Còn đó nỗi đau từ bom đạn

10/04/2013 10:25 GMT+7

Đến thôn 6, xã Hải Thái, huyện Gio Linh (Quảng Trị) ai cũng có thể nhận thấy ám ảnh của cuộc chiến tranh vẫn chưa lùi vào dĩ vãng.

Đào bom đổi gạo

Con đường đất đỏ chạy xuyên qua rừng cây cao su xanh um dẫn vào thôn 6. Thời chiến tranh, những quả đồi xung quanh thôn 6 là các căn cứ quân sự nổi tiếng của lính Mỹ như Cồn Tiên, đồi C2, đồi Máu, đồi Cù Đinh. Mỹ tập trung ở đây lực lượng lớn quân số cùng đạn dược nhằm cắt đứt đường tiến vào Nam của quân đội Bắc Việt, đồng thời chi viện cho căn cứ chiến lược Khe Sanh (Quảng Trị).

 Còn đó nỗi đau từ bom đạn
Ông Nguyễn Diễn cụt một chân trong lần lên vùng đất làm kinh tế mới - Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Lê Quang Thạnh, cán bộ LĐTB và XH xã Hải Thái không giấu nổi ký ức kinh hoàng từ các vụ nổ bom đạn tại thôn 6: “Cách đây hơn 8 năm, thôn này hầu như năm nào cũng có người chết. Có nhiều nhà chết đến ba, bốn anh em, số người chết rải rác, bị thương tích như cụt tay, hỏng chân thống kê không hết. Gần đây số người chết giảm xuống, nhưng thỉnh thoảng vẫn còn vài vụ!”.

 Năm 1975, đất nước hòa bình, lão nông Trần Nậy (75 tuổi) hòa vào dòng người lên vùng núi Hải Thái sinh cơ lập nghiệp. Ông Nậy sinh được 7 người con, 4 nam 3 nữ. Khi chúng tôi đến, căn nhà thiếu thốn của ông Nậy tràn ngập khói hương. Ông bảo ngày giỗ cho con trai chẳng có thứ gì ngoài vài nén nhang ấm áp. Một năm ba lần ông tổ chức cũng giỗ cho 3 người con, tất cả đều chết vì bom đạn Mỹ để lại.

Ông Trần Nậy nói: “Lên vùng kinh tế mới quần quật kiếm sống không đủ ăn. Con đông, cơm chưa đủ no bụng đói, sắn luộc chấm muối”. Đó là lý do chính giải thích vì sao ông Nậy cùng các con lại theo đội quân đào bom đạn, bất chấp hiểm nguy. “Thằng con đầu tiên của tui chết năm 1988, mới được 15 tuổi. Hôm đó nó vác cuốc xẻng cùng thằng anh cả lên Cồn Tiên đào bom. Nó đào được quả DKZ, loại này có gắn một đoạn bạc ở chóp đầu. Nó dùng cuốc gõ vào bom để gỡ ra. Bom nổ làm thằng em chết, thằng anh đứng bên miệng hố nhìn sang thì bị mảnh găm trúng bụng làm đứt nhiều khúc ruột. Năm 1990, thằng anh cả chết trong lúc cố gắng tháo ngòi nổ một quả đạn pháo. Cách đó năm ngày, ba vợ của nó từ dưới Vĩnh Linh lên Cồn Tiên cắt tranh, dẫm phải mìn nổ bay mất xác” - ông Nậy rươm rướm nước mắt kể lại. Năm 1991, đứa con thứ ba tên Trần Quốc Sự (17 tuổi) lìa đời sau tiếng nổ long trời từ quả đạn cối. Ba cái chết trẻ thương tâm thức tỉnh ông bỏ hẳn nghề tháo bom đạn thuê. Ra đồng, lên nương cuốc đất, hễ thấy quả gì hình thù giống quả bom bi hay lựu đạn, ông Nậy liền bỏ chạy tri hô rồi báo lên cho xã biết để tháo gỡ.

