Hài cười không nổi

16/04/2013 03:05 GMT+7

Sân khấu hài mỗi năm mỗi nhạt dần bởi kèm theo tiếng cười là những màn diễn cười không nổi.

Diễn hài thường phải sử dụng thật nhiều mảng miếng và cần cường điệu thì khán giả mới bật ra tiếng cười. Nhiều nghệ sĩ “cao thủ”, diễn trầm trầm mà vẫn làm người xem khoái chí, kiểu như quái kiệt Ba Vân, Tư Rọm, Hoàng Giang ngày xưa, bây giờ thì NSƯT Việt Anh, NSƯT Thành Hội, Lê Bình. Hoặc kiểu hài hoạt náo nhưng làm khán giả vừa cười vừa khóc như NSND Ngọc Giàu, Hồng Nga… Ngược lại, có quá nhiều nghệ sĩ, diễn viên lạm dụng ngôn ngữ và hình thể để gây cười. Và khi ngôn ngữ, hình thể gần như bão hòa thì họ xoay qua tìm những trò diễn khá “phô” để câu khách. Những trò này khiến sân khấu giảm đi tính thẩm mỹ, nhiều khán giả phải đỏ mặt.

Hài cười không nổi
Trong vở Mẹ ơi (Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM) nghệ sĩ Lê Bình đã diễn hài rất tử tế mà khán giả vẫn cười nghiêng ngả - Ảnh: H.K

Mới đây, có vở, nam diễn viên lấy bàn tay vỗ vỗ vào mông để chọc cười khán giả. Vở khác, có nhân vật bị câm nhưng chỉ ú ớ được hai âm “ù á”, nghe y như tiếng chửi thề. Các nhân vật khác trong vở sợ khán giả không hiểu hay sao mà còn cố tình nói: “Tao tưởng mày chửi thề chứ”. Thế rồi cậu bé nọ cứ “ù á” liên tục trong những lớp diễn, khoảng chừng vài chục lần. Mỗi lần phát âm, thấy khán giả cười ré lên thì cậu ta lại phát âm tiếp nữa.

Những màn đưa cánh tay lên cho người kia sặc sụa vì mùi hôi nách thì nhiều vở đã sử dụng trong nhiều năm. Hoặc nhân vật A nói chuyện thì nhân vật B chùi mặt vì bị… phun nước miếng. Ngoài đời kiếm một người bị hôi nách hoặc phun nước miếng đâu có dễ, vậy mà vô xem kịch lại thấy hoài, lạ thật! Nghĩa là phải phô trương cái xấu xa nhất trên thân thể con người ra mới gọi là hài? Đó là chưa kể những màn song tấu, tam tấu ngắn với kịch bản vô vị, nhạt nhẽo, thiếu đầu tư chiều sâu làm khán giả dần quay lưng với sân khấu hài.

Khán giả khó chịu vì đi xem nghệ thuật là để thưởng thức những cái đẹp, vun bồi chân thiện mỹ cho mình, nhưng không ngờ lại bị ép cho xem những sản phẩm khiến bị “ngộ độc”. Thực ra, nghệ thuật cũng có lúc phải thể hiện cái xấu, nhưng nó chỉ đắc địa khi chi tiết đó phục vụ cho nội dung, cho tính cách, tâm lý nhân vật. Chẳng hạn, trong vở Chuyện bây giờ mới kể tại Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM cách đây gần 20 năm, nhân vật Năm Biền (NSƯT Thành Hội đóng) đã có cách tỏ tình độc đáo bằng câu nói bật ra bất ngờ: “Đ.mẹ, tôi yêu em!”. Rõ ràng là câu chửi thề, nhưng không phải chửi thề, không thấy tục, mà chỉ bật lên tính cách nông dân chân thật, dữ dội của Năm Biền, để dẫn tới một cuộc đấu tranh chống tiêu cực không khoan nhượng. Khán giả thừa thông minh để phân biệt đâu là chi tiết xấu nhưng lại thẩm mỹ.

Nhiều tác giả thật sự ngượng khi nhìn thấy “đứa con kịch bản” của mình bị thêm thắt quá nhiều chi tiết phô như thế, có khi nhìn không ra đó là “con mình”. Nhưng biết sao được, vì đạo diễn và diễn viên có thể gia công vào đó mà không cần đếm xỉa tới cảm nhận của tác giả. Chuyện đầu tư dàn dựng lại cực kỳ tế nhị trong thời buổi khó khăn này, nên nhiều tác giả đành chép miệng cho qua.

Hoàng Kim

>> NSƯT Việt Anh: “Hà tiện lời động viên, tôi mất vợ”
>> NSƯT Thành Hội: "Sinh ra đã lọt vô hũ mắm
>> NSND Ngọc Giàu: Phải chi có một khán phòng nhỏ... 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.