Giải cứu thú hoang

14/04/2013 04:00 GMT+7

Giữa lưng chừng Hòn Me (xã Thổ Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang), có một khu vườn riêng biệt, nơi nhiều thú hoang “làm lại cuộc đời”. Đây là khu cứu hộ động vật hoang dã do Tổ chức WAR (Wildlife At Risk) tại Việt Nam và tỉnh Kiên Giang phối hợp hoạt động.

“Làm lại cuộc đời”

Mấy tháng trước, khi lọt bẫy cánh thợ rừng rồi bị mang bêu bán ở chợ Kiên Lương, voọc bạc Snapper có lẽ đã giống như những con vật xấu số khác nếu không được lực lượng kiểm lâm giải cứu kịp thời rồi mang về đây. Anh Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc điều hành Tổ chức WAR tại Việt Nam, nhớ lại: “Snapper dính bẫy bị thương rất nặng. Gần như chỉ chờ chết thôi. Các bác sĩ thú y phải mất hơn một tuần cứu chữa... Chúng tôi phải  lo thuốc men, thay phiên thức canh giấc ngủ, đắp mền giữ ấm, cân bằng dinh dưỡng cho đến khi con thú tội nghiệp phục hồi”. Trong khu vườn rộng 3 ha, những gã bốn chân hạnh phúc được xem là may mắn khi được đưa đến đây, nơi chúng biết được lòng tốt của con người.

Những ngày khủng khiếp đã qua, Snapper trở lại như đứa trẻ hiếu động, ham chạy nhảy. Nó phấn chấn lên khi nhận món quà đầu tiên do con người tặng: một con thú nhồi bông hình… vượn; nó được cất một “nhà” riêng, được làm cầu thang riêng để leo trèo... Một gia đình người Úc khi đến đây gặp con voọc xám tội nghiệp đã nhận “đỡ đầu” cho nó, đặt cho nó một cái tên. Snapper giờ là thành viên được ưu ái trong khu vườn vì so với nhiều con vượn khác tại đây, nó vẫn đang là “trẻ em”.

 
Mẹ con khỉ mặt đỏ vừa chào đời tại khu cứu hộ

 
Khi mới giải thoát đưa về đây, nhiều cá thể gấu trong tình trạng sức khỏe suy kiệt - Ảnh: Tiến Trình

Những voọc Snapper, cu li Ja Mal, hay gấu Macca... được đưa đến đây từ nhiều vùng đất khác nhau. Nhưng chúng có chung số phận là đều trải qua những ngày bị hành hạ, bị khai thác, bị rao bán, nhiều con vật sắp trở thành món ăn... Khi được đưa qua cánh cổng lớn giữa lưng chừng Hòn Me kèm theo tiểu sử đáng thương, nhiều động vật hoang dã đã thật sự “đổi đời”. Việc của Khôi và các cộng sự là hiểu được “lai lịch” của từng con, để ngoài việc chăm sóc sức khỏe, còn giúp chúng hồi phục trạng thái tâm lý bình thường.

“Nhiều con vật được giải cứu đưa về đây là những câu chuyện dài”, Khôi nói và cho biết trong số gần 100 cá thể tại khu vườn này thì cũng có chừng ấy những số phận, những câu chuyện. Như chuyện con cá sấu nước ngọt bị người dân ở Hòn Đất tóm được trên sông. Khi lực lượng cứu hộ động vật hoang dã đến xin tiếp nhận thì chỉ gặp những cái lắc đầu. Nhiều lần thuyết phục không được, anh em phải nhờ đến kiểm lâm can thiệp lúc con vật sắp bị xẻ thịt. Như gã chim già quý hiếm khi được giải cứu đã bị bẻ xương đôi cánh để vĩnh viễn không bay được; hay đám gấu bị nuôi lấy mật được đưa về đây đều trong tình trạng sức khỏe nguy cấp... Khi mới được giải cứu, hầu hết chúng đều rất sợ con người. Bởi ấn tượng từ những ngày đọa đày đã in đậm vào chúng. Phải mất một thời gian dài các con vật mới cảm nhận những người tại khu vườn này không làm hại chúng.

Rồi cũng phải mất thêm một thời gian nữa các con vật này mới bắt đầu cảm nhận được chúng đang được đối xử tốt. Điển hình nhất tại đây có lẽ là lũ gấu. Bởi trước đó, phần nhiều những con gấu bị nuôi nhốt để lấy mật hoặc sắp bị xẻ thịt cũng đều bị ngược đãi, sống trong sự oán giận con người. Nhiều con khi đến đây đã “bất hợp tác”, kêu gào thảm thiết... Một thời gian, khi chúng được cho ăn đầy đủ, phục hồi sức khỏe và không bị chích thuốc mê để lấy mật, lũ gấu mới bắt đầu chấp nhận một cuộc sống khác. Không gian khác, thời khóa biểu không có khoảng thời gian bị mê man để rồi tỉnh dậy trong đau đớn và giận dữ. Chúng có cả khuôn viên mà các anh em ở đây vẫn gọi là “công viên gấu”, nơi có những vật dụng leo trèo, các trò chơi... được thiết kế đặc trưng cho gấu. Khu gấu có cửa thông nhau để các gấu có thể “giao lưu”. Trừ những con “kỵ rơ” gặp là đánh nhau, những cá thể gấu hạp nhau đều được tạo điều kiện để ghép bầy.

