Gian nan xử lý “điện tặc”

12/04/2013 15:28 GMT+7

Quyết tâm ngăn chặn nạn ăn cắp điện của nhiều đoàn công tác đã bị cản trở, thậm chí bị hành hung khi thi hành nhiệm vụ.

Ông Bùi Quang Thuật, Phó phòng kiểm tra, giám sát mua bán điện (Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương) nhớ lại: “Cách đây vài năm, chúng tôi phát hiện một xã của H.Thanh Miện tổn thất điện nhiều bất thường. Sau khi khoanh vùng, một đoàn công tác đã xuống địa phương để xác minh và lập biên bản những đối tượng trộm điện nhưng một số người địa phương đã nhốt các thành viên đoàn công tác trong nhà. Đoàn đã phải nhờ Công an tỉnh Hải Dương can thiệp mới ra được”.

Năm 2011, H.Bình Giang cũng tổn thất điện năng cao nhất tỉnh. Xác định có gian lận, Điện lực Hải Dương phối hợp với cơ quan chức năng đến kiểm tra công tơ những hộ khả nghi. Tại đây, những người trộm điện đã thuê một đối tượng nghiện hút, có tiền án tiền sự ra dọa nạt, đe dọa tính mạng cả đoàn và không cho nhân viên ngành điện kiểm tra công tơ nhằm che giấu hành vi ăn cắp điện.


Vụ trộm điện tại H.Tứ Kỳ, Hải Dương được đưa ra xét xử là trường hợp hiếm hoi - Ảnh: Tiến Bùi

Đáng lên án nhất có lẽ là vụ hành hung dã man nhân viên điện lực mới đây tại Hà Nội. Cuối tháng 2.2013, tổ kiểm tra của Công ty Điện lực Thanh Oai do anh Nguyễn Hữu Huỳnh làm tổ trưởng đi kiểm tra tổn thất tại thôn Tê Quả, xã Tam Hưng, H.Thanh Oai.

Tại đây, tổ phát hiện gia đình chị Tạ Thị Hà câu móc điện trái phép. Sau khi nhắc nhở nhưng gia đình chị Hà không chấp hành, anh Huỳnh đã giật dây câu móc điện để chụp ảnh làm bằng chứng vi phạm. Lúc này, Tạ Huy Trường là em trai Hà đã kề dao vào cổ anh Huỳnh cướp máy ảnh. Chưa hết, Trường vừa chém vừa đâm tới tấp anh Huỳnh khiến nạn nhân hôn mê và phải cấp cứu tại Bệnh viện 103.

Cần các cơ quan chức năng sát cánh

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác kiểm tra, lập biên bản vi phạm trộm cắp điện, ông Trần Ngọc Quỳnh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng cho biết, một số quy định hiện hành đang gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp trộm cắp điện. Chẳng hạn, nhân viên điện lực không có quyền khám nhà của khách hàng, nên rất khó bắt quả tang hành vi gian lận. Trong quá trình làm việc, nhân viên điện lực thường bị khách hàng vi phạm dọa nạt, thậm chí bị hành hung.

Trong việc xử phạt, theo quy định tại Khoản 1, Điều 29, Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15.6.2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, trường hợp trộm cắp điện với số lượng trên 3.000 kW, ngành điện sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản. Song thực tế cho đến nay, chỉ có một số trường hợp được đưa ra xét xử hình sự, còn lại là xử phạt hành chính, chưa đủ tính răn đe.

Ông Bùi Quang Thuật nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong sử dụng điện. Hơn nữa, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương với ngành điện trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý kiên quyết theo đúng quy định của pháp luật”.

Theo EVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.