Trường quốc tế nào cho con ? - Kỳ 6: Một góc nhìn về giáo dục ở môi trường quốc tế

11/04/2013 06:00 GMT+7

Từ hơn hai thế kỷ trước, J.J.Rousseau - nhà văn và cũng là nhà tư tưởng vĩ đại người Pháp - khi chỉ ra cho chúng ta “nguyên lý cơ bản của một nền giáo dục tốt” trong tác phẩm Émile hay là về giáo dục, đã kêu gọi người lớn phải hiểu rõ trẻ em và biết tôn trọng chúng, trước khi bắt đầu việc giáo dục.

Ông phản đối gay gắt kiểu giáo dục mang tính áp đặt “…luôn tìm kiếm người lớn trong đứa trẻ mà không nghĩ về hiện trạng của đứa trẻ trước khi nó là người lớn”.

Trở lại với môi trường giáo dục ở Trường quốc tế Canada (CIS), có thể nhận thấy những thành công của nhà trường đã được bắt đầu từ một tầm nhìn tiến bộ về giáo dục, và những gì mà đội ngũ giáo viên tại CIS đang làm cho học sinh ngày hôm nay rất gần gũi với tư tưởng của Rousseau vĩ đại.

Từ triết lý giáo dục nhân văn và tiến bộ…

Triết lý giáo dục tại CIS rất giản dị: Tôn trọng học sinh và luôn lấy học sinh làm trung tâm. Đây không phải là một câu khẩu hiệu suông, dù rằng nghe có vẻ đã “cũ”. Tuy nhiên, trong một môi trường đa văn hóa như ở CIS, sự tôn trọng đối với học sinh không phải chỉ thể hiện một cách “cơ học” trong quan hệ giữa thầy và trò mà còn bao hàm yêu cầu phải tôn trọng cả nền văn hóa và bản sắc của dân tộc các em.  Đến nay, nhiều bậc cha mẹ tại CIS vẫn cảm thấy  thấm thía và thú vị trước câu trả lời của ông Harry Arena - Hiệu trưởng Khối tiểu học hệ quốc tế - cho một phụ huynh người Việt Nam khi vị phụ huynh này xin cho con “không phải” học tiếng Việt để được học thêm giờ tiếng Pháp: “Ở đây, chúng tôi có thể dạy cho con em quý vị biết tiếng Anh và thậm chí rất giỏi tiếng Anh, nhưng chúng tôi không bao giờ dạy cho các em trở thành người nước ngoài!”.

 Trường quốc tế Canada
Bà Deborah Chatsis, Đại sứ Canada tại Việt Nam (thứ hai từ phải sang), đang bấm nút khởi công giai đoạn 2 cụm học xá CIS Phú Mỹ Hưng - Ảnh: N.H

Còn nói về quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, ông Mark Fenwick - Tổng hiệu trưởng của hệ thống CIS - trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình FBNC như sau: “Đó thực sự là một triết lý. Những giáo viên từ Ontario của chúng tôi được đào tạo để dạy cho học sinh theo triết lý này. Các giáo viên sẽ làm việc với học sinh theo từng nhóm nhỏ và từng cá nhân. Khi triển khai giáo trình, chúng tôi có thể hiểu được nhu cầu cá nhân của từng học sinh, từ đó có thể thay đổi chương trình học… Ngoài mối tương tác mang tính quyết định giữa học sinh và giáo viên, các giáo viên còn có nhiệm vụ tạo dựng mối quan hệ tương tác giữa các học sinh với nhau… Việc tạo lập một “cộng đồng” trong môi trường học tập rất quan trọng để giúp học sinh thấy được giá trị của bản thân và từ đó các em đạt được những kết quả thành công trong việc học tập”.

 … Đến một “phong cách sư phạm” hiệu quả

Tại CIS, tất cả các giáo viên đều rất chú trọng tới mục tiêu giáo dục cho học sinh ý thức tự học. Các em sẽ được chủ động tham gia vào việc học, tự học hay làm việc trong những nhóm nhỏ, đặt câu hỏi, sử dụng công nghệ và các thiết bị hiện đại để tự bổ sung cho kiến thức của mình. Những người làm giáo dục ở CIS quan niệm rằng việc dạy cho học sinh biết cách tự tìm kiếm và đánh giá, chọn lọc kiến thức quan trọng hơn là dạy kiến thức cho các em. Trong mỗi lớp, các giáo viên đặc biệt chú ý hỗ trợ các học sinh nhút nhát, kém tự tin và luôn cố gắng tạo ra cơ hội để những em này chứng tỏ được khả năng tiềm tàng của bản thân mà vượt qua mặc cảm tự ti trước bạn bè.

Nói về phương pháp giảng dạy tại CIS, bà Susan Arena - giáo viên môn địa lý - chia sẻ kinh nghiệm từ chính lớp học của mình: “Các học sinh phải tự học và chọn những gì các em yêu thích. Chẳng hạn, các em có thể chọn một quốc gia mà mình yêu thích để nghiên cứu, sau đó thuyết trình về quốc gia đó. Vì tự chọn nên hầu hết học sinh đều rất hào hứng và có sự nhiệt tình cao độ”.

Từ triết lý giáo dục đến việc hình thành một “phong cách sư phạm”, đối với đội ngũ giáo viên dạy chương trình Ontario tại CIS, đó không phải là một quá trình khó khăn, bởi chính họ đã được đào tạo và lớn lên trong môi trường tương tự tại đất nước Canada. Đây là một lợi thế góp phần cơ bản, quan trọng vào sự thành công của “học hiệu” CIS tại Việt Nam trong suốt bốn năm qua.

Vũ Khánh

>> Trường Quốc tế nào cho con ? - Kỳ 5: Những “giờ học không bảng”và “lớp học không tường”
>> Trường quốc tế nào cho con ? - Kỳ 4: Để trẻ mê đọc sách
>> Trường quốc tế nào cho con? - Kỳ 3: Mô hình năng động về giáo dục nhân cách cho trẻ
>> Trường quốc tế nào cho con? - Kỳ 2: Khi sản phẩm là con người
>> Trường quốc tế nào cho con? - Kỳ 1: Đường đến đại học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.