Theo dấu người xưa - Kỳ 43: Huyền thoại bộ ván linh

07/04/2013 05:10 GMT+7

Trong dân gian vẫn tồn tại quan niệm “sinh vi tướng, tử vi thần”. Sự “hiển thánh” của một số đối tượng thờ cúng qua những huyền thoại lưu truyền trong dân gian nhằm mục đích ca ngợi công đức của họ, cũng có khi nhằm gửi một thông điệp cho người đương thời về cách đối nhân xử thế, giữ đạo làm người. Các huyền thoại về Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức cũng không ngoại lệ.

Trong dân gian vẫn tồn tại quan niệm “sinh vi tướng, tử vi thần”. Sự “hiển thánh” của một số đối tượng thờ cúng qua những huyền thoại lưu truyền trong dân gian nhằm mục đích ca ngợi công đức của họ, cũng có khi nhằm gửi một thông điệp cho người đương thời về cách đối nhân xử thế, giữ đạo làm người. Các huyền thoại về Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức cũng không ngoại lệ. 

>> Theo dấu người xưa - Kỳ 42: Ông già Ba Tri
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 41: Thần kinh nhị thập cảnh qua sử sách
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 40: Trang sử bi thương của cửa biển Thuận An

Đức Tiền quân linh hiển

Tại đền thờ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức, ngoài những hiện vật quý khác, bộ ván thờ đặt ở gian giữa được coi là di vật của Tiền quân để lại. Tương truyền đây là bộ ván mà ông đã cho người lên tận vùng rừng núi Tây Ninh, đốn một cây sao to đem về. Phần gốc xẻ làm bộ ván, còn phần ngọn thì dùng để làm tang trống, hiện được lưu giữ tại chùa Diêu Quang gần đó. Từ khi Tiền quân mất, bộ ván được đặt trang trọng tại chánh điện thờ ngài. Bộ ván có bề dày 2 tấc, rộng khoảng 1,8 thước, dài hơn 3 thước, được làm từ khối gỗ nguyên nên gọi là ván một, hay còn gọi là ngựa nhứt. Thông thường các bộ ván ở các gia đình Nam bộ thường sử dụng 2 hoặc 3 tấm gỗ, gọi là ván (ngựa) đôi hoặc ván ba. Trọng lượng bộ ván khá nặng, theo gia đình ông Nguyễn Huỳnh Thoại, hậu duệ đời thứ 7 của đức Tiền quân, hồi năm 1959, khi dời đền thờ ngài từ miếu tôn Nguyễn Huỳnh, tức nền nhà cũ của Tiền quân đến đền thờ hiện nay, gia đình đã phải nhờ một trung đội lính Sài Gòn khiêng mới nổi.

Theo dấu người xưa - Kỳ 43: Huyền thoại bộ ván linh
Bộ ván xưa và gian thờ Đức Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức tại phường Khánh Hậu, TP.Tân An - Ảnh: H.P

Theo tục lệ Nam bộ xưa, trong gian nhà chính thường bài trí đến ba bộ ván, đồng thời bộ ván còn tượng trưng cho vai vế chủ nhân trong xã hội. Chẳng hạn như nhà quan quyền thì bộ ván giữa thường dành riêng cho quan chức, bạn bè của chủ nhà. Hai bộ đặt hai bên dành cho các loại khách khác của chủ nhà. Bộ ván giữa rất quan trọng vì nó đặt ngay dưới bàn thờ tổ tiên. Nếu không phải bậc trưởng thượng, người đức cao vọng trọng hoặc chưa được chủ nhân mời, khách không dám ngồi lên. Và xung quanh bộ ván đặt ở đền thờ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức có nhiều huyền thoại lý thú về sự linh hiển của ngài.

Năm nọ, trong một lần giỗ đức Tiền quân ngày mùng 8 tháng 9 âm lịch, quan khách các nơi đến dự rất đông. Cụ Nguyễn Huỳnh Hữu, cháu đời thứ 4 của đức Tiền quân, vì tiếp khách mệt mỏi nên phải leo lên bộ ván thờ nằm nghỉ đỡ. Ông thiếp đi một lát thì bất thình lình té xuống đất, rồi bật dậy bươn bả ra sau hiên nhà, chắp tay dập đầu liên hồi xuống thềm đá ong. Mãi đến 3 giờ sáng hôm sau người nhà mới phát hiện, thấy trán ông đầm đìa máu bèn hoảng hốt khiêng vào nhà. Khi tỉnh lại, cụ Hữu bảo: “Vì tôi mệt mỏi quá nên mới đánh liều lên bộ ván nằm nghỉ. Trong lúc mơ màng, thấy một cậu nhỏ để tóc trái đào chạy lại kéo tôi đi gặp Đức Quận công. Ngài quở tôi sao lại vô phép, dám nằm trên bộ ván. Vì vậy tôi mới dập đầu tạ tội”. Đoạn cụ Hữu sai người nhà bày hương, đăng lễ vật, nhờ các vị hương chức làng Tường Khánh đến cúng vái, xin ngài Tiền quân tha tội. 

