Trung Quốc tận thu nguồn cá thế giới

08/04/2013 03:15 GMT+7

Nghiên cứu vừa công bố cho thấy lượng hải sản do Trung Quốc đánh bắt ở vùng biển quốc tế cao hơn nhiều so với con số trình lên LHQ.

Nghiên cứu do nhóm của GS Daniel Pauly thuộc ĐH British Columbia (Canada) thực hiện, lần lượt đăng tải trên các chuyên san uy tín Fish and Fisheries và Nature vào đầu tháng 4. Nhóm nghiên cứu ước tính trong giai đoạn 2000-2011, các tàu cá của Trung Quốc thu về trung bình từ 3,4 triệu - 6,1 triệu tấn cá/năm ở vùng biển quốc tế hoặc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của những nước có ký kết thỏa thuận. Tổng doanh thu của hoạt động này khoảng 8,9 tỉ euro. Trong khi đó, lượng cá đánh bắt trung bình ở các hải phận ngoài chủ quyền được Bắc Kinh báo cáo với Tổ chức Lương nông LHQ là 368.000 tấn/năm, tức chỉ bằng khoảng 1/12 so với ước tính của các chuyên gia.

Thiếu minh bạch

Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học đặt nghi vấn về việc “đánh bắt xa nhà” của tàu cá Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh ngành ngư nghiệp thế giới đang gặp nhiều khó khăn vì nguồn tài nguyên biển bắt đầu khan hiếm do khai thác quá mức. Theo tờ Le Monde, một nghiên cứu hồi tháng 9.2012 của Nghị viện châu Âu từng kết luận Bắc Kinh thường công bố con số thấp hơn thực tế về vấn đề này. Việc nghiên cứu của các chuyên gia gặp rất nhiều khó khăn vì Trung Quốc không công khai thỏa thuận về khai thác hải sản với các nước khác.

 
Tàu cá Trung Quốc rầm rộ tiến ra biển Hoa Đông đánh bắt - Ảnh: Reuters

GS Pauly cùng cộng sự đã tính toán dựa trên số lượng tàu cá Trung Quốc được ghi nhận ở vùng biển quốc tế và EEZ các nước. Việc tính toán còn được dựa trên cơ sở nhu cầu về hải sản trong nước cũng như lượng cá đánh bắt hằng năm tại lãnh hải nước này. Kết quả cho thấy hằng năm, vùng biển quanh châu Phi là mục tiêu hàng đầu của tàu cá Trung Quốc với lượng đánh bắt trung bình khoảng 3,1 triệu tấn, tương đương sản lượng của 22 quốc gia Tây Phi gộp lại. Kế đó là các vùng biển thuộc châu Á (trung bình 1 triệu tấn/năm), châu Đại Dương (198.000 tấn), Trung-Nam Mỹ (182.000 tấn), Nam cực (48.000 tấn)...

Đánh bắt trái phép

Lâu nay, nạn đánh bắt cá trái phép ở châu Phi, đặc biệt là Tây Phi đã được nhiều tổ chức quốc tế báo động. Le Monde dẫn thông tin từ Tổ chức Bảo vệ môi trường EJF cho biết nhiều tàu cá nước ngoài, phần lớn là Trung Quốc, thường thay đổi tên đăng ký khi hoạt động phi pháp ở khu vực này. Bên cạnh đó, nhiều tàu còn chia hoa hồng cho giới chức địa phương để không bị kiểm tra. Ngoài ra, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và cả những quốc gia nằm rất xa Trung Quốc như Argentina và Palau đều phải liên tục đối phó tàu nước này xâm nhập và đánh bắt trái phép. Còn tại những vùng biển Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền trên biển Đông thì tàu cá, tàu chế biến hải sản Trung Quốc ngang nhiên ra vào “như cơm bữa”. 

Hồi cuối tháng 2, tại hội nghị quốc tế ở Lyon (Pháp), Interpol công bố chiến dịch phòng chống đánh bắt cá trái phép mang tên Scale. Đây là nỗ lực nhằm hạn chế việc nhiều nước thất thu nguồn hải sản về tay những quốc gia có số lượng tàu cá hùng hậu, trang bị hiện đại và nhiều “chiêu trò”. Le Monde dẫn lời Bộ trưởng Ngư nghiệp Sierra Leone Momodu Allieu Pat-Sowe cho biết: “Với 618 km bờ biển, lẽ ra chúng tôi có thể thu được 59 triệu USD/năm từ hải sản nhưng vì nạn đánh bắt trái phép, nên con số này hiện chỉ ở mức 6 triệu USD”. Theo Interpol, hằng năm nạn khai thác hải sản trái phép đã gây thiệt hại khoảng 23 tỉ USD cho kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó là nguy cơ rất lớn đối với sự cân bằng sinh thái vì tàu cá hoạt động “chui” thường bất chấp các quy định về an toàn và bảo tồn. Những nước tham gia chiến dịch Scale sẽ chia sẻ thông tin do chính quyền địa phương cùng các tổ chức quốc tế thu thập được và phối hợp chặt chẽ để xử lý những trường hợp vi phạm.

Bắc Kinh sắp đưa trái phép du khách tới Hoàng Sa

Phó tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam của Trung Quốc Đàm Lực ngày 6.4 ngang nhiên tuyên bố dự định đưa du khách đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước ngày Quốc tế Lao động 1.5. Tân Hoa xã dẫn lời ông Đàm cho hay du khách có thể đổ bộ lên các đảo để tham quan, nhưng sẽ ăn và ngủ trên du thuyền.

Điều đáng quan ngại là ông Đàm đưa ra thông báo trên ngay trước ngày khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao do Trung Quốc tổ chức ở Hải Nam. Với chủ đề “Đổi mới, trách nhiệm, hợp tác: châu Á mưu cầu cùng phát triển”, hội nghị năm nay có sự tham dự của 9 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ cùng hơn 2.000 đại biểu. Phát biểu tại buổi khai mạc ngày 7.4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ duy trì quan hệ tốt với các láng giềng cũng như góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông Tập còn cảnh báo không ai được phép gây bất ổn vì lợi ích ích kỷ, theo Tân Hoa xã. Như vậy có thể thấy rõ là Trung Quốc ngày càng thách thức dư luận trong vấn đề chủ quyền và hành động ngược lại với những tuyên bố của chính mình.

Trong một diễn biến khác, AFP hôm qua dẫn lời giới chức Đài Loan cho hay đảo này có kế hoạch mở rộng một bến tàu ở Ba Bình, đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa và đang bị Đài Loan chiếm đóng phi pháp. Hành động này đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa.

Minh Trung

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Mỹ, Nhật lên kế hoạch đối phó tình huống xấu nhất tại biển Hoa Đông
>> Căng thẳng trên biển Hoa Đông
>> Trung Quốc đưa tàu trang bị vòi rồng tuần tra ở biển Hoa Đông
>> Quyết liệt tại biển Hoa Đông
>> Trung Quốc tập trận hải quân ở biển Hoa Đông
>> Biển Hoa Đông tiếp tục nóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.