Hậu Giang: Nuôi heo trên đệm lót bã mía

15/04/2013 10:45 GMT+7

Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hậu Giang là đơn vị đầu tiên ở ĐBSCL áp dụng thành công mô hình chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học bằng bã mía, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Dùng bã mía làm đệm lót

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết  trong một lần giao ban trực tuyến ngành nông nghiệp giữa các địa phương, có đề cập đến mô hình nuôi heo sử dụng mạt cưa làm đệm lót sinh học ở Hà Nam khá thành công, nên Sở đã tổ chức đoàn ra tận nơi trực tiếp tham quan. Sau đó, thay vì sử dụng mạt cưa, chúng tôi triển khai thực hiện mô hình theo phương pháp cải tiến: thay thế bằng bã mía. Đây là nguồn vật liệu rất dồi dào và dễ mua tại Hậu Giang, giá thành lại rẻ hơn so với mạt cưa.

Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, cho biết: “Đệm lót làm bằng trấu và bã mía đã được trung tâm đưa vào sử dụng thử nghiệm, bước đầu cho thấy hệ sinh vật trong đệm lót vẫn hoạt động tốt, chuồng nuôi không có mùi hôi từ chất thải của heo. Tháng 8.2012, mô hình này đã được triển khai nuôi tại trung tâm”.

Để làm đệm lót cho 20 m2 nền chuồng có độ dày 60 cm cần có 70 bao trấu, 40 bao bã mía, 30 kg cám mịn, 2 kg chế phẩm Balasa N01, bạt cao su, thùng ủ men 200 lít... Sau khi ủ dịch men, trộn bột men và tạo lớp đệm xong, đậy kín toàn bộ bề mặt bằng bạt cao su, sau 3 ngày tiến hành thả heo vào nuôi. Tuổi thọ của lớp đệm tùy thuộc vào chất liệu làm đệm và phương pháp bảo dưỡng mà có thể kéo dài từ 2 - 3 năm. Qua quá trình nuôi thấy rằng, nước tiểu của heo thấm vào lớp đệm và phân thải của heo được vùi vào lớp đệm thông qua hoạt động ủ. Toàn bộ chất thải được hệ vi sinh vật phân hủy ngay nên không có mùi hôi.

Thêm một cái lợi nữa là phần bã mía sau khi sử dụng làm đệm lót cho heo sẽ trở thành mùn bã hữu cơ vi sinh vật (giống như phân vi sinh, giá khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg), làm phân bón hữu ích cho cây trồng.

Hậu Giang: Nuôi heo trên đệm lót bã mía
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (thứ 4 từ phải sang) tham quan mô hình nuôi heo tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hậu Giang

Hiệu quả kinh tế

Theo ông Lư Xuân Hội, qua kết quả thu thập được cho thấy chỉ số nuôi heo theo mô hình đệm lót sinh học chiếm ưu thế hơn nuôi heo theo phương thức thông thường. Kết quả bước đầu hết sức khả quan, heo tăng trọng nhanh hơn 19,2% và lượng thức ăn giảm 11,6% so với nuôi theo cách thông thường. Ngoài ra, nuôi heo theo mô hình này còn không tốn điện, giảm được 80% lượng nước sử dụng do không phải tắm heo hoặc dội rửa chuồng trại, công lao động cũng giảm được 60%.

Tỷ lệ tăng trọng bình quân của mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học là 0,87 kg/ngày, thức ăn là 2,98 kg/ngày; còn nuôi bình thường tăng trọng là 0,73 kg/ngày, thức ăn đến 3,37 kg/ngày và giá thành chỉ có 31.186 đồng/kg, trong khi nuôi thông thường lên đến 35.878 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Đồng nhận định: “Với khả năng xử lý tốt mùi hôi chất thải của heo, chế phẩm vi sinh Balasa N01 đã mở ra một hướng mới cho nghề nuôi heo. Mô hình hoàn toàn có thể áp dụng tại các khu vực đông dân cư mà không gây mối lo về ô nhiễm môi trường.

Mới đây, trong chuyến tham quan mô hình này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã khen ngợi và chúc mừng Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã tìm ra một loại nguyên liệu vốn rất dồi dào trên địa bàn để thay thế cho mạt cưa. Phó Thủ tướng đề nghị Trung tâm tiếp tục theo dõi, nghiên cứu thêm trong thời gian tới, từng bước thay thế để nuôi đạt hiệu quả cao nhất; đồng thời cũng đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang cần quan tâm, theo dõi và phát triển mô hình thực nghiệm này, hướng tới nhân rộng ra toàn tỉnh.

Nguyễn Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.