Nhà thuộc diện nghèo khó, ông Trần Nậy ngậm ngùi vì sống gần cuối đời người mà nợ nần còn chưa trả xong. Đó là số tiền nợ ông vay để mua áo quan đưa tiễn vong linh những đứa con xấu số.

Nỗi lo trong từng nhát cuốc

Trưởng thôn 6, ông Hoàng Văn Tùng cho biết, số liệu điều tra tai nạn bom mìn ghi nhận từ sau năm 1975 đến năm 2002, xã có 53 người chết, 35 người bị thương, chủ yếu tập trung ở thôn 6. Có thể nói thôn 6 là thôn có số người chết vì bom mìn nhiều nhất tỉnh Quảng Trị. Ông Tùng cho hay: “Thôn này ước tính đến 70% người dân trước đây từng đào bom, gỡ đạn. Nghề này nổi lên như một phong trào. Một khi bom nổ thì khả năng chết nhiều hơn bị thương”.

Nhà ông Nguyễn Văn Bình (53 tuổi) nằm khuất sau hàng cao su, trước hiên nhà còn đặt vỏ một quả bom rỉ sét, vài ống đạn pháo sáng màu đồng. Từ ngày ba người em trai chết mất xác ở đồi Máu, ông Bình trở nên ít nói, thường uống rượu giải khuây. “Biết nghề đào bom tháo đạn, sự sống quá mong manh. Nhưng cả làng cả xã người ta vác cuốc xẻng đi làm. Mình ngồi nhà không đi thì ngày mai biết lấy gì bỏ miệng, nuôi vợ con” - ông Bình nói. Ba anh em trai ông mất cùng lúc vào năm 1991, ở ngọn đồi cách nhà ông chưa đến một cây số. Mấy ngày qua ông Bình gắng chạy giấy tờ xin hộ nghèo vì đông con, có đứa cháu bị bệnh tim nặng. Nhưng bên xã chỉ chịu ký cho ông hộ cận nghèo, ông Bình buồn thiu. Ông bảo bây giờ đồi Máu có rải đầy bom Mỹ thì cũng chẳng dám bén mảng đến nghề. Mà cũng nhờ nghề rà bom phá đạn nên vùng đất này bây giờ mới bạt ngàn cây cao su xanh tốt đó thôi!.

Đến thôn 6 hỏi nhà cựu binh Nguyễn Diễn (53 tuổi) ai cũng biết. Đơn giản vì ông là người chỉ còn một chân, hai lần bị bom nổ nhưng may mắn thoát chết. “Bây giờ không ai chắc chắn dưới đất hết sạch bom đạn của Mỹ. Còn cách đây chừng 10 năm thì bom nhiều hơn khoai nữa”- ông Diễn cười buồn. Ông Diễn tham gia bộ đội chiến đấu tại Quảng Trị. Rời quân ngũ, năm 1977, ông bị mìn M14 nổ làm mù một mắt. Năm 1982, ông lên Cồn Tiên đốn củi lại dẫm trúng mìn M14 tiện đứt hẳn một chân. Trở thành người tàn phế nhưng ông quyết tâm đổ mồ hôi công sức để trồng xanh những quả đồi trơ trọi.

Bao năm làm trưởng thôn, ông Hoàng Văn Tùng đón đưa không biết bao nhiêu đoàn thể, tổ chức liên quan đến bom mìn tới rồi đi. Ông chỉ mong ước một điều, mỗi nhát cuốc người dân quê ông xới sâu lòng đất được an toàn mà không phải nghe bất kỳ tiếng bom nổ nào giữa thời bình này.

Nguyễn Thanh Tuấn

>> 300 năm nữa Việt Nam mới phá hết bom mìn
>> Trưng bày các loại bom, mìn, đạn trong chiến tranh
>> Xử lý xong hơn 600 quả đạn, mìn ở hầm bom “khủng”
>> “Bom tấn” giữa khu công nghiệp
>> Hoàn thành rà phá bom mìn khu vực sân bay Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.