Dù thế nào vẫn cứ là chồng cô !

17/04/2013 03:00 GMT+7

Thực tế ở trong mỗi gia đình - nhất là trong các gia đình ở nông thôn - thật khó để tìm thấy một sự bình đẳng giới tuyệt đối từ cả suy nghĩ lẫn hành vi của những người đàn ông trong nhà.

Từ quê

Tôi về quê ăn cưới một người họ hàng. Ở quê, cứ có một đám cưới thì không chỉ cô dâu chú rể vui, hai bên thông gia vui mà có vẻ như cả làng đều vui. Mà đã vui thì phải tụ tập, phải uống, phải ầm ĩ… Chỗ này một nhóm ông già, chỗ kia một nhóm nam thanh niên, chỗ khác một nhóm bà già, con gái… Thế nhưng đám đàn bà con gái thì chỉ được vui có giờ, còn phải về nhà lo cơm nước, con cái, lợn gà, ruộng vườn… Còn đám đàn ông thì là “tỉ phú thời gian”, khi nào về cũng được. Bà nào, cô nào còn lưu luyến, dùng dằng chưa về, lập tức các ông chồng đã đỏ mặt tía tai vì rượu lại càng đỏ mặt tía tai hơn vì ra oai, quát tháo om sòm góp phần cho không khí đám cưới náo nhiệt thêm lên.

Thỉnh thoảng, nhóm bạn tôi tụ tập các gia đình vợ chồng con cái tổ chức liên hoan tại nhà một cô bạn. Các bà vợ túm tụm vào bếp nấu nướng, người đi chợ, người nhặt rau, rửa thịt, người ninh xương, người sắp bát đũa ra bàn ăn… Trong lúc các bà vợ bận rộn tíu tít, các ông chồng cũng bận rộn không kém, tay chém gió, miệng cũng chém gió cùng những Barack Obama,

Lionel Messi… Lúc vào mâm, các ông thi đua nhau cụng xem ly ai kêu to hơn, còn việc đầu tiên của các bà là tìm thức ăn cho những đứa con của họ (và của cả những ông chồng kia nữa). Ăn uống no say xong, các đấng nam nhi lại quây quần quanh ấm trà, tiếp tục uống và nói. Các bà lại tiếp tục quây quần quanh mâm bát, dọn và rửa. Cứ như sự đời đương nhiên là vậy!

Đến phố

Như tôi, trước kia khi còn đang trong giai đoạn mới tìm hiểu, anh chàng của tôi “bốc giời”: “Anh giỏi vào bếp lắm!”, khiến tôi khấp khởi mừng thầm! Khi “gạo đã thành cơm”, “lão ta” tuyên bố dứt khoát: Vào bếp là “thiên chức” của phụ nữ. Cứ như vào bếp được đánh đồng với “thiên chức” sinh con của đàn bà, còn đàn ông không được “trời ban” cho “chức năng bẩm sinh” đó!

Có một việc nữa mà các hình như các ông cũng coi đó là “chức năng” của phụ nữ. Các bà đã ra tận chợ mua hoa quả về nhà, rửa hẳn “ô zôn” sạch sẽ, để khô ráo rồi, bày lên đĩa bưng lên bàn rồi. Thế nhưng nếu các bà không tự tay bổ ra, bóc ra thì dù có để cái đĩa đó đến hằng tuần, hoa quả có ủng nhũn ra thì cũng đừng hòng mà các ông mó tay vào mà bổ, mà gọt, mà bóc ra ăn. Chẳng phải vì không muốn ăn, cũng chẳng phải vì lười biếng đến mức độ thế, mà chỉ vì một lý do đơn giản: đó hoàn toàn không phải là “kỹ năng” của đàn ông! Mặc dù anh ta có lúc cũng nấu nướng, có lúc cũng rửa bát, nhưng gọt hoa quả hay bóc gói bánh thì dứt khoát là không! Nếu các bà muốn chúng tôi ăn, chỉ có một cách là các bà tự tay gọt, tự tay bóc thì may ra chúng tôi mới ăn hộ cho các bà nhờ. Thế mới lạ!

Cô bạn tôi học ngành kiến trúc, còn anh chồng lại không thông thạo như cô ấy về cái khoản này. Khi họ xây nhà mới, cô vợ đem kiến thức mấy năm đèn sách ra áp dụng, mặc dù ngôi nhà sẽ rất đẹp nếu theo đúng thiết kế của cô vợ, nhưng anh chồng vẫn can thiệp vào một số “hạng mục” theo ý mình để chứng tỏ “vai trò người chồng” trong việc lớn của gia đình. Thậm chí anh ta còn chê bai một vài chi tiết trong thiết kế của vợ để khẳng định “dù gì thì tôi cũng vẫn là chồng, còn cô chỉ là vợ thôi!”.

Hôm 8 tháng 3 vừa rồi, các gia đình trong nhóm bạn tôi lại rủ nhau tụ tập tại nhà người bạn. Khi các ông chồng đang “trà dư tửu hậu”, bàn chuyện Nam - Bắc Triều, một cô vợ của một ông chồng “giở chứng” góp vào một câu bình luận. Lập tức tất cả đám đàn ông ngừng bặt cuộc bàn luận, người thì ngó lơ chỗ khác, người thì quay sang rót trà, còn ông chồng của cô này ngồi đơ ra như vừa bị một cú giáng bất ngờ. Hình như họ nghĩ rằng, bàn luận về chính trị là “thiên chức” độc tôn của đàn ông thì phải! Nhưng mà tổng thống của Hàn Quốc hiện nay đang là phụ nữ kia mà?

Bùi Thúy Hạnh

>> Chồng khờ
>> Vợ chồng không… chính chủ
>> Đồng vợ đồng chồng giảm 225 kg

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.