Sao dễ bỏ cuộc? - Kỳ 3: Cần kiên nhẫn vượt khó

13/04/2013 00:05 GMT+7

Trong những cuộc nói chuyện gần đây với sinh viên, trả lời thắc mắc về bí quyết tạo nên thành công, GS Ngô Bảo Châu luôn khẳng định: “Tôi không có bí quyết nào cả. Phương pháp của tôi chỉ tóm tắt trong 3 từ: đam mê, kỷ luật và quả cảm”.

>> Sao dễ bỏ cuộc? - Kỳ 2: Sớm nở tối tàn
>> Sao dễ bỏ cuộc ?

Ông cũng tỏ ra rất tâm lý và thực tế khi nhắn nhủ rằng: “Ở mỗi người, sự đam mê và chán nản là những chu kỳ sinh học bình thường. Nhưng nếu chán nản mà buông tay thì thật đáng tiếc vì sau đó rất khó để quay lại với sự đam mê”.

Trên thực tế, có những việc thôi thúc chúng ta làm bởi sự ưa thích, đam mê. Song, cũng có không ít việc chúng ta tự buộc bản thân mình phải làm, vì một mục đích tốt đẹp hướng đến như cai thuốc lá, dậy sớm tập thể dục để rèn luyện sức khỏe… Dù có đam mê hay không thì tính kỷ luật và ý chí, nghị lực cũng là những yếu tố không thể thiếu trong quá trình chinh phục mục tiêu.

 Sao dễ bỏ cuộc? - Kỳ 3: Cần kiên nhẫn vượt khó
“Đèo cao thì mặc đèo cao - Trèo lên đến đỉnh, ta cao hơn đèo” - Ảnh: Lê Thanh

Nguyễn Thị Tuyết Trinh, học sinh lớp 9, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho hay sau khi thấy em trai mình trải nghiệm chương trình Học kỳ quân đội trở về với những thay đổi tích cực, Trinh háo hức xin mẹ cho tham gia. Đối diện với những gian khó, ban đầu Trinh cảm thấy bứt rứt, khó chịu bởi bị “quăng” ra khỏi những tiện nghi quen thuộc như máy lạnh, chăn êm nệm ấm, internet, điện thoại di động… “Với suy nghĩ người ta làm được thì mình cũng làm được, dần dần em đã thích nghi. Nhờ đó, em có cơ hội sửa đổi một số thói quen chưa hay, chưa tốt”, Tuyết Trinh chia sẻ.

 

Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhưng khi chiến thắng những dốc ghềnh của cuộc sống, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn và càng quý trọng hơn những cơ hội mà chúng ta có được

Nick Vujicic (Úc)

Mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan, Trưởng bộ môn aikido, Trung tâm TDTT Q.3, TP.HCM vẫn luôn tận tụy gắn bó, gây dựng những lớp dạy miễn phí võ aikido cho thanh thiếu niên khuyết tật. Mấy ai hay rằng, vào năm 2005, khi nhận được lời đề nghị dạy võ cho người khiếm thị và người bị down, bà đã trải qua nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, lo âu. Bởi lẽ, trong suốt 44 năm đứng lớp trước đó, bà chưa từng dạy những học viên đặc biệt như thế. Tuy nhiên, với tình thương vô hạn dành cho các em và nghị lực phi thường, đến nay võ sư Thanh Loan đã dạy võ cho hàng trăm trẻ khuyết tật. Bên cạnh công lớn của võ sư Thanh Loan còn có sự cố gắng vượt bậc của chính bản thân các em và những phụ huynh luôn theo sát con em mình. Tất cả cùng nhau tạo nên những thay đổi tưởng như nhỏ nhoi đối với người khác, song lại là kỳ tích đáng khâm phục đối với trẻ khuyết tật, nhất là các em khiếm thị hoặc bị thiểu năng trí tuệ. 

Nick Vujicic, chàng thanh niên người Úc 31 tuổi, khi mới lọt lòng mẹ đã chịu cảnh nghiệt ngã không có tay lẫn chân. Sau nhiều lần vật vã trong tuyệt vọng, muốn tự tử để giải thoát, cuối cùng Nick nhận ra những giá trị sống của bản thân. Nick đã mang bầu nhiệt huyết của mình đi truyền cảm hứng cho hàng triệu triệu người trên khắp thế giới.

