Nông dân công nghệ cao - Kỳ 12: Thành công với rau trên cát

13/04/2013 03:02 GMT+7

Trên diện tích chỉ 2.500 m2, ông Trịnh Tấn Ưu (56 tuổi, trú thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, H.Thăng Bình, Quảng Nam) có thể sản xuất gần 4 tấn rau/tháng, doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

 

Điện thoại của ông Trịnh Tấn Ưu: 0903586065

Bình Triều là một vùng cát trắng bỏng chân vào mùa hè. Người dân ở đây bao đời nay gắn bó với nghề trồng rau nhưng vẫn không khá được vì thiếu kỹ thuật, đất đai không được màu mỡ. Cũng như bao người nông dân khác, ông Ưu bắt đầu trồng rau từ năm 1985 với sản lượng chỉ hơn 2 tấn rau/tháng, chi phí cho hạt giống, nhân công, phân bón… đã chiếm hết 70% doanh thu nên tiền lãi mỗi năm ông thu về không đáng là bao. “Không thể luẩn quẩn với cách canh tác cũ mãi được, năm 1990, tôi tự xây dựng cho mình một quy trình trồng rau theo hướng sạch và an toàn. Qua đó, tôi đã đầu tư hệ thống lưới che, mua giống mới để gieo trồng… Áp dụng khoa học trong từng công đoạn”, ông Ưu cho biết.

Theo ông Ưu, nếu làm được rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng thì người trồng rau sẽ sớm khẳng định được thương hiệu và làm ăn bền vững hơn. “Cũng là bó rau nhưng bó rau được đóng gói sau sơ chế, được dán nhãn mác, nguồn gốc… thì có giá trị lớn hơn. Sau nhiều năm trồng rau, tôi nhận thấy, nếu trồng có kế hoạch thì rau ra thị trường tiêu thụ rất nhanh. Trồng rau sạch không lo bị ế...”, ông Ưu nói.

Áp dụng quy trình mới, thời gian trồng rau rút ngắn nhờ được che chắn cẩn thận bằng lưới nên trên diện tích 2.500 m2 đất cát, ông Ưu có thể sản xuất được trên dưới 40 lứa rau mầm (7-8 ngày tuổi/lứa) mỗi năm. Các loại rau thông thường như cải thìa, cải bẹ, rau gia vị… vẫn trồng được trong khoảng thời gian trái vụ (mùa khô hạn) nên số lần canh tác đã tăng lên 12 lứa/năm (trước đây chỉ khoảng 8 lứa). “Ở vùng cát trắng quê tôi, có thể kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm đâu có dễ, nhưng nhờ trồng rau theo quy trình kỹ thuật đúng hướng nên tôi đã nuôi được các con ăn học đàng hoàng, nhà cửa khang trang”, ông Ưu tâm sự.

Nông dân công nghệ cao
Vườn rau sạch của ông Ưu cho doanh thu cao vì được áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt - Ảnh: Hoàng Sơn

Năm 2010, ông Ưu được chính quyền địa phương chọn thí điểm mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).

“Trồng rau trên đất cát khổ nhất là về mùa hạn khi mạch nước bắt đầu cạn kiệt. Tuy nhiên nhờ đào hố tích nước, khoan giếng… nên tôi vẫn đảm bảo nguồn nước cho rau. Ngoài ra, để tiết kiệm nước vào mùa khô, người trồng rau trên cát nên chủ động lắp đặt hệ thống tưới phun sương”, ông Ưu chia sẻ. Theo ông, một khi áp dụng trồng rau theo chuẩn VietGAP, người nông dân có thể tiếp cận được nhiều kỹ thuật mới trong cách gieo, làm đất. Tuy nhiên theo kinh nghiệm bản thân, ông cho rằng hai khâu quan trọng cần lưu ý là: làm đất và xử lý phân bón. Để an toàn cho người sử dụng và trong quá trình vận chuyển rau không bị hư hại, trước khi bón phân chuồng cho rau, người làm vườn phải phơi loại phân này cho mục rã để giảm lượng đạm. Ngoài ra, để cây sinh trưởng tốt, sau khi thu hoạch rau xong, phải vệ sinh luống kỹ, rải vôi, làm và phơi đất… Cùng với đó, để “cắt” nguồn sâu bệnh cần phải luân canh giống rau… “Nhờ làm ăn uy tín mà rau tôi trồng đã có một công ty bao tiêu sản phẩm. Sức khỏe hạn chế nhưng tôi chưa cho đất “nghỉ” được, vì mới đây qua mạng internet, tôi lại nhận thêm mấy đơn hàng…”, ông Ưu phấn khởi kể.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.