Chủ động bảo vệ ngư dân

07/04/2013 03:15 GMT+7

Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cảnh sát biển, hải quân, kiểm ngư sẽ luôn hiện diện trên các vùng biển, hỗ trợ và bảo vệ ngư dân sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hôm qua 6.4, bên lề hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, trả lời PV Thanh Niên về việc bất chấp hiểm nguy trước diễn biến khó lường của sóng to và bão lớn, của việc liên tục bị phía Trung Quốc uy hiếp, ngư dân Việt Nam vẫn sẵn sàng ra khơi vừa sản xuất vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng NN-PTNT, nói: “Đó là những hành động đáng hoan nghênh và chúng tôi sẽ luôn nỗ lực cao nhất để hỗ trợ ngư dân hoạt động có hiệu quả trên biển một cách an toàn”.

Chủ động bảo vệ ngư dân
Cảnh sát biển Vùng 2 động viên ngư dân thoát nạn trở về tiếp tục bám biển - Ảnh: Nguyễn Tú

Kiểm ngư đi vào hoạt động

 

Trên 1.800 người chết và mất tích vì thiên tai

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, trong 5 năm (2008-2012), trên địa bàn cả nước thiên tai đã làm tổng cộng 1.868 người chết và mất tích, 2.972 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính lên đến trên 73.996 tỉ đồng (tương ứng 1,48% GDP/năm). So với cùng kỳ 5 năm trước, số người chết và mất tích giảm 7,9%, số người bị thương giảm 16,9%.

Theo ông Phát, sự hiện diện của cảnh sát biển, hải quân, tìm kiếm cứu nạn và sắp tới là lực lượng kiểm ngư sẽ giúp ngư dân yên tâm khai thác trên biển. “Việc đó là cần thiết và hiện nay các cơ quan nhà nước cũng đang có những cố gắng theo hướng đó. Chúng ta cũng cần phải tăng cường phương tiện, trang thiết bị hiện đại để sự hiện diện của các lực lượng này thường xuyên hơn và hỗ trợ ngư dân hiệu quả hơn”, ông Phát nói.

Lực lượng kiểm ngư, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đã được Nhà nước thành lập; Bộ NN-PTNT cũng đã thành lập Cục Kiểm ngư trực thuộc Tổng cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư đã bắt đầu hoạt động. Lực lượng được trang bị tàu lớn và các trang bị hiện đại, sẽ tiến hành giám sát, hướng dẫn việc thực hiện luật Thủy sản ở trên biển, nhất là các vùng biển xa. Vì thế, đây sẽ là lực lượng hỗ trợ để ngư dân hành nghề theo đúng quy định của luật pháp, tham gia tìm kiếm cứu nạn, đồng thời ngăn chặn tàu thuyền của nước ngoài vi phạm vào vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta.

Thêm tàu lớn, máy bay hiện đại

Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cho biết để tổ chức thực hiện cứu hộ cứu nạn trên biển, hiện chúng ta đã có các trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải, ứng phó sự cố tràn dầu ở các khu vực và có sự tham gia của lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư. Chúng ta đang dần xây dựng đội tàu hiện đại, hoạt động dài ngày trên biển trong mọi điều kiện thời tiết. Trong đó, tàu DN 2000 trang bị cho cảnh sát biển đã được hạ thủy. Đây là tàu có công suất lớn, có sân bay trực thăng và hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết. “Chúng ta đang đóng chiếc thứ hai và huy động tài chính để đóng 6 chiếc”, trung tướng Trần Quang Khuê cho biết.

Chủ động bảo vệ ngư dân
Tàu Sar của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC) tiếp cận và đưa ngư dân từ tàu bị nạn lên tàu - Ảnh: Nguyễn Tú

Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cũng cho biết Việt Nam đã có máy bay cứu nạn hiện đại và đang từng bước trang bị các tàu tìm kiếm cứu nạn xa bờ. Trên các vùng biển đều có lực lượng ứng trực và lực lượng cơ động nhiệm vụ. Ở các vùng trọng điểm và những thời điểm quan trọng, như khi có bão lớn…, trên cơ sở phân tích nguy cơ, sẽ điều lực lượng ém sẵn để sẵn sàng tham gia ứng cứu. “Biết ngư dân gặp tai nạn, chúng tôi điều tàu đến ngay. Bà con ngư dân yên tâm sản xuất trên biển, khi không may có tai nạn sự cố mà có báo cáo kịp thời, chính xác thì các lực lượng của chúng ta sẽ trợ giúp tích cực. Hầu như tất cả các vụ khi nhận được tín hiệu cấp cứu, chúng ta đều tổ chức cứu nạn thành công”, thiếu tướng Phạm Hoài Giang nói.

Ra khơi trên những chiếc tàu an toàn

Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý, để giảm bớt thiệt hại cho ngư dân đi đánh bắt trên biển, trước hết cần tăng cường quản lý chặt chẽ tàu thuyền thông qua việc thực hiện tốt hơn công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá để hướng dẫn và hỗ trợ cho ngư dân ra khơi với những con tàu an toàn, với những phương tiện an toàn. Ông Phát cũng cho biết những năm qua nhà nước đã cố gắng cải thiện hệ thống thông tin liên lạc cho ngư dân, gần đây có chương trình sử dụng các thiết bị vệ tinh, hiện đã trang bị cho 3.000 tàu trên tổng số gần 20.000 tàu đánh bắt xa bờ và 130.000 con tàu khai thác hải sản trên biển, giúp ngư dân liên hệ trực tiếp với các cơ quan quản lý, phòng chống lụt bão, kịp thời xử lý các sự cố.

Theo thiếu tướng Phạm Hoài Giang, chúng ta cần đẩy mạnh việc thành lập và duy trì các tổ đội sản xuất trên biển, hỗ trợ nhau đánh bắt thủy sản và đối phó với các sự cố. Nội lực của tổ đội này kết hợp với sự trợ giúp của các lực lượng kiểm ngư, hải quân, cảnh sát biển sẽ tạo cho ngư dân thêm vững tâm khi đi biển.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.