Trừng trị Tổng đốc Lộc

Trần Bá Lộc là một Việt gian khét tiếng. Khi thực dân Pháp chiếm Nam kỳ, ông ta vào lính mã tà, đến năm 1865 được thăng Tri huyện Kiến Phong, làm Chủ quận Cái Bè, nhưng quyền hành bao trùm đến vùng Cai Lậy. Nhờ có công đàn áp cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương ở Tháp Mười, Tứ Kiệt ở Cai Lậy và Mai Xuân Thưởng ở Bình Thuận..., không bao lâu Lộc được thăng Tri phủ, Đốc phủ sứ rồi Tổng đốc.

Trong những lần dẫn quân đi đàn áp, Trần Bá Lộc ra lệnh cho bọn lính tàn sát những ai mà bọn chúng tóm được. Nhiều tư liệu cho biết Lộc từng bắt trẻ con bỏ vào cối giã gạo rồi sai lính dùng chày nện như người ta quết nem, hoặc dùng tầm vông vạt nhọn đóng vào hậu môn nạn nhân rồi đem bêu sống làm cho nạn nhân chịu sự đau đớn cùng cực trước khi trút hơi thở cuối cùng. Người xưa kể lại, Trần Bá Lộc còn nhiều lối tra khảo tàn nhẫn như lối đánh giao kèo. Nạn nhân bị lột trần truồng, nằm sấp, tay chân bị đóng cọc căng cứng. Lộc trực tiếp điều khiển cuộc tra tấn. Khi có lệnh của y tức thì có hai tên lính dùng cây nứa đập dập nện vào nạn nhân. Thịt da văng ra từng mảng một, máu me đầm đìa. Nếu nạn nhân không chịu khai báo, Lộc cho lính đổ than hồng vào vết thương.

Lần nọ, Trần Bá Lộc dẫn lính đi lùng sục vùng Tường Khánh, y ghé vào đền thờ ngài Tiền quân rồi ung dung leo lên bộ ván thờ ngồi chễm chệ. Trong lúc những người trong nhà bước ra định chào “quan lớn” thì bỗng nhiên y ngã nhào xuống đất ngất xỉu. Bọn lính hầu lật đật khiêng Lộc ra giường nằm. Một lúc sau tỉnh lại, Lộc hốt hoảng kể: “Ta đang ngồi trên bộ ván, thình lình có năm sáu người tự xưng là bộ hạ của quan Thượng Tiền quân vâng lệnh ngài bắt ta đem chém. Ta vùng vẫy chống cự nên mới té xuống đất”. Nói rồi y bảo thuộc hạ dìu ra khỏi khu vực đền thờ, không dám ngoái đầu lại nhìn.

Đình làng Tường Khánh có lệ cúng Kỳ Yên hằng năm vào ngày 14 và rằm tháng giêng âm lịch. Trong lễ cúng, ngoài việc tổ chức xây chầu, hát bội, còn có tục cúng tống Ôn hoàng dịch lệ, cầu cho dân làng mạnh khỏe mùa viêm nhiệt. Rạng ngày 16, lễ hội sắp kết thúc, ban tổ chức mời thầy pháp làm lễ Tống ôn. Người ta kết bè chuối, cắm cờ ngũ sắc cùng lễ vật để thả xuống sông, gọi là tiễn thần Ôn hoàng dịch lệ đi nơi khác.

Đoàn người làm lễ tiễn với cờ xí, trống kèn rầm rộ. Thầy pháp hóa trang mặt mày rằn ri, ngồi trên chiếc kiệu cao có đóng hai lưỡi dao hình chữ thập và hai tùy tùng hầu hai bên rất oai vệ. Lúc đoàn đi ngang qua đền thờ, bất thình lình thầy pháp từ giàn kiệu cao té nhào xuống đất, lại bị lưỡi dao cắt vào mông, bất tỉnh nhân sự. Hai gã tùy tùng cũng hoảng hốt bỏ chạy làm đám đông náo loạn. Một lúc sau, thầy pháp tỉnh lại, thuật lại với các kỳ lão trong làng rằng, lúc ông ngồi trên kiệu, khi đi ngang qua đền thờ đức Tiền quân bỗng thấy người xây xẩm, choáng váng, văng vẳng nghe có tiếng nạt rằng: “Quân bây làm gì rần rần vô phép, không cho thượng quan nghỉ ngơi”. Rồi ông ngồi không vững, té nhào xuống đất.

Từ đó về sau, mỗi lần tổ chức lễ Kỳ Yên, hương chức làng Tường Khánh quy định đám rước đi ngang qua đền thờ Đức Tiền quân thì phải yên lặng, không được khua chiêng đánh trống huyên náo như trước.   

Ngọc Phan - Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.