Chuyện tình vượt thời gian của cựu Hồng quân Liên Xô

06/04/2013 15:55 GMT+7

(TNO) “Tên cô ấy là Jeane… Một người tóc nâu, không có gì đặc biệt. Song tôi phải tìm cô ấy bằng mọi giá”.

Ở tuổi 93, ông Nikolai Vasenin, một cựu Hồng quân Liên Xô từng chiến đấu cho phong trào Kháng chiến Pháp thời Thế chiến thứ hai, đang tìm kiếm lại tình yêu mà ông nói đã thất lạc mất cách đây 60 năm. “Tôi đã 93 tuổi và không có lý do gì phải đợi thêm nữa”, ông Vasenin chia sẻ.

Cầu hôn nhưng bị cự tuyệt

Theo AFP, cuộc đời ngoại hạng trải qua 9 thập kỷ của Vasenin từng chứng kiến cảnh ông bị Đức Quốc xã bắt giữ, đào thoát và gia nhập phong trào kháng chiến Pháp và sau đó bị bắt khi trở về Liên Xô.

Jeane, con gái một chỉ huy kháng chiến Pháp, được cho là vẫn còn sống song cho đến nay Vasenin vẫn chưa hoàn thành được ước nguyện cuối đời là tìm gặp lại bà.

Chuyện tình vượt thời gian của cựu Hồng quân Liên Xô
 Ảnh chụp Vasenin vào năm 1942 (trái) khi là tù binh của quân Đức và vào năm 2007 - Ảnh: AFP

Sinh năm 1919, Vasenin gia nhập Hồng quân không lâu sau khi Hitler tấn công Liên Xô vào tháng 6.1941.

Vào ngày 9.7.1941, trung đoàn của ông bị bao vây gần khu vực Minsk. Giống 400.000 binh sĩ Liên Xô khác, Vasenin bị Đức Quốc xã bắt làm tù binh.

Sau một âm mưu vượt ngục bất thành ở Nuremberg, ông được giải đến trại lao động ở vùng Drome, phía nam nước Pháp. Tại đó, ông bỏ trốn vào tháng 10.1943 và gia nhập một nhóm các Maquis, tức các chiến sĩ kháng chiến Pháp tại vùng nông thôn.

“Tôi không nói được một từ tiếng Pháp”, ông Vasenin nói với AFP từ ngôi nhà ở vùng Ural, miền trung nước Nga.

“Maquis không tin tưởng tôi lúc ban đầu song sau lần chiến đấu đầu tiên của tôi, thái độ của họ đã thay đổi”, cựu binh già cả hồi tưởng.

Ít lâu sau, chàng thanh niên Nga trở thành chỉ huy một chi đội du kích 25 người mà sau này được mệnh danh là “nhóm Nicolas”.

Vasenin chiến đấu với quân Đức tại phía bắc vùng Drome, theo nhà báo Pháp Laurent Brayard, người từng viết các câu chuyện về các “Maquis Nga” cho đài phát thanh Voice of Russia.

Khi Vasenin bị thương ở chân, chỉ huy của ông là đại úy Gerard Monot đã đưa người thuộc cấp về nhà ông. Tại đây, người con gái tên Jeanne của Monot, nhỏ hơn Vasenin bốn tuổi, đã chăm sóc vết thương cho ông.

Khi liên quân Anh - Mỹ đổ bộ vào tháng 9.1944, Nikolai phải đến Paris trình diện phái bộ Liên Xô. “Trước khi ra đi, tôi ngỏ lời cầu hôn Jeanne với Gerard”, Vasenin hồi tưởng.

Cả ba đã lớn tiếng tiếng với nhau khi “đại úy cự tuyệt thẳng thừng” và rốt cuộc Vasenin phải rời đi. “Có lẽ do tôi nghèo. Và Jeanne buồn rầu song cô ấy sợ cha mình”, Vasenin nói.

Chỉ nhớ duy nhất câu: Anh yêu em!

Vào mùa xuân năm 1945, trước khi chiến tranh kết thúc, Vasenin trở về thành phố Odessa của Liên Xô ở biển Đen, nơi ông bị bắt ngay lập tức trong một biến chuyển nghiệt ngã của số phận mà nhiều cựu tù binh Liên Xô phải chịu đựng.

Vasenin bị tuyên án 15 năm cải tạo vì tội "phản quốc" song sớm được thả ra sau vài năm và buộc phải lao động khổ sai tại Siberia.

 

Theo AFP, cần phải chờ đợi xem liệu một kết thúc có hậu có xảy ra với chuyện tình vượt thời gian của Vasenin hay không. Song bạn bè và người thân của ông đã liên hệ với nhà chức trách Pháp với hy vọng ông có thể được tái ngộ người tình xưa.

Khi mãn hạn, Nikolai cưới Zinaida, một nhà địa chất học từng đến thăm khu mỏ nơi các tù nhân lao động.

Ông được phục hồi danh dự trong cuộc cải cách do nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev khởi xướng, không lâu trước khi Liên Xô sụp đổ vào cuối năm 1991.

Từ khi Zinaida qua đời cách đây 5 năm, Vasenin, cha của ba người con, đã sống cô độc trong một căn hộ nhỏ ở thành phố Novoberezovsky, gần thành phố Yekaterinburg.

Vào năm 2005, ông được nhà nước Pháp tặng thưởng huân chương Bắc đẩu Bội tinh hạng 5 sau khi câu chuyện của ông lầu đầu tiên được tiết lộ.

Là người còn sống duy nhất trong nhóm Maquis vùng Drome, Vasenin nói ông sẽ sống ít nhất đến khi gặp lại Jeanne.

"Je t'aime" (Anh yêu em) là câu tiếng Pháp duy nhất mà Vasenin còn nhớ, song “bấy nhiên đó là đủ”, ông nói.

Sơn Duân

>> Bom nguyên tử Liên Xô và bí mật từ Mỹ
>> Điệp viên huyền thoại thời Liên Xô qua đời
>> Vũ khí "nướng" thành phố thời Đức Quốc xã
>> Truy tìm nạn nhân Đức Quốc xã
>> Hungary bắt tội phạm Đức Quốc xã khét tiếng
>> Đồ tể cuối cùng của Đức Quốc xã qua đời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.