Quyền của thú

“Công việc của chúng tôi không chỉ là cứu hộ, nuôi dưỡng mà tạo điều kiện để các con vật ở đây được sống gần với môi trường tự nhiên nhất”, Khôi cho biết. Thế nhưng, không phải loài vật nào cũng có thể tái hòa nhập được. Điển hình như loài gấu, không thể đưa chúng về với điều kiện sống hoang dã được. Một số loài khác như cu li, nhím, rùa quý hiếm... thì có khác hơn. Một vài gã được thả rông trong khuôn viên; một vài gã được cho “ra riêng”; một vài gã khác thì được hòa nhập với bầy đàn.

“Khó khăn nhất là việc giúp một con vật “tái hòa nhập”. Bởi trong điều kiện tự nhiên, các con vật chưa hẳn đã “ưa” nhau, bởi thói “cát cứ”, tranh giành lãnh địa, bạn tình, thức ăn... khiến các con vật hay “tẩy chay” nhau. Anh Bùi Hữu Mạnh, cán bộ bảo tồn của Tổ chức WAR, kể như vọc

Snapper khi  bình phục chấn thương, mọi người đã thử đưa nó tới gần bầy voọc đang sinh sống tại đây thì ngay lập tức nó bị “đánh hội đồng”. Tới giờ, tuy đã trở lại trạng thái bình thường nhưng Snapper vẫn chịu cảnh “sống riêng”.

Chính thức mở cửa hoạt động từ tháng 7.2012, Khu cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me với chức năng chính là tập trung ưu tiên cứu hộ động vật hoang dã, quý hiếm trong khu vực ĐBSCL. Hiện có nhiều loài vật quý hiếm đặc trưng của vùng, các loài vật nằm trong sách đỏ đã có mặt tại đây. Ngoài việc tạo cho các loài vật ở đây có môi trường sống gần với thiên nhiên, khu vườn còn đòi hỏi tuyệt đối an toàn và vệ sinh. Hiện tại, các cư dân bốn chân ở đây được duy trì chế độ ăn “đáng ghen tị” với mức 5 USD/con/ngày.

Ông Lê Văn Nhỏ, một nông dân nhường đất để xây dựng khu vườn, được mời ở lại làm việc, bộc bạch: “Tui đi mua thức ăn cho thú mà người dân cứ chọc là mua về... làm tiệc”. Thức ăn phải có nguồn gốc, bảo đảm an toàn, mua về phải xử lý vệ sinh rất kỹ. “Riết rồi người ta nói “tụi nó” (các con thú) ở đây quá sướng…”, ông Tư Nhỏ nói vui. Với tính chất hoạt động phi lợi nhuận của mình, để duy trì cứu hộ, nuôi dưỡng thú ở “mức sống cao”, khu cứu hộ này phải hoạt động với kinh phí hoàn toàn dựa vào đóng góp của những người yêu động vật trên khắp thế giới. Nhiều nhà tài trợ nhận “đỡ đầu” cho các con vật, đặt tên cho chúng gần gũi với mình; nhiều người tình nguyện đến vùng hẻo lánh này để giúp chăm sóc cho các con vật...  “Tình yêu động vật của con người giúp loài vật có cuộc sống tốt hơn”, Khôi bảo. “Mỗi khi có con vật nào ngã bệnh, anh em ở đây phải thay nhau thức canh sáng đêm là chuyện bình thường”. Vừa rồi, có con gấu lớn tuổi ngã bệnh mấy ngày, anh em phải thức canh mấy ngày liền, nhưng rồi nó cũng không qua khỏi. “Mỗi khi làm thủ tục khai tử cho một cư dân bốn chân nào ở đây đều là sự kiện buồn và nhiêu khê”, anh Khôi tâm sự. Mỗi khi có con vật không may, người ta phải mổ tử thi để xác định nguyên nhân cái chết, lập biên bản, phải có nhân chứng chứng kiến vụ việc, tiến hình xử lý xác...

Hôm chúng tôi tới, Khôi mừng rỡ khoe khu vườn vừa có thêm một thành viên mới. Đây là thành viên đầu tiên không từng trải qua những ngày đau khổ. Số là có một gã khỉ mặt đỏ ở U Minh Thượng được kiểm lâm giải cứu thả về rừng. Nhưng nó lại bị đám khỉ đuôi dài đánh phải chạy vào khu du lịch. Chú khỉ được đưa về đây, cùng lúc tại khu bảo tồn ở Củ Chi có tiếp nhận con khỉ cái. Được “ghép đôi” hồi tháng 7 năm rồi, tháng trước đôi khỉ này đã cho ra đời chú khỉ con trong niềm vui của các thành viên làm việc tại khu cứu hộ.

“Loài vật cũng có những quyền cơ bản của chúng”, Khôi bảo rằng việc mình và các cộng sự đang làm là mang lại cho những con vật tại đây được tận hưởng quyền lợi mà một con thú có thể có.

Tiến Trình

>> Thả hơn 210 cá thể động vật quý hiếm về thiên nhiên
>> Bắt vụ vận chuyển 15 kg xương động vật quý hiếm
>> Vận chuyển động vật hoang dã từ Lào vào Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.