoan giếng nhưng nước cũng bị nhiễm phèn, mặn không sử dụng được. Hiện tại, toàn xã Biển Bạch có hơn 1.600 hộ, trong đó có khoảng 50% hộ thiếu nước. Người dân phải trả 40.000 đồng cho lu nước ngọt. Ngay cả UBND xã cũng phải mua can nhựa nhờ cán bộ về nhà (những cán bộ nhà có nước ngọt - PV) lấy nước đến đơn vị dùng để tiết kiệm chi phí”, ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch, chia sẻ.

Nơi giá nước 1 triệu đồng/m3
Không có nước ngọt người dân phải sử dụng nước ao đìa - Ảnh: Gia Bách

Chạy nước khó bội lần chạy gạo

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ở những khu vực trên, cuộc sống người dân đa phần ở mức nghèo và cận nghèo. Hằng ngày, họ phải “chạy” tìm cái ăn đã khó, giờ phải “chạy” thêm nước sinh hoạt, nên cuộc sống của họ càng khó khăn.

Bà Lê Tuyết Nhi, ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, than: “Giá nước mua cao quá, gia đình tôi dồn nhiều ao nước lại thành một ao lớn để tiết kiệm chi phí. Nhưng ao nước dồn cũng đã cạn. Một ngày vợ chồng tôi làm thuê chỉ được hơn 100.000 đồng, nhưng phải mua nước với giá 1.000 đồng/lít; gia đình 4 người xài tiện tặn lắm cũng phải mất 50.000 đồng tiền nước. Trong khi gạo cho gia đình ăn mỗi ngày chỉ có 24.000 đồng”. Ông Nguyễn Văn Anh (chồng bà Nhi) kể thêm: “Để tiết kiệm nước, mỗi lần đi làm thuê ở các nơi có nước ngọt, vợ chồng tôi tranh thủ tắm rồi mới về. Gặp gia đình chủ dễ tính, tôi kêu 2 con cùng đến tắm, như thế nhà tôi mỗi ngày tiết kiệm hơn 4 kg gạo”.

 

Hỗ trợ dân mua bồn chứa nước mưa

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, nói: “Thời gian qua, trung tâm đã xây dựng được một số công trình cung cấp nước sạch cho người dân ở một số địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của bà con. Trung tâm đang xin nguồn kinh phí để hỗ trợ người dân mua bồn chứa nước vào mùa mưa để sử dụng trong mùa khô. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời”.

Một người dân khác - ông Danh Anh, than thở: “Gia đình tôi khó khăn nên xài nước rất hà tiện. Nước rửa chén thì dành lại tưới rau, cho gà vịt uống, nước vo gạo thì để rửa rau... nói chung là tận dụng nguồn nước ngọt hết mức. Xài tiết kiệm, chi li như vậy mà mỗi tháng tốn cũng hơn 500.000 đồng tiền mua nước giếng”.

Vào thời điểm mùa khô, người dân phải chắt chiu từng đồng để mua nước sinh hoạt với giá cắt cổ. Ông Danh Anh tiếp lời: “Những hôm “lái nước” không đi bán mà nhà hết nước, tôi phải xách can đi mượn hàng xóm về xài đỡ. Ai cũng khó như mình, đâu có nước dư mà mượn nhiều, nhiều lúc tôi phải nhịn tắm để dành cho các con”.

Nghèo vì thiếu nước

Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, ông Nguyễn Thanh Thủy, thừa nhận: “Người dân gặp khó về nước làm trì trệ kinh tế gia đình, xã đa phần là dân nghèo, giờ tốn thêm một khoản không nhỏ cho tiền nước, đúng là khó vô cùng. Trung bình gia đình 4 nhân khẩu, mỗi ngày xài hết 400 lít nước giếng với giá 40.000 đồng”.

Vùng Biển Bạch, giao thông đường thủy thuận tiện nên giá nước có phần “mềm” hơn vùng Khánh Bình Tây Bắc. Ở Biển Bạch, người dân phải mua nước ngọt để sử dụng với giá bình quân 40.000 đồng/m3; trung bình mỗi hộ dân phải chi từ 200.000 - 500.000 đồng/tháng để mua nước.

Trong khi đó, tuyến nước ngầm kéo từ Kinh 16, ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch với hơn 115 hộ dân đăng ký sử dụng, nhưng xài không bao lâu nước lại vàng vì nhiễm phèn. Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Trần Văn Tuấn, lý giải: “Phèn trong nước nhiều quá, mới mở vòi thì nước có màu vàng sậm, lóng lại vài giờ nước trong, nhưng dưới đáy lu sệt quánh lớp phèn. Mỗi lần vậy, phải báo cán bộ Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau vào sửa chữa và việc này cứ lặp đi lặp lại liên tục; có lần trạm hư gần cả tháng mới khắc phục được”.

Thực tế, trạm cấp nước này cũng chỉ mới đưa vào sử dụng vào cuối năm 2012, với tổng kinh phí đầu tư trên 3 tỉ đồng, nhưng cũng chẳng giúp gì được cho người dân. 

Gia Bách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.