Cách ôn thi môn toán, địa lý

10/04/2013 04:00 GMT+7

Theo các giáo viên, do tâm lý quá lo lắng nên một số học sinh ôn thi rất căng thẳng, thức quá khuya, sưu tầm thêm bài tập lạ và khó. Điều này khiến học sinh mất sức khỏe, thời gian và sự tự tin.

Các giáo viên hướng dẫn học sinh (HS) cách ôn thi nhẹ nhàng nhưng hiệu quả.

Môn toán: Ôn theo cơ cấu câu hỏi của đề thi

Nên lập kế hoạch ôn tập từng chương. Ví dụ như môn toán có 10 chương và các em còn 60 ngày nữa để học và ôn, vậy mỗi ngày các em chỉ cần học 2 giờ và học 1/6 chương là đủ.

Những năm gần đây đề thi khá hợp lý, tất cả các câu đều rơi vào trọng tâm của chương trình lớp 12 và trải đều toàn bộ chương trình toán 12. Có 4/8 câu nhỏ sẽ gây khó khăn cho HS trung bình vì những câu này đòi hỏi HS phải hiểu sâu sắc lý thuyết và nhớ công thức mới có thể làm tốt được. Từ nội dung của một đề thi tốt nghiệp, HS có thể ôn theo chủ điểm của từng câu hỏi. Cụ thể như sau:

Câu I: Các bài toán liên quan đến ứng dụng của đạo hàm và đồ thị của hàm số: Chiều biến thiên, cực trị; tiếp tuyến, tiệm cận; tìm trên đồ thị những điểm có tính chất cho trước, tương giao giữa 2 đồ thị. Câu I.1 khảo sát hàm bậc 3, bậc 4 hoặc hàm nhất biến. Câu I.2 thường liên quan đến vấn đề tăng giảm hàm số, sự tương giao, tiếp tuyến, cực trị...

Câu II: Câu II.1 đòi hỏi HS giải một phương trình hoặc bất phương trình (có chứa hàm logarit, hàm mũ). HS cần biết cách đặt ẩn phụ, để biến đổi phương trình hoặc bất phương trình về dạng quen thuộc; thường là bậc 2 hoặc tích số. Nhớ đặt điều kiện hàm số xác định và miền giá trị của ẩn phụ để chọn lựa kết quả phù hợp. Câu II.2 là câu tính tích phân, thường là dùng phương pháp đổi biến hay tích phân từng phần. HS phải thuộc các công thức tìm nguyên hàm để có nhận định và đổi biến thích hợp. Riêng II.3 là câu khó đạt điểm tối đa vì thường đòi hỏi HS phải hiểu sâu sắc lý thuyết và làm nhiều bài tập.

Câu III: Đây là câu thuộc hình không gian thuần túy, thường rất dễ nhưng nhiều HS yếu, trung bình thường sợ và bỏ câu này. Để làm được câu này các em cần nhớ các tính chất về sự song song, vuông góc, các công thức tính diện tích và thể tích. Diện tích xung quanh của hình nón tròn xoay, hình trụ tròn xoay. Thể tích của khối lăng trụ, khối chóp và khối nón tròn xoay; diện tích mặt cầu và thể tích khối cầu. Nên nhớ rằng để giải quyết một bài toán hình không gian, các em chỉ cần giải quyết trên từng mặt phẳng… Các khái niệm, tính chất trong môn hình học không gian khi sử dụng thì phải giải thích theo định nghĩa hoặc định lý tương ứng với khái niệm và tính chất đó. Nếu có vẽ thêm thì cũng phải trình bày trong lời giải. Không nên có lời giải quá vắn tắt vì có thể không phù hợp với đáp án, gây khó khăn cho thầy cô chấm bài.

Câu IVa và Va: Phần dành cho HS học theo chương trình chuẩn, các câu hỏi đều nằm trong trọng tâm toán 12 và yêu cầu tính toán đơn giản. HS yếu nhưng nắm vững phương pháp và công thức đều làm được. Câu IVa là câu hỏi về hình giải tích trong không gian, chủ đề là đường thẳng, mặt phẳng và mặt cầu. Xác định tọa độ của điểm, vectơ; viết phương trình mặt phẳng, đường thẳng. Tính góc, tính khoảng cách từ một điểm đến đường thẳng, mặt phẳng; khoảng cách của 2 đường thẳng; vị trí tương đối của đường thẳng, mặt phẳng, mặt cầu. Thường câu này rất dễ áp dụng trực tiếp giáo khoa và ít suy luận. Câu Va hỏi về số phức, là một câu dễ. HS chỉ cần khoảng 4 giờ ôn tập là có thể nắm chắc nội dung cần thiết về số phức để làm tốt.

Câu IVb  và Vb: Dành cho HS học theo chương trình nâng cao. Nội dung 2 câu này tương tự như câu IVa  và Va. Câu Vb đôi khi có liên quan đến hàm bậc 2 trên bậc nhất hoặc hệ phương trình mũ và logarit. So sánh phần tự chọn giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao thì chương trình nâng cao có khó hơn, do đó HS nên chọn phần chương trình chuẩn.

TS HUỲNH THỊ HOÀNG DUNG
(Giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM)

Cách ôn thi môn toán, địa lý
Giáo viên Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) hướng dẫn học sinh ôn thi môn địa lý - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Môn địa: Sơ đồ hóa kiến thức

Để nắm được trọng tâm và đủ nội dung của từng bài, cần phải học theo cách sơ đồ hóa kiến thức của từng bài, từng chương. Sau đó, tìm hiểu mối liên hệ về kiến thức của các bài đó và ghi nhớ một cách có hiệu quả nhất.

Chẳng hạn với kiến thức địa lý các vùng kinh tế, cần sơ đồ hóa kiến thức theo các bước: Xác định vị trí địa lý của vùng (dựa vào Atlat để xác định); Quy mô (lãnh thổ, dân số); Nguồn lực phát triển (nguồn lực tự nhiên, nguồn lực kinh tế - xã hội...); Các ngành kinh tế chủ yếu trong vùng (thế mạnh của vùng); Hướng chuyên môn hóa và các sản phẩm hàng hóa.

Ở môn này, HS phải biết cách khai thác Atlat để vận dụng vào bài làm. Khi dùng Atlat, HS cần lưu ý: Đọc phải theo trình tự khoa học và logic, ví dụ: Muốn tìm hiểu những nhân tố ảnh hưởng đến sự phân hóa khí hậu nước ta thì trước tiên cần dựa vào phụ lục để biết nội dung cần tìm hiểu nằm ở các trang nào của Atlat. Tiếp theo là đọc chú giải để biết nội dung được thể hiện trên bản đồ và rút ra được các kiến thức có tính tổng quát. Nắm được các nội dung kiến thức trong bài học với các mục cụ thể trong Atlat để từ đó rút ra được các thông tin cần thiết, đồng thời giúp khai thác mối liên hệ giữa các đối tượng địa lý cần tìm hiểu...

HS cũng cần rèn luyện các kỹ năng vẽ biểu đồ (biểu đồ cột, biểu đồ tròn, miền, biểu đồ kết hợp cột và đường...). Thông thường kỳ thi tốt nghiệp thường ra các dạng biểu đồ trên. Câu này thường chiếm 2 điểm nên việc rèn luyện kỹ năng này để đạt được điểm tối đa là yếu tố giúp HS đạt điểm cao.

TÔ VĂN QUY
 (Giáo viên Trường THPT Lê Thành Phương, Tuy An, Phú Yên)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.