Trong mấy tháng đầu năm nay, một nhà xuất bản ở TP.HCM đã phát hành hai quyển sách của Nick Vujicic là Life Without Limits (Cuộc sống không giới hạn) và Unstoppable (Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng). Trong đó, Nick chia sẻ: “Nếu bạn là người đang phải đương đầu với khó khăn và thất bại mỗi ngày, thì xin hãy luôn nhớ rằng phía trước những cuộc vật lộn ấy là một mục đích sống đang đón đợi. Và mục đích sống ấy còn vượt xa những gì ta hằng hình dung”. Anh còn gửi gắm thông điệp: “Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhưng khi chiến thắng những dốc ghềnh của cuộc sống, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn và càng quý trọng hơn những cơ hội mà chúng ta có được”.

Xem như bài học quý

Nếu chẳng may bạn bị thất bại thì cũng đừng nhụt chí và sợ hãi. Bạn hãy xem đó như một bài học quý để trui rèn bản thân. Đừng bao giờ gục ngã và sợ hãi trước thất bại để từ bỏ ước mơ. Khi đã nếm trải những thất bại ban đầu, ắt hẳn bạn sẽ có kinh nghiệm để tiến đến thành công.

Lý Hớn Thuận
(Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Phú Thông, Q.8, TP.HCM)

Chậm mà chắc

Không nên đặt mục tiêu quá cao, quá gấp gáp khi bạn quyết định làm một cái gì đó. Ví dụ, với việc học bơi, bạn đừng bắt buộc mình phải biết bơi trong vòng 15 ngày, 1 tháng bởi nếu qua thời gian đó, bạn thấy mình vẫn ì ạch thì dễ mệt mỏi mà bỏ cuộc. Cứ từ từ đúng với sức lực của mình, chậm mà chắc còn hơn gấp gáp mà hỏng việc.

Ngọc Nga
(Nhân viên bán hàng, Q.Bình Thạnh)

L.Thanh - M.Quyên (ghi)

Để không bỏ cuộc nửa chừng

Rất nhiều người muốn chinh phục các mục tiêu trong đời nhưng nhiều lúc đã phải buông tay bỏ cuộc. Hãy tìm câu trả lời cho các câu hỏi sau, và bạn sẽ không bao giờ phải trăn trở về chuyện bỏ cuộc hay đi đến tận cùng nữa.

Đặt mục tiêu thế nào để có thể đạt được? Não bạn chỉ làm việc hiệu quả khi có những thông tin hay yêu cầu thật sự rõ ràng. Vì  thế, cách mà bạn đặt mục tiêu phải đáp ứng được tiêu chí hoạt động của não: có đầy đủ dữ liệu để hình dung và cài đặt chương trình hành động nhắm thẳng tới mục tiêu.

Mục tiêu đó có thật sự là điều cần thiết với bạn, cho bạn không? Bạn phải xác định rõ ràng mục tiêu vạch ra có phải, có nên, có đáng, có cần cho mình hay không. Điều này giúp bạn hoặc từ bỏ ngay từ đầu để không phải loay hoay mất thời gian và công sức, hoặc sẽ có động lực để vượt qua khi khó khăn hay thách thức xuất hiện.

Tóm lại, mục tiêu đó phải xuất phát từ một động cơ quan trọng nào đó của bạn, hoặc bạn phải tìm ra những lý do đủ mạnh thì bạn mới có thể theo đuổi tới cùng.

Phải làm gì bây giờ? Ngồi viết ra mục tiêu và hình dung những kết quả mình sẽ đạt được luôn mang lại cho chúng ta sự hào hứng. Bạn phải viết ra cho được những điều bạn cần thực hiện thật chi tiết trong từng tháng, từng tuần, thậm chí là từng ngày. Khi đã cầm bảng kế hoạch hành động trong tay, bạn sẽ không còn cảm thấy áp lực và lo lắng về kết quả cuối cùng nữa. Lúc này, điều bạn cần bận tâm duy nhất là làm sao hoàn thành tốt nhất những việc cần làm trong ngày mà thôi. Và nếu làm được như vậy thì đồng nghĩa với việc mỗi ngày bạn đang tiến gần hơn mục tiêu của mình.

Năng lượng của tôi ở đâu? Theo đuổi mục tiêu không phải là chuyện ngày một ngày hai mà thành. Đó là một hành trình mà  bạn phải luôn có đủ năng lượng và tốt nhất là năng lượng luôn ở mức dồi dào. Năng lượng ấy đến từ việc bạn biết nhìn ra những thành quả mà bạn đạt được trên từng chặng đường, thậm chí là trong từng công việc mà bạn hoàn thành tốt trong ngày. Hãy biết tự khích lệ bản thân! Nếu một lúc nào đó bạn thấy mỏi mệt, hãy nhìn về phần thưởng ở cuối chặng đường để bạn có thêm sức mạnh...

Quách Tuấn Khanh 

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.