Viết cho nhau

19/04/2013 04:00 GMT+7

Tôi có trong tay tấm bằng đại học loại khá, ngoại hình chuẩn và gia thế tốt. Nếu không tìm được gì để phủ nhận thì có thể coi tôi thuộc típ người “khá”.

Viết cho em

Tôi có trong tay tấm bằng đại học loại khá, ngoại hình chuẩn và gia thế tốt. Nếu không tìm được gì để phủ nhận thì có thể coi tôi thuộc típ người “khá”.

Những người “khá”, theo tôi là không kém cỏi, không vượt trội xuất chúng và càng không phải kiểu trung trung nhạt nhòa. Không quá khó để tôi có một công việc ổn định với mức thu nhập tương đối nào đó. Ngoại trừ, tôi muốn hay không mà thôi. Tréo ngoe thay, tôi lại hoàn toàn không muốn đi theo cái lập trình sẵn có ấy một chút nào cả.

Bố hướng tôi theo học ngành tài chính với hy vọng tương lai sẽ kiếm được bộn tiền. Hơn hết là một cuộc sống tự chủ. Nhưng chính ông đã quên đi rằng việc áp đặt mọi thứ lên cuộc đời tôi lại như đang phản bội chính cái nguyên tắc mà ông vẽ ra ấy. Làm sao có thể tự chủ được, khi mà trước một quyết định nào đó tôi đều phải thông qua bố mình. Bốn năm ngồi ghế giảng đường đã giúp tôi học được kha khá thứ bổ ích. Hãy khoan nói về những khái niệm mang tính rập khuôn, bài vở. Vì tôi cho rằng nó thuộc về một phạm trù rất khác. Bốn năm không đủ nhiều nhưng chi phí cơ hội để đánh đổi với niềm đam mê của tôi thì lớn quá. Để giờ đây trong bộ dạng phờ phạc, những góc cạnh rõ hơn trên khuôn mặt cùng chiếc cằm lún phún râu mấy ngày chẳng buồn cạo, tóc tai lỉa chỉa khiến cho cái thằng tôi trông đến thê thảm. Tôi nằm dài trên đệm giường, đôi mắt vô hồn vì kiệt sức. Đôi lông mày nhíu lại cùng những nếp nhăn trên trán, vẩn vơ những luồng suy nghĩ, tôi tự hỏi liệu bao năm qua tôi đã sống, thật sự cho ai và vì ai? Nếu ích kỷ là để tôi biết được vị trí mình đang đứng và nhận ra phương hướng cho mình, tôi sẽ sẵn sàng đánh đổi. Không chút do dự.

Sáng, những đợt gió lạnh ùa vào căn phòng làm tôi thức dậy. Lũ sẻ ngô không còn ríu rít trên bậu cửa sổ như mọi khi nữa. Hẳn chúng đã làm biếng ở một góc ấm áp nào đó rồi. Tôi chuốt lại vẻ bề ngoài, dù thâm tâm vẫn bộn bề nhiều lắm. Xốc ba lô, tôi lẳng lặng rời khỏi nhà sau lời nhắn gửi mẹ.

“Đừng lo cho con, chỉ là một chuyến đi làm mới lại bản thân thôi”.

Tôi nghĩ mẹ luôn hiểu mình, bằng một cách nào đó. Khi gia đình, người làm chủ phần nào đó hơi gia trưởng, thì mẹ, rất biết cách để dung hòa tất cả. Tôi đi được một lúc, điện thoại báo tin nhắn đến, của mẹ.

“Bảo trọng nhé con trai. Mẹ biết con đã phải vứt bỏ nhiều thứ, vì bố và vì cả gia đình này. Đây là thời điểm dành cho con. Hãy là con như con từng muốn, nhé. Kiên cường lên, con trai của mẹ”.

Cảm giác đơn độc bị xua tan. Bước chân tôi như được tiếp thêm sức mạnh bằng niềm tin của mẹ, thôi không còn rệu rã. Con tim ngân lên một bản nhạc không lời, êm ru. Những đợt gió cuối mùa cứ thể thổi, thổi trôi những nỗi buồn vào thinh không.

***

Chuyến xe khách đưa tôi đáp xuống một thị trấn nhỏ. Bóng chiều loang lổ những dải màu nâu đỏ rồi khuất dần sau những dãy núi xa xa. Vừa lúc một chiếc xe ngựa trờ tới, tôi xin quá giang theo sâu vào trong thung lũng. Tiếng vó ngựa, tiếng lục lạc pha lẫn những âm thanh hoang sơ của núi rừng bỗng dưng có sức gợi ghê gớm.

Đi cùng tôi trên chuyến xe ngựa còn có một cô gái, áng chừng chưa quá hai mươi. Có chút gì đó như muốn nổi loạn trong con người của cô gái ấy. Nhưng là một sự nổi loạn trong giới hạn chấp nhận được. Em không ngần ngại khi mở lời trước với tôi.

