Chặt đứt các đường dây ma túy qua sân bay - Kỳ 2: Cuộc chiến “mò kim đáy bể”

10/04/2013 03:29 GMT+7

Việc phá nhiều đường dây vận chuyển ma túy với số lượng lớn tại sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy cuộc chiến chống ma túy tại cửa khẩu quan trọng này luôn nóng bỏng và chưa có hồi kết.

Áp lực đè nặng

Thẩm quyền, chức năng, kế hoạch phối hợp với các bộ ngành khác, trang thiết bị còn thiếu... khiến công tác phòng chống ma túy ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đang ở thế khó. Trong khi đó, tội phạm ma túy quốc tế rất tinh ranh, xảo quyệt; luôn tìm đủ mọi cách tuồn ma túy vào VN.

 

Thu giữ hơn 62 kg ma túy

Từ tháng 7.2011 đến nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, Cục Hải quan TP.HCM bắt giữ tổng cộng 19 vụ vận chuyển ma túy, thu giữ hơn 62 kg ma túy (heroin, methamphetamine, tiền chất ma túy…); trong đó hải quan phối hợp với Đồn công an cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bắt 5 vụ và cung cấp thông tin cho cảnh sát Úc bắt 1 vụ.

Yếu tố quan trọng nhất trong việc phá án ma túy là thông tin về lộ trình, lý lịch của hành khách nghi vấn. Thực tế hiện nay, hải quan VN nắm bắt thông tin về hành khách từ nước ngoài nhập cảnh VN quá thủ công, lạc hậu so với hải quan các nước. Mỗi chuyến bay hạ cánh, hải quan nước ngoài được tiếp nhận khá đầy đủ dữ liệu, thông tin của từng hành khách trên chuyến bay do cảnh sát, ngành du lịch, hãng hàng không… có trách nhiệm cung cấp, nhằm phục vụ công tác phòng chống ma túy, an ninh. Với nguồn thông tin cực kỳ quan trọng này, lực lượng hải quan có điều kiện sàng lọc nhanh những hành khách nghi vấn để lên kế hoạch “tiếp đón”. “Hiện hải quan cửa khẩu chỉ nắm được thông tin về hành khách khi họ vào làm thủ tục nhập cảnh. Do thời gian nghiên cứu giấy tờ, hộ chiếu quá hạn hẹp nên đã ảnh hưởng nhất định đến công tác phát hiện nghi phạm vận chuyển ma túy. Trong khi đó, thời gian soi hành lý chỉ khoảng 7 giây/vali; nếu không xác định được vali nghi ngờ trước để tập trung soi kỹ thì khó mà phát hiện vali có cất giấu ma túy”, ông Lê Văn Tiến, Đội phó Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu, bộc bạch.

Đối với hành lý xuất, khi hải quan quyết định kiểm tra thường bị áp lực sợ hành khách trễ chuyến bay, nên mỗi quyết định đưa ra phải cực kỳ cân nhắc. “Hải quan không xác lập chuyên án điều tra đối tượng trong một thời gian dài nhất định như cảnh sát điều tra mà lập “chuyên án” ngay sau khi máy bay vừa đáp xuống sân bay hoặc chuẩn bị cất cánh. Thường bọn tội phạm chờ máy bay gần cất cánh mới vào làm thủ tục, nghĩa là thời gian rất hạn hẹp, có lúc chúng tôi quyết định tháo vali của hành khách kiểm tra gần sát với thời gian máy bay cất cánh. Nếu phát hiện có ma túy thì không có chuyện gì, nhưng nếu không có thì hải quan phải bỏ tiền túi ra bồi thường vé máy bay, tài sản cho hành khách. Chính vì vậy, quyết định câu lưu hành khách lại để kiểm tra hành lý hay không là cả một vấn đề và đầy áp lực”, ông Đinh Ngọc Thắng, Trưởng chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, nói. Ông Thắng quả quyết: “Nếu chúng tôi có khoản dự phòng rủi ro dành để bồi thường; trang bị thêm máy móc thiết bị hiện đại thì hải quan đỡ bị áp lực và dễ phát hiện ma túy hơn”.

Vẫn còn kẽ hở

Trong các loại tội phạm, ma túy được xem là nguy hiểm nhất. Chúng luôn thủ sẵn “hàng nóng” trong người, luôn manh động chống trả nếu bị lực lượng chức năng phát hiện truy bắt. Trong khi đó, lực lượng hải quan phòng chống ma túy ở cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất không được trang bị vũ khí, kể cả công cụ hỗ trợ, để chủ động tự vệ khi thi hành nhiệm vụ và kể cả khi về nhà. “Mỗi lần bắt giữ ma túy xong, nhiều lúc anh em không dám về nhà mà ngủ lại cơ quan luôn. Bởi vì anh em đi về một mình nếu bị bọn xấu trả thù thì khó có thể bảo vệ được bản thân. Bản thân tôi cũng từng nhận được tin nhắn đe dọa khi chúng biết tôi trực tiếp chỉ đạo bắt giữ ma túy”, một lãnh đạo của Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất chia sẻ.

Chặt đứt các đường dây ma túy qua sân bay
Ma túy được giấu bên trong máy móc thiết bị - Ảnh: do hải quan cung cấp

Mặt khác, các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy hoạt động hết sức tinh vi, thậm chí rất giỏi về khoa học kỹ thuật và tìm hiểu kỹ về các phương thức kiểm tra giám sát của hải quan. Chúng thường nghiên cứu tìm ra những kẽ hở, yếu kém trong công tác quản lý của cơ quan chức năng và không từ bỏ bất cứ phương thức thủ đoạn nào để vận chuyển ma túy ra vào VN. Trong khi đó, lực lượng hải quan chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị “đánh án” như: chưa có hệ thống nối mạng thông tin giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành trên địa bàn, hệ thống soi ngầm cũng như hệ thống camera quan sát; chưa có máy soi phát hiện ma túy, máy ngửi ion ma túy... Phần lớn các thông tin hải quan thu thập được qua kinh nghiệm, sàng lọc nghi phạm thủ công hoặc từ các thông tin cảnh báo trên internet, tạp chí của tổ chức hải quan thế giới và trao đổi thông tin kinh nghiệm từ cơ quan công an. “Những khó khăn đó luôn đặt chúng tôi vào tình thế bị động và việc phát hiện được ma túy trong hành lý của hơn 2 vạn hành khách mỗi ngày giống như việc mò kim đáy bể...”.

Một cán bộ của ngành công an nhận định liên quan đến các phi vụ vận chuyển ma túy bằng đường hàng không, hiện cơ quan chức năng cũng mới chỉ giải quyết được “phần ngọn” là bắt giữ được những người vận chuyển, còn những “trùm” ma túy quốc tế (vai trò điều khiển) vẫn ngoài vòng pháp luật. Đáng chú ý, không ít đối tượng vận chuyển ma túy sau khi bị bắt khai nhận đã từng vận chuyển trót lọt, qua mặt “hàng rào” kiểm soát của lực lượng chức năng tại sân bay; nghĩa là ở đây vẫn còn kẽ hở. “Để công tác phòng chống ma túy đạt hiệu quả cao, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm; đồng thời tăng cường đầu tư trang bị máy móc hiện đại để đối phó bọn tội phạm ma túy quốc tế trong tình hình mới”, vị cán bộ này nói.

Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.