“Em tên Miên Di. Thay vì làm một tân sinh viên như bạn bè đồng lứa, em chọn gap year, một năm bảo lưu và hứa hẹn rất nhiều những trải nghiệm mới. Còn anh?”.

“Hữu Vi”. Tôi mỉm cười đáp trả. “Vừa mới giũ bỏ cái mác sinh viên cách đây không lâu. Một kẻ thất nghiệp lang bạt. Uhm, em biết đấy, chúng ta thật có duyên khi góp mặt trong cùng một hành trình, phải không?”.

“Anh có dự định gì chưa?”.

“Một nơi nào đó để trú chân chẳng hạn. Anh cũng không rõ nữa”.

“Em có quen với một gia đình người dân tộc ở trong thung lũng này, nếu không chê, anh đến ở cùng cho vui, hai bác ấy cũng thân thiện lắm”.

Đi theo em, tôi được dẫn về một ngôi nhà sàn, nơi em đang ở. Chủ nhà chào tôi bằng ánh mắt niềm nở, mến khách. Có vẻ như họ đã quá quen với việc cho khách lạ tá túc ít hôm trong ngôi nhà của mình. Bác gái đang khơi củi trong gian bếp, nói vọng ra.

“Cứ coi như nhà mình, đừng ngại”.

***

Nước giếng rất ấm mặc dù về đêm không khí ở đây trở nên loãng và lạnh hơn. Miên Di cùng với bác gái làm cá, hong xôi, những công việc bếp núc. Hương nếp nương phả vào không gian, thơm lừng. Mùi cá nướng cũng bùi bùi khiến cho cái bụng bị bỏ đói gần một ngày trời của tôi đã phải reo réo kêu lên. Tôi ngồi một chỗ, chăm chăm vào nhóm bếp. Miệng không ngừng hỏi han về cuộc sống và con người nơi đây. Cả bác trai và bác gái đều nhiệt tình giảng giải cho tôi. Không như hình dung ban đầu, họ cũng có hai người con, một trai một gái. Con gái lớn đi lấy chồng ở xa, lâu lâu mới về thăm nhà được đôi ba bận, chủ yếu là vào những dịp lễ tết. Con trai út đang theo học phổ thông tại trường nội trú tỉnh, cũng chẳng mấy khi về. Miên Di lên đây làm mọi điều mà cô có thể. Nào là vận động lũ trẻ tới trường. Nào là kèm cặp kiến thức cho những em vẫn còn yếu kém. Nào là lên nương rẫy, lăn xả vào cuộc sống vùng cao. Trông em trưởng thành hơn hẳn so với độ tuổi đôi mươi của mình, nhưng vẫn rất thu hút, khiến tôi gần như không thể rời mắt đi đâu được.

Sau bữa cơm ấm cúng, tôi cùng Miên Di ra đầu cầu thang ngắm trăng, trò chuyện. Mặt trăng chênh chếch sau đỉnh núi, ánh sáng lan tỏa khắp mọi ngóc ngách. Đã từ lâu, việc ngắm trăng với tôi gần như trở thành một thú vui xa xỉ lắm. Thế mà ở đây, tôi lại thấy lòng mình như chưa bao giờ bình yên đến thế.

“Những trải nghiệm luôn luôn mang đến cho em những câu chuyện thú vị”. Miên Di nói, hướng ánh mắt lên bầu trời đầy sao.

“Em viết truyện ư? Thú vị thật đấy”. Tôi quay nhìn em, có chút ngưỡng mộ.

“Đi bất cứ đâu, gặp bất cứ ai em đều có thể đặt bút. Em muốn những trang viết của mình sẽ thật dày lên mỗi ngày. Sau này đọc lại, chí ít là em vẫn cảm thấy tuổi trẻ của mình đã không bị hoài phí. Được sống với đam mê của mình, chi bằng anh nhỉ”.

Em nói về đam mê của mình, thật hào hứng. Bỗng dưng, câu hỏi tu từ ấy dội vào tôi một cú hích đau điếng. Bốn năm qua, tôi đã làm được gì cho đam mê của mình hay chưa? Những chiêm nghiệm của một cô gái trẻ hơn mình, thấy sao quý giá vô cùng.

“Giá mà...”. Tôi buột miệng nhưng nghĩ thế nào lại im lặng luôn sau đó.

Bầu không khí đột nhiên chùng xuống, im ắng đến lạ thường. Chúng tôi cứ ngồi mãi như thế cho tới khuya. Cả đêm hôm đó, tôi trằn trọc không sao chợp mắt nổi. Hết gác tay lên trán, xoay người ngang dọc cho đến lôi điện thoại ra chơi game, vẫn không ngủ được. Báo hại cả ngày hôm sau, đôi mắt cứ lờ đờ đến khó chịu. Miên Di hỏi, giọng đầy quan tâm:

“Anh ổn chứ?”.

“Anh bị mất ngủ. Cũng tại chưa quen lắm”.

“Hôm nay có hội ném còn, anh muốn tham gia cùng không?”.

“Anh không biết trò này”.

“Đơn giản thôi. Phải thử trước đã”.

Ném còn không lạ như tôi tưởng tượng. Có một chiếc sào tre cắm giữa bãi đất, đỉnh nó gắn một chiếc vòng kiểu vành nón. Trai gái chia ra hai bên. Quả còn được thiết kế khá đơn giản, bằng túi vải đựng cát đính dây ở tâm, bốn góc được tạo ra bởi bốn mũi khâu. Người chơi tung quả còn làm sao cho lọt qua được chiếc vòng trên đỉnh cây sào tre kia thì thắng. Số lượt ném tùy thuộc vào cặp người chơi quyết định. Người thua cuộc mỗi lần sẽ phải “nộp” cho đối phương một “kỷ vật” làm tin. Thường sẽ là chiếc trâm cài đầu, vòng tay, vòng cổ, khăn choàng, giày dép, nón... Thậm chí có cả quần áo. Trò chơi kết thúc cũng là lúc người chơi trả lại món đồ cho nhau.

“Nhiều đôi nên duyên cũng bắt đầu từ ném còn. Tuyệt quá phải không anh”. Miên Di chốt lại màn phân tích trò chơi ném còn.

“Em có muốn đấu với anh không?”. Tôi mỉm cười thách thức.

“Rất sẵn lòng”. Không chút do dự, Miên Di hồi đáp.

Chúng tôi hào hứng tham gia trò chơi. Lẽ dĩ nhiên là Miên Di thắng, bởi em đã được làm quen với trò này từ trước. Dù thắng dù thua, người tham gia ném còn vẫn luôn luôn vui vẻ. Đó là điểm đặc biệt của trò chơi.

“Nếu có chuyện không vui, người ta thường tìm đến trò này, vứt bỏ nỗi buồn qua những cú ném để rồi nhận lại niềm vui”.

“Ra là vậy”. Tôi gật gù.

Nhờ Miên Di, những bải hoải chất chứa trong tôi vụt chốc tiêu tan. Đã lâu lắm rồi, cái đầu của tôi mới lại nhẹ nhõm như vậy.

Tôi ở lại vùng đất này được khoảng một tuần, rồi đi. Miên Di, em vẫn còn ấp ủ những dự định riêng. Em chia tay tôi bằng một tập truyện, bảo coi như là kỷ niệm gặp gỡ. Sau này tôi mới nhận ra, nhân vật trong mỗi câu chuyện em viết, có nét gì đó hao hao với tôi lắm. Vị chủ nhà tốt bụng chuẩn bị sẵn cho tôi vài cuộn cơm lam đi đường. Hình ảnh nụ cười thân thiện của họ cứ đi theo tôi mãi. Những ngày ở đó tuy ngắn ngủi, nhưng Miên Di đã giúp tôi nhận ra rằng chưa bao giờ là quá muộn để theo đuổi đam mê của mình cả. Nếu được, hãy chọn niềm vui cho cuộc sống của mình. Để khi nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta sẽ chẳng phải hối tiếc một điều gì cả.

Viết cho anh

Tôi vô tình đọc được “câu chuyện” trên của một blogger mới nổi trên mạng xã hội. Blogger này chia sẻ rằng, nhờ Miên Di mà anh đã theo đuổi được đam mê với nghề luật của mình. Anh luôn muốn công lý sẽ đem đến niềm vui cho tất cả mọi người như cái cách mà trò chơi ném còn mang lại sau mỗi cuộc đấu...

Cứ thế, cứ thế mà những kỷ niệm của hai năm về trước lại ùa về trong tôi. Mỗi lúc lại như rõ mồn một từng chi tiết, từng đường nét, từng câu chuyện về anh - Hữu Vi. Về những ngày gap year vui vẻ và ý nghĩa trong cuộc đời mình mà tôi đã có. Tôi không dám chắc blogger đó có phải là anh không nữa nhưng những dòng này là để viết riêng cho anh. Những con chữ vui vẻ. Ký tên: Miên Di.

***

Một buổi tối mùa thu se lạnh. Tôi lang thang trên mạng xã hội và bắt gặp hai câu chuyện của hai con người “kỳ lạ” mà tôi có quen biết. Rồi tôi quyết định sẽ ráp nối chúng lại với nhau thật khéo léo, thành note Facebook. Tất nhiên, tôi sẽ tag họ vào, chỉ hai người thôi nhé. Note có tên là “Viết cho nhau”, bạn đã đọc xong chưa?

Lang Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.